Theo một số tài liệu y học, con người hầu hết (95%) chui ra khỏi bụng mẹ bằng đầu. Thuật ngữ chuyên môn gọi là “ngôi đầu”. Đó là cách thuận tiện và an toàn nhất để chào đời. Tuy nhiên vẫn có những thai nhi… “chướng tính” chui ra bằng mông (ngôi mông) hoặc bằng lưng (ngôi lưng) mà dân gian thường gọi chung là đẻ ngược. Chưa có một thống kê nào cho thấy trẻ được đẻ ngược sau này sẽ có đặc điểm bẩm sinh gì khác người, ngoại trừ khả năng… vuốt ngược yết hầu cho người bị hóc xương cá. Đó là kiểu “làm phép” theo kinh nghiệm “xưa bày nay bắt chước” chứ chưa chắc đã công hiệu.
Bill Gates cầm bút tay trái.Nguồn: Internet |
Còn chuyện người thuận tay trái thì lại khác. Trên thế giới từ lâu đã có các số liệu tổng hợp về cái cộng đồng chiếm khoảng 10% dân số này, thậm chí đã có riêng một ngày quốc tế “những người thuận tay trái” (Left Handers Day) - ngày 13.8 hằng năm. Trong cùng một tương quan về số lượng, người thuận tay trái có chỉ số IQ cao hơn người thuận tay phải. Có khá nhiều danh nhân thế giới thuộc cộng đồng này: các nhà bác học như Aristotle, Marie Curie, Newton, Einstein…; các tỷ phú như Rockefeller, Henry Ford, Bill Gates…; các nhà lãnh đạo như Caesar, Napoléon, Churchill, nữ hoàng Victoria, Fidel Castro… và khoảng 10 Tổng thống Mỹ mà gần đây nhất là Barack Obama; trong lĩnh vực nghệ thuật có Mikenlangelo, Picasso, Mozart, Paul Mc.Carney, Marilyn Monroe, vua hề Charlot… Đặc biệt, danh họa Leonardo da Vinci thời Phục hưng không chỉ cầm cọ bằng tay phải, cầm bút bằng tay trái mà còn có khả năng viết chữ… ngược theo kiểu soi gương.
Ở xứ ta, hình như xưa nay người ta thường chú ý với cái tật thuận tay trái, dân gian gọi đó là “tay chiêu”: “Tay chiêu đập niêu không vỡ”. Con cái trong nhà, nếu đến bữa cơm hai đứa cầm đũa “ngoáy” vào nhau thì chắc chắn “đối thủ” bị mắng sẽ là đứa “tay chiêu”. Khi bắt đầu đi học, gây cực nhọc nhất cho cô giáo cũng là những “nạn nhân” này. Không hiểu sao các cô cứ trợn mắt quát nạt, ra sức sửa lại cho các em cầm bút sang tay phải, làm như chuyện này là… trò nghịch ngợm của chúng, mà càng sửa chữ viết lại càng như… gà bới. Oan!
Còn một “trò ngược” nữa mà lỗi thuộc về… ông trời. Đó là cộng đồng gồm 4 nhóm có sự dị biệt về giới tính, viết tắt là LGBT, bao gồm đồng tính nam (Gay, Pédérastie, pê-đê), đồng tính nữ (Lesbian, Lesbienne, Ô-môi), song tính (Biexual) và hoán tính (Trans-Gender). Trên thế giới, cộng đồng này chỉ chiếm khoảng 1 - 2% dân số nhưng đã và đang là một vấn đề gây tranh cãi về mặt đạo đức cũng như luật pháp. Mặc dù Liên hiệp quốc đã có ngày 17.5 làm “ngày quốc tế chống kỳ thị người đồng tính, song tính và chuyển giới”, viết tắt là IDAHO, nhưng luật pháp nhiều nước vẫn còn rất nghiêm khắc với hiện tượng này, nhất là ở các quốc gia theo đạo Hồi. Ở Việt Nam, luật “Hôn nhân và gia đình sửa đổi” năm 2014 thì “đi nước đôi”, không công nhận cũng không cấm đoán hôn nhân đồng giới. Ngoài xã hội, cộng đồng này thường bị “soi” với ánh mắt có phần phân biệt, e dè, thiếu thiện cảm. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách công bằng, chúng ta thấy rằng chuyện “giới tính ngược” là một hiện tượng tự nhiên thuộc lĩnh vực di truyền học. Nhiều loài động vật như cá tôm ong bướm… đều tồn tại trạng tướng lưỡng tính thì sao loài người lại không?
Nhìn chung, các “hiện tượng ngược” nêu trên đều không phải là sản phẩm có chủ đích của người nào. Hãy “sa đà” thêm một chút về những “chuyện ngược” thuộc lĩnh vực tâm lý xã hội. Ngày xưa, và cả ngày nay ở quê, ta vẫn thường nghe các bà các mẹ nựng trẻ: “Ui, cái thằng cu con này, cái mặt xấu xí dễ ghét quá đi!”. Đó không phải là lời chê mà là khen. “Dễ thương”, “xinh đẹp” bị nói ngược thành “dễ ghét”, “xấu xí”. Có lẽ người ta ngại những điều tốt đẹp bị “lộ diện” quá sớm sẽ đánh động lòng “đố kỵ” của các thế lực siêu nhiên nào đó chăng? Ngoài ra, tên của các bé ở nhà cũng không dám gọi theo những mỹ danh như trong khai sinh. Cho nên trong làng thường có những cô bé, cậu nhóc mang những cái tên ít... sang trọng như Cu, Bẻm, Xí, Cứt, Ròm… Nghe mẹ réo con: “Cứt ơi! Về ăn cơm bớ Cứt!” mà cười bể bụng. Nhưng không sao! Chẳng cháu nào dỗi hờn về cái tên cưng của mình. Người lớn còn dạy con trẻ về thế giới xung quanh bằng những bài “vè nói ngược”, nghe cũng lạ đời: “Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè nói ngược/ Ngựa đua dưới nước/ Thuyền chạy trên bờ/ Lên núi đặt lờ/ Xuống sông đốn củi…”. Cũng chẳng hề chi! Các cháu sẽ hiểu ngược lại lần nữa để nhận ra tri thức. Lại nghe bài hát: “Con chim mày ở trên cây/ Tao đứng dưới đất mày bay đường nào? Con cá mày lội dưới ao? Tao tát nước vào mày sống được chăng?”. Cũng là một kiểu nói ngược nhưng lại hiền lành và dễ thương quá, chẳng em nào lại đi tin vào hiệu quả từ những lời hù dọa kia. Rồi càng học lên, các em lại tiếp thu được những cách “lý luận ngược” như phản ví dụ, phản đề, phản biện… để đi tới nhận thức đúng, biết được ông Galileo “nói ngược” rằng trái đất quay quanh mặt trời, ông Einstein “nghĩ ngược” rằng chuyển động càng nhanh thì thời gian càng dài ra… Và còn biết bao cái sự “ngược đời” khác đã trở thành những chân lý và phương tiện hữu ích giúp cho nhân loại ngày càng “người” hơn.
Nghĩ ngược, nói ngược, làm ngược… sẽ mở ra cơ hội tạo nên động lực phát triển mới theo cách nhảy vọt, bất kể là trong lĩnh vực nào. Ở Tokyo - Nhật Bản có một cửa hàng bán đồ sành sứ cho khách hàng đến… đập phá, kể cả chửi mắng để xả stress. Vậy mà rất đông khách. Nhiều nông dân ở xứ ta bị gắn cho biệt danh là… “khùng” vì trồng rau quả trái vụ, nhưng rồi đã trở thành tỷ phú. Tuy nhiên, vẫn có những thứ không thể đảo ngược được, chẳng hạn ai cứ dong xe ngược trên đường một chiều thì điểm tới chắc sẽ là… bệnh viện hoặc nghĩa trang. Cũng vậy trong toán học, chỉ có thể lấy 0 chia cho 1, bởi nếu làm ngược lại có kết quả thì mọi sự sẽ trở nên phi lý.
PHAN VĂN MINH