Ngược nguồn du xuân

ALĂNG NGƯỚC 09/02/2017 09:12

Tết năm nay, ngoài đón “tất niên chung” tại các làng bản địa phương, đồng bào vùng cao còn tổ chức du xuân theo hội làng truyền thống và ngược nguồn tham quan các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái đầy hấp dẫn, thú vị.

Đồng bào vùng cao mở hội làng mừng xuân mới. Ảnh: Đ.N
Đồng bào vùng cao mở hội làng mừng xuân mới. Ảnh: Đ.N

Đi “phượt” ngày tết

Xuân năm nay, anh Alăng Văn Gáo (dân tộc Cơ Tu) quyết định cùng nhóm bạn của mình từ Đông Giang “phượt” lên tận xã biên giới Đắc Tôi (Nam Giang) để cùng đồng bào Tà Riềng đón tết. Trên những chặng hành trình, nắng xuân dịu nhẹ càng tô điểm cho cảnh sắc vùng cao thêm lung linh dưới những lớp mây mỏng phủ kín chân núi. Ai cũng thích thú và không quên ghi lại khoảnh khắc đẹp, đáng nhớ trong chuyến đi đầu năm mới của mình. Anh Alăng Văn Gáo bảo, đây là lần đầu tiên cùng nhóm bạn tự tổ chức du xuân lên các bản làng biên giới Nam Giang để “đổi chút gió” và tìm hiểu phong tục đẹp của các tộc người Ve, Tà Riềng anh em trong dịp đón tết cổ truyền. Chính sự hào hứng muốn trải nghiệm trở thành động lực giúp nhóm của Gáo vượt cả trăm cây số đường rừng hiểm trở suốt nhiều giờ đồng hồ không mệt mỏi. “Hành trình của nhóm, ngoài tham quan các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, còn được hòa mình trong hội làng truyền thống của đồng bào Cơ Tu, Ve, Tà Riềng ở huyện miền núi Nam Giang. Đây thực sự là kỷ niệm đáng nhớ của nhóm, những người thích khám phá vùng đất mới, phong tục đẹp và lạ trong ngày tết của đồng bào vùng cao” - anh Gáo chia sẻ.

Tương tự, ngay từ mùng Hai tết, Pơloong Plênh (ở thôn Pơr’ning, xã Lăng, Tây Giang) đã chuẩn bị hành lý của mình để cùng nhóm du khách từ TP.Đà Nẵng đi “phượt” lên quần thể rừng pơmu, các khu du lịch sinh thái ở Tây Giang và một số bản làng biên giới như đã hẹn trước đó. Vốn yêu rừng, lại đang công tác ở một đơn vị liên quan đến ngành du lịch, nên Plênh trở thành “hướng dẫn viên hoàn hảo” cho nhóm bạn thích khám phá. Điều đặc biệt, sau khi tập trung tại nhà Pơloong Plênh, nhóm bạn du xuân hoàn toàn bằng xe đạp, bắt đầu hành trình về rừng với điểm đến đầu tiên là quần thể Cây di sản pơmu.

Xuân, nhưng tiết trời ở vùng cao Tây Giang lạnh buốt, hệt như một “Sa Pa” ở xứ Quảng. “Ngày tết, thật thú vị khi dẫn đoàn du khách vào rừng để khám phá, trải nghiệm phong cảnh đẹp của quần thể cây pơmu, thác nước hùng vĩ. Lần đầu tiên, mình tham gia đoàn du xuân theo kiểu này, rất hấp dẫn và ấn tượng” - Plênh trải lòng.

Về với non ngàn

Tại các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang,… những ngày tết trở nên rộn ràng cùng các lễ hội truyền thống với không gian tất niên chung, tết làng, tết tộc họ được đồng bào tổ chức. Tiếng cồng, nhịp chiêng ngân vang khắp cánh rừng, góp thêm niềm vui cho ngày hội đón xuân, mừng Đảng. Sau một năm lam lũ, đón Tết Đinh Dậu đồng bào Cơ Tu quây quần bên nhau, dặt dìu theo điệu khèn và vũ điệu tâng tung da dá. Sắc màu thổ cẩm lung linh dưới ánh nắng xuân như tô điểm cho không gian ngày tết ở vùng cao thêm ấm áp. Ông Riah Đơơr, già làng ở thôn Réh (xã Ch’Ơm, Tây Giang) cho hay, năm nay đồng bào địa phương đón tết chung bằng lễ hội truyền thống. Rất nhiều bà con, họ hàng của thôn ở các vùng lân cận đã về chung vui với dân làng, cùng trẩy hội mừng năm mới và hào hứng tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa truyền thống, văn hóa ẩm thực trong rộn ràng thanh âm vui nhộn của nhịp cồng chiêng, nói lý - hát lý. “Mỗi năm được tổ chức một lần, hội làng truyền thống của đồng bào Cơ Tu tại địa phương được xem là dịp để người dân chung vui trẩy hội mùa xuân, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình” - già Đơơr bộc bạch.

Niềm vui của trẻ em vùng cao trong ngày tết cổ truyền bên những du khách đến từ miền xuôi. Ảnh: Đ.N
Niềm vui của trẻ em vùng cao trong ngày tết cổ truyền bên những du khách đến từ miền xuôi. Ảnh: Đ.N

Anh Nguyễn Hữu Đức - một du khách đến từ TP.Đà Nẵng chia sẻ, chuyến đi ngược nguồn về với núi trong ngày tết được thực hiện từ ý tưởng muốn trải nghiệm và tìm hiểu về đời sống, phong tục đón tết của đồng bào vùng cao, cũng như chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cánh rừng, thác nước mùa xuân. Vì thế, chuyến ngược nguồn lần đầu tiên này, nhóm của anh đã quyết định chọn phương tiện xe đạp để chinh phục và thử sức trên quãng đường dài hàng trăm cây số ngoằn ngoèo, hiểm trở.

Đêm ngủ ở nhà sàn, cùng hòa vào không gian vui xuân của đồng bào vùng cao và được khai vị ẩm thực truyền thống… tạo niềm vui, sự thích thú cho du khách. Những khoảnh khắc đẹp, đầy ấn tượng trong ngày tết với đồng bào vùng cao được du khách lưu giữ bằng hình ảnh, mà khi đưa lên mạng xã hội, không ít bạn bè đã phải bày tỏ sự “ganh tị” và ước ao. Chén rượu cần mềm môi, đến với núi rừng, với đồng bào Cơ Tu thực sự là một trải nghiệm không thể quên với du khách miền xuôi. “Đến với rừng, với bản làng vùng cao Tây Giang, được tận mắt chiêm ngưỡng những thác nước trong vắt với lãng đãng sương mù và rừng cây cổ thụ cao vút, bạt ngàn mới thấy chuyến đi thật ý nghĩa. Năm sau, nhất định mình sẽ tiếp tục tham gia chuyến đi như thế này, sẽ ở lại lâu hơn với núi rừng và đồng bào Cơ Tu” - anh Đức nói.

 ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngược nguồn du xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO