Khi mực nước các con sông thấp xuống là lúc dân chơi đá cảnh rủ nhau ngược nguồn săn đá.
Vào mùa săn đá, ông Ngô Văn Thước (Duy Xuyên) và những người cùng sở thích thường thuê ghe ngược Thu Bồn lên “đóng quân” ở thượng nguồn đôi ba ngày. Có lúc, theo đường bộ, lang thang hết ngày này qua ngày khác dọc các nhánh suối thượng nguồn tìm kiếm. “Toàn là dân chơi đá theo kiểu “tài tử”. Không tính chuyện kinh doanh bán mua nên chỉ săn đá nổi tự nhiên, không đào bới, khai thác như dân chơi đá chuyên nghiệp các nơi vẫn làm. Gọi là đi “săn”, nhưng cứ như đi dã ngoại, du sơn ngoạn thủy quê mình” - ông Thước nói. Do vậy, có khi một chuyến đi săn đôi ba ngày, có người chỉ tìm được vài hòn đá ưng ý, có người về tay không. Đôi khi gặp may. Chẳng hạn năm ngoái, một người bạn của ông Thước mới lần đầu lò dò săn đá, lên sông Tranh (đoạn chảy qua huyện Hiệp Đức hôm trước) thì hôm sau đã tìm được một viên “kỳ thạch”. Viên đá cuội có vân lưỡng long chầu nguyệt này, nghe đâu có người gạ mua với giá 40 triệu đồng.
Cả một “rừng” đá mênh mông, nhưng để tìm được được viên đá cảnh ưng ý là điều không đơn giản. Ảnh: B.A |
Dựa theo đặc điểm nguồn, chất đá ở từng khu vực, dân chơi đá tùy theo “trường phái” và sở thích mà tổ chức các cuộc săn tìm phù hợp. Nơi được tập trung săn tìm nhiều nhất là khu vực thượng nguồn sông Thu Bồn (đoạn từ Hòn Kẽm - Đá Dừng đổ lên) và một số đoạn sông Vu Gia, sông Tranh, sông Trường, sông Tiên... Ở thượng nguồn Vu Gia, Thu Bồn chủ yếu là đá cuội, hình dáng thon nhỏ, sạch, nhưng ít vân và hiếm có hình thù độc đáo. Còn dọc triền sông Tiên, sông Tranh, sông Trường có nhiều viên đá lớn, hình dáng phong phú hơn, nhưng lại chủ yếu là đá non. Tuy nhiên, do lượng đá nổi tự nhiên ở những khu vực này khá nhiều nên việc tìm kiếm, lựa chọn những viên đá, khối đá ưng ý cũng tương đối thuận lợi...
Ngoài các con sông, những con suối cạn hoang sơ nằm giữa các cánh rừng nguyên sinh cũng là đích đến của một số người chơi đá cảnh. Đi đến đã khó, tìm được đá mang về còn khó gấp nhiều lần. Đó là chưa kể khi vào sâu trong rừng, đôi khi còn gặp tai nạn bất ngờ. Lại có lúc tìm được hòn đá ưng ý, ì ạch mang về “thay áo” (bóc rêu, đánh bóng, chỉnh sửa hình dáng...) xong mới phát hiện ra đó chỉ là một tác phẩm vô hồn! Một người có 12 năm kinh nghiệm chơi đá cho biết ở những “mỏ đá” hiểm yếu như thế thường chỉ có dân chơi đá “có nghề” mới dám tìm đến. Anh Phạm Tấn Dũng, một người chuyên chơi thạch thư (viết thư pháp trên đá) ở Điện Bàn, sau mấy chuyến ngược nguồn tìm đá đã đưa ra nhận xét: “Tìm mấy viên đá “có vẻ đẹp đẹp” thì dễ, nhưng để “gặp” được những viên đá có hồn, đảm bảo các tiêu chí khắt khe về bố cục, hình dáng, vân, sắc và cả yếu tố phong thủy, tâm linh, lại có thể “đề thơ” lên được là cả một vấn đề. Nghề chơi (đá) quả cũng lắm công phu!”.
BẢO ANH