(QNO) - Lối viết chuyên nghiệp, cách dùng nhiều thuật ngữ chuyên ngành buộc người đọc phải đọc lại “Người ăn chay” qua một lăng kính tương đối phức tạp, Lê Thị Kiều Trang thể hiện một cách tiếp cận khác để đem lại sự đa dạng khá thú vị cho cuộc thi "Cùng đọc sách."
Phát động từ tháng 5.2021, cuộc thi "Cùng đọc sách" do Sở GD-ĐT phối hợp với Báo Quảng Nam điện tử tổ chức vẫn tiếp tục nhận và đăng tải những bài viết có chất lượng với hy vọng khích lệ và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
--------------------------------
Hầu hết khác biệt được tạo ra để biểu ý cho một sự thay đổi, bứt phá trong cuộc sống, nhưng khác biệt để tự do, để tách rời khỏi loài người là thứ tôi được trải nghiệm đầu đời khi gặp gỡ mối duyên với nhà văn nữ trẻ Hàn Quốc - Han Kang, với tác phẩm “Người ăn chay” - cuốn sách tôi vô tình đọc được trong một lần ghé ngang hiệu sách thành phố và ngay từ những trang viết đầu tiên, tôi đã quyết định mang sách về nhà.
“I believe that humans should be plants!” (Tôi tin rằng con người nên hóa thành cây cỏ!) là câu nói của nhà văn Yi Sang đã làm cảnh tỉnh Han Kang, thôi thúc cho quá trình “bén rễ”, “sinh trưởng” và “phát triển” của liên truyện “Người ăn chay”.
Nhìn từ tựa đề của tác phẩm, tôi đã lấy làm ngờ vực, vì đối với một kẻ ăn mặn trường kỳ như tôi thì sách ăn chay có gì hay ho, hồ hởi? Nhưng không, tôi đã có cái nhìn khác khi đọc quyển sách này. Bởi đằng sau bóng lưng trần, lõa thể của người đàn bà đang ôm lấy thân mình ở trang bìa của cuốn sách, là những tiếng rền âm ỉ, những lát cắt rất chân thực của tình yêu, hôn nhân, tình dục, bạo lực gia đình, sự tự do hay lòng si mê nghệ thuật ở con người. Nó khắc khoải tâm hồn tôi cho đến hồi kết, từ đó làm dấy lên trong tôi một nỗi niềm đau đáu về cõi nhân sinh.
Có thể nói, thành công lớn nhất của Han Kang chính là khả năng móc nối 3 chương truyện tưởng chừng như tách rời, được đặt kể theo những điểm nhìn, ngôi thứ khác nhau nhưng xuất phát điểm của chúng đều tụ chung ở sự kiện: nhân vật chính Yeong-hye đột ngột từ chối việc ăn thịt và sau đó là từ chối tất cả thức ăn, một trong những quyền sống cơ bản của con người bởi cơn cớ rằng: “Em đã mơ” - những giấc mơ đầy bạo lực, kinh dị của sự chết chóc, máu me hàng đêm.
Chính vào thời khắc này, nhịp sống vốn có của các nhân vật trong liên truyện đã dần dà biến chuyển theo nhiều chiều hướng khác nhau. Bi kịch liên hồi “gõ” vào từng chương truyện và Yeong-hye phải chịu đựng những sự đả kích dồn dập, “đơn thương độc mã” chiến đấu với căn bệnh trầm cảm của mình trong sự thiên kiến và phẫn nộ tột cùng của các thành viên trong gia đình.
Tất cả đều đơn giản hóa trước nỗi đau mà cô phải gánh chịu, cho mình cái quyền được bóp nghẹt con đường tự do hóa cá nhân của Yeong-hye. Vì thế, cô đã quyết liệt kháng cự, muốn sống như một cái cây và mong cầu về một cuộc đời thong dong, tự tại, được trở về với cái bản ngã của mình trong ngần ấy thời gian vịn vào những thứ bên ngoài, gia đình, chồng con, bố mẹ.
“Em bây giờ không phải là động vật nữa đâu chị” - Yeong-hye nói với đôi mắt sáng lóng lánh, thứ ánh sáng tinh khiết như rũ bỏ được tất cả.
Và dẫu đến cuối thiên truyện, hình ảnh Yeong-hye hiện lên với vẻ ngoài rúm ró, rệu rã, da bọc xương, khoác lên mình bộ quần áo xoàng xĩnh của bệnh viện. Nhưng đó là kết cục mà cô đã chọn lựa với lý tưởng sống bền bỉ như một cái cây. Không hoàn hảo, vậy mà cũng đủ làm Yeong-hye cảm thấy thỏa nguyện.
Đọc đến đây, hẳn nhiều người sẽ thấy não nùng và tuyệt vọng lắm, nhưng thảng hoặc được quay trở lại lần gặp gỡ thuở ban đầu với “Người ăn chay”, tôi vẫn sẽ “ẵm” bằng được cuốn sách đó về nhà. Vì hơn hết ở kết cục của cuốn sách, tôi càng trân quý hơn giá trị truyền tải sâu sắc về “tính người” trong liên truyện, về những gợi mở vô cực đầy thiết thực trong cuộc sống trần tục của con người.
Với tính chất đa điểm nhìn của cuốn sách, mỗi độc giả sẽ có cho mình một “mắt nhìn” riêng, chân lý sẽ từ đó mà “nảy mầm” trong tâm ý. Tôi không biết độc giả cảm nhận như thế nào, nhưng với tôi, giả sử tôi được hóa thân thành Yeong-hye, tôi cũng sẽ lựa chọn một lần được sống là chính mình.
---------------------
Bài dự thi “Cùng đọc sách” do Sở GD-ĐT phối hợp Báo Quảng Nam tổ chức trên báo Quảng Nam điện tử.
Bạn đọc theo dõi thể lệ cuộc thi tại link sau: http://baoquangnam.vn/giáo-dục/tổ-chức-cuộc-thi-cùng-đọc-sách-trên-báo-quảng-nam-điện-tử-111333.html