Biết không thể khai thác được gì từ người cộng sản kiên trung Trần Ngự, ngày 20.7.1961 tên Tôn Thất Dần - Trưởng ty Công an tỉnh Quảng Nam trực thuộc Nha Cảnh sát miền Bắc - Trung Nguyên - Trung Phần, ghi kết luận vào bản lý lịch can cứu chính trị của tù nhân Trần Ngự: “Đảng viên kỳ cựu (1949) kiên trung khó cải tạo. Đề nghị giáo hóa để biệt ngoại và trừng trị xứng đáng với tội lỗi. Thời hạn hai năm tại Trung tâm cải huấn Đà Nẵng, phân loại A, loại tối nguy hiểm cho chế độ Sài Gòn”…
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Ngự có tên hoạt động cách mạng là Trần Thanh Tâm, sinh ngày 2.10.1923 tại làng Hóa Quê, tổng An Mỹ nay là xã Quế Thọ, Hiệp Đức. Theo lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng xã Quế Thọ giai đoạn 1930 - 2010, xuất bản tháng 3.2015, có ghi, ông là một trong những chiến sĩ cách mạng kiên trung. Năm 1937 sau khi học xong trường làng, ông đã được một trong những đảng viên kỳ cựu, cán bộ tiền khởi nghĩa Huỳnh Hảo người cùng làng truyên truyền giác ngộ. Năm 1945 Trần Ngự là Bí thư đoàn xã, năm 1949 đứng vào hàng ngũ của Đảng. Sau Hiệp định Giơnevơ, Trần Ngự được phân công ở lại hoạt động bí mật cùng Cao Đình Trung để gây dựng cơ sở. Ông Cao Đình Trung sau đó hy sinh, được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực vũ trang nhân dân; từng trải qua các vị trí công tác Đội trưởng Đội công tác xã Sơn Tây (1955 - 1960), Huyện ủy viên Huyện ủy Quế Sơn (1963 - 1966), Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Quế Sơn (1967).
Khi còn sống ba tôi vẫn thường kể, tuy nhỏ hơn 2 tuổi nhưng Trần Ngự với ông là hai người bạn thân thiết, bởi cùng giác ngộ cách mạng và được các đồng chí cán bộ đảng viên đầu tiên ở địa phương như Huỳnh Hảo, Đặng Tuyến, Bùi Trọng Khanh, Cao Kiềm, Võ Thắng… dìu dắt tham gia cách mạng từ trước cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945. Năm 1949 ba tôi là Võ Như (bí danh Châu) và người bạn đồng chí hướng Trần Ngự cùng đứng vào hàng ngũ của Đảng. Và như thế trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) hai người đã gắn bó với phong trào cách mạng đầy gian khổ trên chính quê hương mình.
Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, trong những năm 1940 - 1943, ở khắp nơi trong tỉnh địch tăng cường khủng bố, một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của phong trào bị bắt bớ giam cầm, một số cơ sở cách mạng ở xã Quế Thọ lần lượt bị vỡ. Địch tăng cường vây ráp tuần tra cửa ngõ các làng từ Phú Cốc, Phú Bình, An Sơn đến Võ Xá, An Tây, Mỹ Thạnh, Hóa Trung, An Đông, yểm canh được dựng lên, tối đến tuần đinh mang dây trói, gậy gộc đi canh gác. Địch cấm mọi người ban đêm không được ra khỏi nhà, cấm “quần tam, tụ ngũ”, gây nên không khí căng thẳng, ngột ngạt khắp xóm làng. Tại làng Phú Bình, Quế Thọ quê tôi, bọn địch dựng lên một xưởng ép dầu để phục vụ quân đội Nhật. Không chỉ có thế bọn chúng còn ra sức bắt xâu, đi làm trảng Nhật, làm sân bay, sửa chữa cầu cống cho chúng.
Để lôi kéo thanh niên, bọn thân Nhật tổ chức đoàn thanh niên Phan Anh, xây dựng tổ chức từ cấp xã, tổng, đến cấp huyện. Lực lượng này mặc đồng phục quần soóc, áo sơ mi, tổ chức cắm trại, tụ tập lên như một phong trào mới lạ nên rất nhiều người tham gia. Lo ngại trước hoạt động của phong trào thân Nhật này, được sự chỉ đạo ở trên, ba tôi cùng ông Trần Ngự thâm nhập trực tiếp vào hàng ngũ tổ chức thanh niên Phan Anh, tuyên truyền lôi kéo nhiều người về với cách mạng, dần dần hướng những thanh niên trong hàng ngũ này thành tổ chức cứu quốc của Mặt trận Việt Minh. Tiếp đó, phong trào cách mạng địa phương hướng về công tác truyền bá quốc ngữ với khẩu hiệu “học túc phá ngu”, “khai dân trí”, chọn những người biết chữ trong làng đứng ra mớ lớp dạy những người chưa biết chữ thành nhóm, thành tổ. Trong các buổi học, giảng viên bí mật đưa vào lớp những bài thơ yêu nước, đồng thời tổ chức vận động nhân dân góp tiền xây dựng chiến khu Ba Tơ, Quảng Ngãi… kêu gọi nhân dân hăng hái ủng hộ lúa gạo, rèn giáo mác, mua băng cờ chuẩn bị sẵn sàng khởi nghĩa…
Trong cuộc nổi dậy Cách mạng Tháng Tám 1945, đội tự vệ xã Quế Thọ được trang bị 30 cây kiếm, 30 cây cung tên, 2 cây đại đao và 2 khẩu súng săn. Sáng 17.8.1945, nhân dân xã Quế Thọ dưới sự chỉ huy của các ông Huỳnh Hảo, Cao Đăng, Bùi Trọng Khanh, Võ Thắng, Nguyễn Thế Tuân, Nguyễn Mậu Thanh… kéo đến bao vây chính quyền tổng An Mỹ, buộc chánh, phó tổng phải nộp tài liệu, ấn chỉ cho chính quyền cách mạng. Khí thế cách mạng hào hùng những ngày Tháng Tám ở quê nhà mãi là ký ức không phai với lớp người đã đi qua những năm tháng đó.
Trong suốt 9 năm kháng Pháp, quê tôi lúc đó là vùng tự do, là hậu phương trực tiếp, căn cứ địa vững chắc của huyện, tỉnh và liên khu 5. Hiệp định Giơnevơ được ký kết, thế và lực cách mạng ở xã đột ngột thay đổi, từ chỗ một vùng tự do bổng chốc trở thành vùng trắng, chính quyền cách mạng, các đoàn thể nhân dân và tổ chức đảng phải rút vào hoạt động bí mật, khi đế quốc Mỹ trắng trợn phá hoại hiệp định, hất cẳng Pháp nhảy vào miền Nam, đưa Ngô Đình Diệm lập chính phủ tay sai ở Sài Gòn, quay lại trả thù những người kháng chiến cũ.
Phong trào cách mạng địa phương rơi vào những ngày đen tối. Bọn Quốc dân đảng ngóc đầu dậy, tiếp tay Mỹ - Diệm hòng đánh phá phong trào cách mạng. Bọn chúng lùng sục khắp thôn xóm, đến từng nhà nhận mặt, ám sát thủ tiêu cán bộ đảng viên. Lúc này hàng loạt cán bộ đảng viên của ta bị sát hại như đồng chí Cáo Méo ở thôn Phú Cốc Tây bị chôn sống, đồng chí Nguyễn Mậu Nam bị chúng dùng đá đè chết tại cầu Đá Dựng, thôn Châu Sơn, xã Quế An; đồng chí Nguyễn Mậu Cửu bị ám sát tại Chợ Đàng, Quế Sơn; đồng chí Nguyễn Phu bị ám sát tại Phú Cốc; các đồng chí Trần Thiêm, Đặng Ngọc Diện, Đặng Diêu (An Tây) bị bỏ bao tời ném xuống sông Trầu… đã gây ra không khí rùng rợn khắp xóm thôn.
Trước tình thế này, Đảng bộ xã Quế Thọ phải giải tán, tổ chức lại chi bộ nhỏ bí mật theo đơn vị thôn. Hoạt động được một thời gian thì ba tôi có lệnh tập kết ra Bắc. Riêng người đồng đội thân thiết là Trần Ngự được tổ chức phân công ở lại. Và trong cuộc chiến với quân thù người đồng đội của ba đã anh dũng hy sinh hết sức lẫm liệt.
(Còn nữa)