Bản lĩnh vững vàng, không ngại gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì đất nước là tấm gương sáng của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Dương Văn Lộc (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) để lại cho hậu thế.
Ông Dương Văn Thưởng - con trai liệt sĩ Dương Văn Lộc nhận bàn giao nhà tình nghĩa. Ảnh: Q.VIỆT |
Cho đến hôm nay, đồng đội của liệt sĩ Dương Văn Lộc vẫn giữ những ký ức sâu đậm về người đồng chí trên tàu không số. Liệt sĩ Dương Văn Lộc sinh năm 1915, tham gia cách mạng năm 1939. Xuất thân trong gia đình làm nghề khai thác hải sản, những cuộc hành trình trên biển sau này dường như là định mệnh của ông. Những năm 1939 - 1945, ông Dương Văn Lộc hoạt động trong Hội cứu tế đỏ và Đoàn thanh niên cứu quốc. Lúc Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông tham gia cướp chính quyền ở địa phương rồi tham gia trong các tổ chức đoàn thể ở Tam Quang bấy giờ. Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc, công tác ở Nông trường Sông Lô (Tuyên Quang). Năm 1962, ông Dương Văn Lộc tuyển chọn về Đoàn 759, làm thủy thủ tàu vận tải vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Năm 1964, ông được bổ nhiệm là Thuyền phó, mang quân hàm Thiếu úy.
Vì nước quên thân
Trong thời gian được biên chế trong đoàn tàu không số, ông Dương Văn Lộc làm thuyền phó trên 3 tàu mang số hiệu bí mật 54, 56 và 41, tham gia 10 chuyến vận chuyển vũ khí, hàng hóa vào Nam. Ấn tượng về ông trong những người đồng chí, đồng đội là tấm gương tận tâm, tận lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao cho. Tháng 10.1964, trên đường vận chuyển vũ khí từ Hải Phòng vào Cà Mau trên tàu 41, tàu bị mắc cạn ở quần đảo Hoàng Sa. Thuyền phó Dương Văn Lộc nhận định, nếu không kịp thời khắc phục, đến sáng nước rút mạnh, tàu bị hư hỏng nặng, cuộc hành trình sẽ thất bại. Vì thế, ông và đồng đội tìm mọi cách khơi thông hướng đi cho con tàu. Vậy nhưng, thực hiện đến khuya thì ai cũng lả đi vì ngấm lạnh nước biển cộng với sự mệt nhọc trong hành trình dài trước đó. Riêng Thuyền phó Dương Văn Lộc vẫn gắng thức trắng đêm, một mình vít lại chân vịt, chèo xuồng đưa neo phụ ra xa, cố định lại con tàu rồi dầm mình trong nước biển rét lạnh dùng xà beng đào san hô đang kẹp chặt hông tàu. Khi sự cố được khắc phục, thủy thủ trên tàu thức dậy thấy đôi tay và đôi chân ông Lộc rách tươm, nhòe nhoẹt máu. Cuộc hành trình tiếp tục trong ánh nhìn rạng ngời tin tưởng của đồng đội dành cho ông.
Một dấu ấn khác, cũng trên tàu 41 chở vũ khí từ miền Bắc vào Vũng Rô (Phú Yên). Sau hành trình dài lênh đênh trên biển, đến khuya 27.11.1966 tàu vào đến Bến Ngang (Đức Phổ, Quảng Ngãi) thì phát hiện tàu địch đã chắn tuyến hải trình. Lúc này tình thế bắt buộc phải tập kết vũ khí tại đây nhưng không liên lạc được với các đồng đội trên bến, con tàu phải chạy lòng vòng ngoài biển. Lúc này, ông Lộc đã không ngại hiểm nguy bơi vào bờ để bắt liên lạc và thông báo tình hình. Khi tàu vào điểm tập kết, đang chuyển hàng thì tiếp tục phát hiện có 2 tàu của địch đang từ xa áp tới. Nhận định sẽ xảy ra xung đột nên thủy thủ tàu quyết định tranh thủ lúc tàu địch còn xa, chuẩn bị mọi thứ để hủy tàu. Mọi thứ sắp đặt xong, tất cả thủy thủ an toàn lên bờ khi khối bộc phá hủy tàu đã điểm hỏa. Thế nhưng thời gian trôi qua khá lâu mà bộc phá vẫn chưa phát nổ, làm mọi người lo lắng, căng thẳng. Không chút do dự, Thuyền phó Dương Văn Lộc bơi ra tàu để kiểm tra hệ thống định giờ nổ cũng như điểm phát hỏa bằng dây cháy chậm. Không ngờ, khi đang kiểm tra thì bộc phá phát nổ, Thuyền phó Dương Văn Lộc hy sinh, mãi mãi nằm lại với biển.
Ghi nhớ công ơn
Theo ông Nguyễn Tin - Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang, thôn Sâm Linh Tây ngày nay là làng Sâm Riêng ngày trước - nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng của tỉnh. Mảnh đất này đã nuôi dưỡng nhiều tấm gương anh dũng, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn của dân tộc. Tấm gương của liệt sĩ Dương Văn Lộc được các thế hệ hôm nay noi theo. “Không phải ngẫu nhiên mà các thế hệ ngư dân xuất thân từ Tam Quang năng nổ sản xuất, dành dụm vốn liếng để đóng những con tàu lớn, vươn khơi bám giữ ngư trường truyền thống Hoàng Sa dù nhiều lần bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp phá, đâm thủng tàu. Họ đã học được ở cụ Lộc, tấm lòng luôn hướng về đất nước, biển đảo thiêng liêng nên gắng sức góp phần gìn giữ chủ quyền của Tổ quốc” - ông Nguyễn Tin nói. Hàng năm, vào dịp lễ tết, cán bộ và nhân dân địa phương đều đến ngôi nhà nơi liệt sĩ Dương Văn Lộc từng sinh ra, lớn lên và cũng là nơi thờ phụng liệt sĩ để viếng hương, bày tỏ lòng biết ơn, sự tưởng nhớ. Từ nhiều năm trước, ngôi nhà của gia đình liệt sĩ Dương Văn Lộc đã xuống cấp nhưng chưa có điều kiện để sửa chữa, xây mới, đó cũng là niềm trăn trở của chính quyền và nhân dân địa phương lâu nay. Chia sẻ với sự trăn trở đó, năm 2016 Cục Kỹ thuật Hải quân (Quân chủng Hải quân), với sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã hỗ trợ kinh phí để gia đình liệt sĩ Dương Văn Lộc cải thiện chỗ ở, cũng là để chỗ thờ phụng liệt sĩ được khang trang, ấm cúng hơn.
Và mới đây, Cục Kỹ thuật Hải quân đã phối hợp tổ chức lễ khánh thành, bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ Dương Văn Lộc. Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tá Nguyễn Minh - Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Kho K714 - đơn vị được Cục Kỹ thuật Hải quân giao trách nhiệm trực tiếp xây dựng ngôi nhà tình nghĩa chia sẻ, khoản đóng góp của cán bộ, chiến sĩ Kho K714 (75 triệu đồng - PV) tuy không lớn nhưng thể hiện tình cảm, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Đó là nghĩa cử, lòng biết ơn đối với những người đã không ngại khó khăn, gian khổ, cống hiến, hy sinh cuộc đời mình cho Tổ quốc. Ông Dương Văn Thưởng - con trai liệt sĩ Dương Văn Lộc rưng rưng xúc động khi nhận bàn giao nhà tình nghĩa. “Rất cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của lực lượng hải quân, chính quyền địa phương, bà con làng xóm. Tôi hứa sẽ nỗ lực, khắc phục những khó khăn trong cuộc sống, giáo dục con cháu nên người, luôn hướng về truyền thống, cội nguồn” - ông Dương Văn Thưởng nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT