Tròn 8 năm gắn bó với công việc của một kiểm lâm viên, gần như ngày nào anh cũng có mặt ở rừng. Anh nói mọi ngõ ngách, lối tắt trong rừng cây di sản pơmu Tây Giang này, dù không dùng đến thiết bị hỗ trợ, cũng đều dễ dàng nhận biết, như một “mặc định” của những người-con- của-thần-rừng.
Kiểm lâm viên Alăng Nhú.Ảnh: Đ.N |
Kiểm lâm viên Alăng Nhú ngồi nghỉ chân dưới gốc cây, sau hành trình dài vượt núi. Được một chặp chừng hơn 5 phút, anh lại tiếp tục đi sâu về phía cánh rừng già. Nhú dẫn đoàn các nhà khoa học đến quần thể cây pơmu, theo lời mời của địa phương, để xác định độ tuổi của loài cây di sản quý hiếm còn sót lại duy nhất ở miền Trung. Ai cũng thở hổn hển, riêng Nhú thì tỉnh bơ. Anh nhận thêm nhiệm vụ giúp đoàn cõng vật dụng, máy móc, rồi cười bảo: “Mình quen quá rồi!”…
1. Chúng tôi theo chân Alăng Nhú hướng thẳng vào cánh rừng pơmu kỳ bí. Con đường trải dài theo từng lớp mùn dày đặc, có lúc tưởng chừng mình đã lạc ở nơi nào đó, rậm rạp dưới tán cây rừng già. Từ lán trại được dựng tạm, Nhú cắt rừng, ngược lên ngọn núi cách đó chừng hơn 2 cây số để thăm những “người bạn” của mình: cụ pơmu voi, pơmu bố, pơmu mẹ… Rồi lại cắt rừng, băng qua những thác nước trong vắt, trước khi xuôi theo lối rìa để trở về lán trại. Dọc đường đi, Nhú tranh thủ kiếm thêm vài bó củi khô, hái thêm vài bó rau rừng, phục vụ bữa ăn cho cả đoàn. Đó là lần thứ 2 tôi gặp Nhú, chàng kiểm lâm viên người Cơ Tu ở thôn K’noonh 1 (xã A Xan, huyện Tây Giang), khi cùng đoàn các nhà nghiên cứu của Viện Sinh học miền Nam đến tìm đo tuổi cho cây pơmu quý hiếm. Lần đầu, khoảng đâu gần 5 năm trước, tôi đi với đoàn thám hiểm cùng chính quyền địa phương đến “vương quốc pơmu” này. Nhưng lần nào gặp, Nhú vẫn luôn là tâm điểm, gây được sự chú ý, bởi vẻ mặt hiền lành, sự nhiệt tình suốt chặng đường đồng hành đến với quần thể cây ở núi Zi’liêng. Anh cũng trở thành “cộng sự”, hỗ trợ rất nhiều cho các chuyên gia nghiên cứu về thực vật, sinh vật học mỗi khi đặt chân đến.
Alăng Nhú (bên trái) trong một chuyến dẫn đoàn nghiên cứu sinh vật học tại đỉnh núi Zi’liêng. Ảnh: Đ.N |
Công việc của Nhú, quanh năm suốt tháng chỉ ở trong rừng. Đã 8 năm tròn, kể từ khi tốt nghiệp chuyên ngành lâm nghiệp tại Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam, trở về công tác ở Hạt Kiểm lâm Bắc Sông Bung, Nhú vẫn miệt mài với nhiệm vụ, với rừng cây di sản. Nhú nói, anh không thể nhớ hết số lần đưa - đón đoàn đi nghiên cứu, khám phá tại quần thể rừng nguyên sinh pơmu. Bởi mỗi tuần, ít nhất cũng phải một lần Nhú đến thăm những “người bạn” pơmu của mình, đều đặn, bằng tình yêu của người con của núi với cánh rừng già nguyên sơ bậc nhất trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Bây giờ, khi nhiệm vụ bảo vệ pơmu nhận được sự chung tay từ phía cộng đồng làng ở các địa phương, Nhú được phân công túc trực tại Trạm chốt chặn gần bìa rừng, phối hợp với các lực lượng bảo vệ nghiêm ngặt tại khu vực. Mỗi tháng, Nhú được phép về thăm nhà một lần. Mọi công việc gia đình, vì thế, đều nhờ vào một tay của người vợ, cùng sự hỗ trợ của bà con làng xóm. “Vợ cũng hiểu được công việc của mình nên luôn có sự thông cảm và sẻ chia. Nếu không có hậu phương vững vàng này, mình có muốn gắn bó với nghề lâu dài cũng khó lắm” - Nhú cười hiền, rồi “khoe” với tôi, rằng suốt 4 năm liên tục, từ 2014 đến 2017, anh nhận được giấy khen của huyện về thành tích bảo vệ rừng cây di sản. Đây là động lực để anh tiếp tục cống hiến sức trẻ của mình cho công việc “làm bạn” với cánh rừng, với quần thể pơmu trên đỉnh núi thiêng của đồng bào Cơ Tu.
2.Cách đây vài năm, con đường dẫn vào cánh rừng Zi’liêng (địa phận giáp ranh giữa hai xã A Xan và Tr’hy, huyện Tây Giang) chưa được mở rộng như bây giờ. Vậy nên, để vào được quần thể pơmu, không còn con đường nào khác, ngoài đi bộ xuyên núi men theo cánh rừng già rậm rịt. Vậy mà, hễ có đoàn nào đến, Nhú vẫn nhiệt tình làm người dẫn đường đưa vào rừng. Và hành trang với anh, lúc nào cũng có chiếc rựa, đèn pin. Chuyện vượt hàng chục cây số đường rừng hiểm trở để làm nhiệm vụ của những người “gác cổng” rừng thiêng, với Nhú đã là chuyện “cơm bữa”.
Nhú kể, hồi quần thể pơmu mới được phát hiện, anh cùng nhóm cán bộ kiểm lâm địa bàn đã có khoảng hơn 3 tháng ròng phải ở trong rừng sâu để kiểm đếm, khoanh vùng và đánh dấu từng khu vực có cây pơmu sinh trưởng. Nhớ lại những tháng ngày đó, Nhú nói, vẫn còn cảm giác “ơn ớn”, như lần đầu tiên anh theo cha vào cánh rẫy để gieo hạt ngày thơ. Nhưng bù lại, sự thú vị, ấn tượng từ cảnh quan thiên nhiên của rừng cây di sản đã giúp Nhú và đồng nghiệp vượt qua nỗi sợ hãi, cô độc. Họ lặng lẽ theo bước chân nhau, hướng vào rừng thiêng, nước độc chỉ để… tìm cây pơmu mỗi ngày. Chính ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, khi kể về cây pơmu, cũng đều tự hào về “những người con của thần rừng” như Alăng Nhú, Hôih Mia và cùng nhóm người khác của làng, ngày đêm miệt mài bảo vệ cho rừng cây di sản của địa phương. Nhiều năm gắn bó với rừng, giúp Nhú có thể biết rõ, kể vanh vách từng ngóc ngách, từng con dốc, dòng suối trong quần thể núi Zi’liêng này.
Ở độ cao hơn 1.350m, đỉnh núi Zi’liêng quanh năm mây phủ bởi hệ tầng sinh thái đa dạng, nơi được ví “không nhìn thấy mặt trời”. Vì thế, đã không ít lần Nhú phải dầm mưa cắt rừng để tìm phương hướng trở về lán trại, trong mỗi chuyến tuần tra, kiểm đếm cây rừng. Nhú kể, vào năm 2015, do quá mải mê kiểm đếm những cây pơmu vừa mới phát hiện thêm, anh và nhóm bảo vệ rừng ở địa phương đã vô tình lạc chân vào một dãy núi rậm. Ở trong rừng, chiều xuống rất nhanh. May mắn, nhờ có máy định vị GPS nên nhóm của Nhú đã tìm được đường về. Cũng nhờ lần lạc đường đó, anh phát hiện ra con đường mới xuyên núi, dày đặc những cây pơmu sinh trưởng tự nhiên, góp thêm vào danh sách của rừng cây di sản giữa cánh rừng già Trường Sơn.
...Chiều tháng 9, nắng tràn xuống cánh rừng, lấp lóa theo những hàng cây cổ thụ. Nhóm người trở về lán trại sau hơn 2 ngày tuần tra trong rừng. Màn đêm tối mịt. Dưới ánh điện hiu hắt, Nhú tranh thủ chuẩn bị tư trang cho chuyến đi ngày mai, cùng lực lượng đến với rừng cây đỗ quyên trên đỉnh núi K’lang, giáp biên giới Lào. Chuyến đi có thể kéo dài cả tuần lễ, Nhú nói, đây lần thứ 2 anh làm nhiệm vụ của người dẫn đường thám hiểm đến rừng đỗ quyên. Đi và đi, ở mỗi cánh rừng nào đó đặt chân, Nhú cũng đều “kết bạn” với cây, với núi. Một hành trình mới, lại bắt đầu…
ĐĂNG NGUYÊN