Ngô Tuận đang ngồi trong nhà người bà con Ngô Thư thì thầm bàn chuyện thì Ngô Hướng bước tới cửa. Hướng là người trong họ, nhưng hắn đã làm tay sai cho giặc nên Ngô Tuận vội lách đứng sau cửa hông. Hướng lên tiếng: “Anh Thư, ai mới ngồi với anh trong nhà đấy?”.
Hướng chưa kịp định hình đã tối sầm mặt mũi, hét toáng: “Sao anh đánh tui?”. Ngô Thư đã tiến đến đứng sát Hướng, bình tĩnh: “Tau giỡn với chú chứ đánh chi chú”. Trong chớp mắt, Ngô Tuận đã biến mất sau miếng võ “Bàn tay xòe năm ngón” đánh chập vào mặt đối phương.
Ngô Tuận quê ở Phương Trì, Phú Hương (nay là xã Quế Phú, Quế Sơn), tham gia cách mạng từ những năm 1937 - 1938, vào Đảng Cộng sản năm 1939. Ông là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng bộ Quế Phú. Năm 1942, ông là một trong 8 chiến sĩ cộng sản phá ngục thoát tù tại nhà lao Phú Bài (Huế) chạy về Quảng Nam tiếp tục hoạt động. Trong chống Pháp, ông được Trung ương đưa sang học ở Trung Quốc. Về lại Liên khu 5, Ngô Tuận phụ trách trường Đảng, sau đó được điều về Quảng Nam làm Trưởng ban Kinh tế. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông giữ chức Bí thư Huyện ủy Quế Sơn, nằm vùng tại quê nhà. Việc phát động quần chúng để giữ lửa cách mạng là sứ mệnh, gắn bó sanh tử lâu dài với ông. Vì vậy chỉ sau một năm nằm vùng, tại thời điểm giữa năm 1956, mạng lưới cơ sở của ông trong làng Phương Trì và cả mấy xã vùng đông Quế Sơn nhiều vô kể. Ông Tuận đến đâu thì đố ai biết được. Lúc ông ở nhà Phạm Hoặc, Nguyễn Thanh Hóa dưới Trà Đình, Đồng Tràm; khi ghé liên hệ bà con cơ sở tại nhà bà Tuần phía Hương An hay tá túc nhà ông Khôi, bà Chỉ ở Mông Nghệ; có thời gian ông ra tuốt Phú Diên, Phú Thạnh hoạt động.
Sự đánh phá, truy bức, đàn áp của kẻ thù đối với nhân dân và những người cán bộ nằm vùng ngày càng khốc liệt. Đồng đội, đồng chí của Ngô Tuận tại Quế Sơn và cả Quảng Nam lần lượt rơi vào tay giặc. Tại vùng đông Quế Sơn, bọn địch truy tróc cố bắt cho được Ngô Tuận. Chúng còn treo giải thưởng lớn cho những kẻ bắt hoặc giết được ông. Bí thư Huyện ủy Quế Sơn - Ngô Tuận đối mặt với hiểm nguy từng giờ từng ngày.
Trong những ngày đầu tháng 9 âm lịch năm 1958, vì phải dầm mưa nhiều ngày trên đường công tác, ông Tuận bị cảm lạnh. Từ Phú Hương, ông lên nhà Nguyễn Tam ở làng An Xuân - Phú Thọ, gần căn cứ Hòn Mồ, nằm lại. Không ngờ Tam phản. Hắn đi báo với địch đến bắt ông để lãnh thưởng. Bọn địch từ quận lỵ Quế Sơn, từ Chi khu II Hương An, bọn dân vệ Phú Thọ, Phú Cường, Sơn Thượng... kéo tới bao vây nhà Nguyễn Tam. Quận trưởng Quế Sơn trực tiếp xuống chỉ huy, quyết bắt sống cho được Bí thư Huyện ủy Ngô Tuận. Bọn chúng siết chặt vòng vây, dùng loa kêu gọi: “Ngô Tuận hãy đầu hàng, quay về với chính nghĩa quốc gia sẽ được khoan hồng...”.
Ngô Tuận đạp vách. Bằng miếng võ hiểm hóc quật ngã 2 tên lính bọc hậu, ông băng qua đám mía sau nhà, men bờ bụi chạy thoát. Với linh cảm của một người từng trải quá nhiều tình huống lâm nguy, Ngô Tuận không chạy về phía núi. Ông thừa biết chúng cho quân “hàn” chặt phía đó. Lợi dụng địa hình phức tạp, luồn lách các bờ gò, các đám mía liên tiếp nhau, ông chạy về phía Phú Hiệp, sau đó tạt ngược trở lại phía Hòn Mồ. Tuy bị cảm, nhưng Ngô Tuận là người luyện võ và đang trong độ tuổi 30 sức khỏe dẻo dai. Ông hết đáo bên này, lộn phía kia, lợi dụng vật cản tránh sự truy sát của địch. Chạy một đoạn ông lại thay một cái áo. Không biết ông chuẩn bị tự bao giờ mà trong người bận đến mấy chiếc áo để hóa trang như thế, khiến bọn địch lẫn lộn mất phương hướng truy đuổi. Mặt trời sắp gác núi, đã cắt được đuôi bám theo của giặc, ông lần đến chân Hòn Mồ. Bươn xé bụi rậm, gai góc cả mấy chục cây số, người rách bươm, mệt rã rời. Không thể chạy tiếp, ông chui vào một kẹt đá tại Hố Tre ẩn mình, nghỉ lấy lại sức.
Sau nửa tiếng chìm trong cơn mê mệt, nghe sột soạt Ngô Tuận giật mình, tụi lính đã vây kín hang. Té ra khi ông chui vào đây, có một người leo lên bụi tre giựt lá về làm bổi, hắn ta nhìn thấy chạy đi báo với bọn lính. Cùng một lúc chúng xông vào năm tên, đè ông bắt trói. Lập tức chúng đưa Ngô Tuận lên quận lỵ. Vừa đến Chi khu Cảnh sát, ông liền bị đưa biệt giam xà lim.
Biết chồng đã bị chính quyền quốc gia bắt, nhưng bà Luyến không dám hỏi tin tức, không dám lên thăm. Năm ngày sau, địch thông báo cho phép gia đình đến thăm. Bà Luyến mừng quýnh dẫn 3 con lên quận lỵ Quế Sơn thăm cha. Hai người cảnh sát dẫn bà Luyến và các con vào phòng làm việc của Chi cục trưởng. Tại đây, ông Tuận bị xiềng cả tay chân cùng ngồi chờ với quận trưởng. Mẹ con bà Luyến vừa vào phòng, ông Tuận rời ghế, ngồi bệt xuống sàn nhà ôm chầm 3 đứa con. Ông Tuận đưa tay xoa đầu thằng Khoa - con út. Thằng Khoa chưa biết ông Tuận là ba mình. Khi thằng Khoa mới sinh, ông Tuận đã đi hoạt động, thỉnh thoảng mới lén về nhà thăm vợ con vào lúc nửa đêm.
Thằng Khoa lết tới lần sờ dây xích chân tay ông Tuận hỏi: “Ông nè, tại sao ông bị trói thế này?”. Bà Luyến mắng con: “Con không được gọi là “ông” nghe. Ba của con đấy!”. Ông Tuận quay qua bà Luyến: “Em về ráng nuôi con khôn lớn. Anh gửi lời nhắn chú Tư, cô Út cố mà giúp đỡ em nuôi con ăn học. Anh đã quyết chí hy sinh cho Tổ quốc. Em đừng lo ngại gì cả. Em đừng đem cho anh thứ chi cả, để dành mà nuôi con”.
Tên quận trưởng từ nãy giờ ngồi thăm dò, không nói chi cả. Ông ta cảm nhận đòn tâm lý dùng tình cảm gia đình để lung lay ý chí Ngô Tuận không có kết quả. Không thể chiêu hàng được Ngô Tuận, địch bắt đầu tấn công bằng những đòn tra tấn hiểm ác. Mỗi ngày qua là ông Tuận phải chịu một lần đánh đập đến ngất xỉu. Một buổi sáng nọ trời rét căm căm, bọn chúng đưa ông ra giữa sân, bắt đứng vào một cái thùng tô-nô đổ đầy nước, cắm quạt máy tăng thêm độ lạnh, tập trung hết tù nhân đứng chung quanh. Hai tên cảnh sát phòng nhì dùng dùi cui gõ vào thùng phuy. Vừa lạnh, vừa tức ngực đến ói máu, nhưng Ngô Tuận vẫn thản nhiên nở nụ cười kiên trung. Không hạ gục được ý chí của Bí thư Ngô Tuận trước những người đồng chí của mình mà nụ cười bất khuất ấy càng nung nấu thêm ý chiến chiến đấu của đồng đội.
Cuối cùng, ngày 22.12.1958 (nhằm ngày mùng 10 tháng 11 âm lịch), địch quyết định xử tử Ngô Tuận. Chúng sai 2 tên ác ôn trói tay chân Ngô Tuận, sau khi bẻ nát các xương sườn, chúng dùng cọc sắt nhọn xuyên từ hậu môn lên tới tim. Ngô Tuận - Bí thư Huyện ủy Quế Sơn, một chiến sĩ cách mạng tài ba, kiên cường đã anh dũng hy sinh tại nhà lao quận lỵ Quế Sơn.
PHẠM THÔNG