Thanh Bình từ đường là nhà thờ tổ ngành hát bội lớn nhất nước, được xây dựng ở Huế dưới thời vua Minh Mạng. Đến nay ngôi từ đường vẫn ấm cúng, nhờ công đức của một vị thủ từ đã gần 90 tuổi. Đó là cụ Trần Ngọc Lợi.
Cụ Trần Ngọc Lợi đơm hoa dâng cúng Thanh Bình từ đường. Ảnh: MAI ĐÌNH TOÀN |
Lặng lẽ nhang đèn
Thanh Bình từ đường nằm trên khuôn viên đất của Thanh Bình thự, tọa lạc ở kiệt 281, đường Chi Lăng, tổ 8, phường Phú Hiệp, TP.Huế. Trải qua gần 200 năm với bao biến cố lịch sử, thiên tai khắc nghiệt và cả sự xâm hại của con người, Thanh Bình từ đường vẫn được gìn giữ, bảo tồn khá nguyên vẹn. Đây được xem là mái nhà chung của các nghệ sĩ, diễn viên ngành tuồng. Nhiều thế hệ nghệ sĩ tuồng ở miền nam vẫn thường xuyên trở về đây dâng hương và biểu diễn, phụng cúng tổ nghiệp những vở tuồng bất hủ trước sự mến mộ của hàng trăm khán giả cố đô Huế. NSƯT Ngọc Khanh (TP.Hồ Chí Minh) tâm sự, ai cũng háo hức trở về một là để hiếu kính Tổ nghiệp, hai là để Tổ nghiệp tiếp thêm lửa nghề. Cũng nơi đây, NSƯT Ngọc Khanh không cầm được nước mắt khi biết rằng ngôi từ đường có được sự an bình là nhờ vào công lớn của vị thủ từ Trần Ngọc Lợi, nhà ở sát bên Thanh Bình từ đường.
Thanh Bình từ đường. |
Theo lời cụ Lợi thì cụ chăm nom Thanh Bình từ đường từ thời trai trẻ mới lập gia đình, đến nay cũng đã hơn 50 năm. Cụ Lợi có những 10 người con, vợ chồng lao động phổ thông nên cuộc sống khá chật vật. Thế nhưng mỗi khi có ai cúng kiếng cho từ đường hay cá nhân cụ đồng nào, cụ Lợi đều bỏ vào một chiếc hộp đặt trong từ đường để sắm hương đèn trầm trà, hoa quả cho ngày lễ, ngày tết. Mỗi khi có đoàn khách, hay con cháu ngành tuồng thăm viếng, Thanh Bình từ đường lại sáng đèn. Khách đi, cụ Lợi lại lặng lẽ nhang đèn. Nhắc đến cụ Lợi, NSND Trương Tuấn Hải, nguyên Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, người có nhiều năm gắn bó với việc gìn giữ, trùng tu Thanh Bình từ đường, không giấu xúc động. Ông kể hằng năm nhân ngày sân khấu Việt Nam 18.2 âm lịch, anh chị em Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế đều đến dâng hương hoa phụng cúng, làm lễ tấu một số bài bản về âm nhạc truyền thống cung đình Huế, nhã nhạc triều Nguyễn ở từ đường. Biết công đức và hoàn cảnh cụ Lợi, ông Hải đề xuất lên cấp trên tạo “cơ chế” để hỗ trợ tài chính cho cụ Lợi, sau đó cụ được một phụ cấp nhỏ. “Hàng chục năm trông coi Thanh Bình từ đường mà không hề tư lợi, hay đòi hỏi điều gì. Mình cũng đang lo và mong rằng cần có sự chuẩn bị người “kế nghiệp” công việc của cụ bởi tuổi cụ cũng đã cao, mà phải người có tâm và đức độ như cụ Lợi mới được” - ông Hải nói.
Sống cùng di tích
Thanh Bình từ đường có nét kiến trúc tương tự nhiều ngôi đình cổ miền Trung. Ngôi nhà được lợp ngói liệt, kết cấu chính bằng gỗ, một gian hai chái, các bộ cửa gỗ được sơn son thếp vàng… Một trong hai tấm bia đá cổ dựng trước sân của Thanh Bình từ đường, còn ghi rõ di tích này từng được trùng tu vào ngày 9 tháng 3 năm Quý Mùi (19.4.1823), tức dưới thời vua Minh Mạng những năm đầu trị vì đất nước. Nhà nghiên cứu Phan Thuận Thảo nhận định nghệ thuật tuồng đã được phát triển thành một thứ “quốc kịch” của Đàng Trong từ thời các chúa Nguyễn. Vào thế kỷ 19, nghệ thuật tuồng đã đạt đỉnh vàng son trong lịch sử phát triển của mình với sự hình thành phong cách tuồng cung đình. Cũng chính vì thế, ngôi từ đường dành cho các vị tổ ngành tuồng lớn nhất cả nước đã được xây dựng tại Huế. Di tích này được Nhà nước công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1992 và hiện giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế quản lý, bảo tồn.
Các nghệ sĩ tuồng thăm hỏi, chuyện trò với cụ Trần Ngọc Lợi. Ảnh: MAI ĐÌNH TOÀN |
Hơn nửa đời người trông coi, chăm sóc từ đường, cụ Lợi không chỉ thuộc lòng, rõ từng vật thờ cúng, từng bài vị, từng pho tượng trong từ đường mà còn hiểu sự thiêng liêng ở đây như thế nào. Cụ Lợi kể một số người có ý xúc phạm, xâm hại từ đường thì không bao lâu gặp tai ương phải mang hương hoa, lễ vật đến cúng bái tạ tội. Nhiều nghệ sĩ chuẩn bị đi lưu diễn nơi xa, trước khi xuất hành ghé đến từ đường thắp hương nguyện cầu cho chuyến đi suôn sẻ. Lại có người vì lý do tế nhị nào đó mà khi mang lễ vật đến cúng chỉ đứng bên ngoài nhờ cụ Lợi dâng lên tiên tổ để khấn vái giúp… Đây là lý do mà người viết bài này cũng phải trải qua một nghi lễ mang tính “thủ tục” do cụ Lợi đặt ra là phải được cụ làm lễ tẩy uế, khấn nguyện, quỳ lạy, “xin keo” trước linh vị tổ sư ngành tuồng và “ngài Một”. Keo thuận, mới được tác nghiệp trong từ đường, nếu xin ba lần mà vẫn không thuận nghĩa là các ngài không tán thành, cụ Lợi nhất quyết mời ra khỏi từ đường xem như chưa có duyên.
Theo cụ Lợi, ngài Một là vị thần cai quản từ đường và hễ ai vào từ đường đều phải trình tấu, khấn vái làm gì, có ước nguyện gì… Cụ Lợi cũng như nhà nghiên cứu Phan Thuận Thảo cho biết, Thanh Bình từ đường đã và đang thờ từ Phật, thánh, đến thần, tiên như: Chư Phật Bồ Tát, Thái Thượng lão quân, Quan Thánh đế quân, thiên Tiên địa Tiên, Thánh Nương ngọc mẫu, Thổ địa, Chúa Sơn lâm và cả thần bếp là Đông Trù Táo phủ… Thư tịch cổ từ thời vua Thành Thái (1891) còn lưu lại ở Thanh Bình từ đường mô tả việc thờ cúng nơi đây cho thấy, ngoài 3 bài vị tổ sư đặt ở gian trung nhất, còn có thêm 47 bài vị khác dành cho các thánh thần. Tổng số bài vị được thờ trước đây lên đến con số 50. Trong số đó, có cả 12 vị tổ nghề của các ngành nghề phổ thông như thợ rèn, thợ may, thợ nề, thợ mộc, thợ kim hoàn… Đáng chú ý ở gian giữa, vị trí trang trọng nhất là án thờ dành cho các bậc tổ nghề, trong đó có bài vị của một nhân vật được xem là vị tổ sư của ngành tuồng - ngài Càn Cương Hầu. Đây là nhân vật có tính chất truyền thuyết chưa được làm rõ. Có tư liệu cho rằng Càn Cương Hầu là người Trung Hoa, được triều đình vua Minh Mạng mời sang dạy hát cho người Việt Nam để ngành hát bội được phát triển. Nguồn tư liệu khác thì cho rằng Càn Cương Hầu là người Việt, học được cách hát Khách của người Tàu rồi truyền dạy lại cho người Việt. Ông đi sứ rồi mất ở Trung Quốc, không có thi thể nên hậu thế làm lễ chiêu hồn nhập xác và táng một tờ sắc phong cùng một khúc gỗ kỳ nam lập thành mộ chôn ở núi Ngự Bình; tôn ngài là tổ sư của ngành tuồng. Cũng ở chánh điện, còn có hương án thờ 27 vị thầy của ngành tuồng, trong đó có 22 nam, 5 nữ. Nếu là nam thì trước tượng có thờ một hạt lúa, nữ thì có một hình con bướm rất nhỏ. Đây là những hình tượng xưa kia các nghệ sĩ mang theo đề thờ cúng khi đi diễn, về sau thì họ nhập tự để thờ. “Mỗi năm các ngài được thay áo một lần, nhưng gần đây tôi không thể làm vì mắt kém. Hơn nữa, nếu làm không khéo các bộ phận trên cơ thể tượng dễ rụng lắm. Tui cũng chỉ mong các ngài phù hộ có được sức khỏe tốt còn các gánh hát tuồng trên đất nước vẫn còn có đất diễn, có người xem” - cụ Lợi nhắn gửi.
MAI ĐÌNH TOÀN