Trong một lần đi thực tế tại hồ Thủy điện Khe Diên (Nông Sơn), chúng tôi gặp một lão ngư nói giọng Bắc. Hỏi ra, mới biết ông lão tuổi đã lục tuần có cái tên rất nghệ sĩ: Mai Song Hào.
Ông Mai Song Hào (người mặc áo lót trắng) lái thuyền đưa lực lượng kiểm lâm đi tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: N.Đ.N |
Một thời “vang bóng”
Ông Mai Song Hào, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Cù Vân, Đại Từ (Thái Nguyên). Tháng 5.1978, ông lên đường nhập ngũ, sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, được tổ chức điều về Đại đội Đặc công thuộc Tiểu đoàn 106, Quân khu I. Với cấp bậc Thiếu úy, Đại đội phó Đại đội 01, ông Hào đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngày 17.2.1979, khi quân Trung Quốc xâm lược nước ta, ông đã chiến đấu với kẻ thù tại đồi 690, thuộc khu vực hang Pác Bó (Cao Bằng). Sau khi đẩy lùi kẻ thù về bên kia biên giới, ông trở về đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện và sản xuất. Tháng 5.1982, ông xuất ngũ về quê lập gia đình với người con gái được mọi người đánh giá đẹp nhất làng. Do kinh tế gia đình khó khăn, năm 1990, ông khoác ba lô nhảy tàu vào miền Trung làm phu vàng cho một “đại ca” ở mỏ vàng Phước Sơn. Sau nhiều năm ở mỏ vàng Phước Sơn, khi nhận được tin người vợ ở quê nhà đã “thay lòng, đổi dạ”, ông về quê dàn xếp chuyện gia đình rồi trở vào mỏ vàng Phước Sơn, trở thành một “đàn anh” khiến nhiều người phải khiếp sợ.
Ông tự nhủ “khi nào làm ăn khấm khá mới trở về quê”; tuy nhiên nghề làm vàng như một canh bạc, nguy hiểm luôn rình rập và tệ nạn xã hội bủa vây. Năm 2001, ông quyết định rời bỏ bãi vàng vào định cư tại thôn 4, xã Quế Lộc (Quế Sơn) nay là thôn Phước Bình Tây, xã Sơn Viên (Nông Sơn) để làm công cho các chủ rừng. Năm 2003, ông chuyển sang nghề câu cá chình tại khu vực sông Tranh, thuộc địa phận huyện Bắc Trà My. Từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng ngày hôm sau, nhiều đêm ông câu được hơn 40kg cá chình, bán với giá 230 nghìn đồng/kg, vị chi mỗi đêm thu nhập được hơn 9 triệu đồng. Thu nhập cao nhưng không có người quản lý, không ai chăm lo miếng ăn, giấc ngủ, số tiền có được rồi cũng lần lượt ra đi qua những lần tiêu xài phung phí.
Làm lại cuộc đời
Năm 2006, với hai bàn tay trắng, ông Hào dựng lều, làm trại tại thôn Xuân Hòa 1, xã Phước Ninh (Nông Sơn) thuộc khu vực lòng hồ Thủy điện Khe Diên để ở và làm nghề đánh bắt cá. Tuy nhiên, hồ mới tích nước, nguồn lợi thủy sản chưa nhiều, ông đứng ra vận động 5 hộ trong thôn góp 500 nghìn đồng/hộ mua cá giống thả xuống hồ để nuôi. Sau hơn 2 năm, nguồn lợi thủy sản trong hồ tăng lên đáng kể giúp bà con có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Trong thời gian ông Hào sinh sống và hành nghề tại đây, chị Nguyễn Thị Ba ở thôn Xuân Hòa 1 đem lòng thương yêu và gá nghĩa vợ chồng với ông. Từ khi có bạn đời, ông Hào được chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, có người chia sẻ những lúc vui buồn và giúp đỡ lẫn nhau khi ốm đau. Hàng ngày ông Hào đi đánh bắt cá, chị Ba vào rừng chặt chuối cây, hái rau về chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Hai vợ chồng nuôi 50 - 70 con heo rừng trong chuồng và hàng trăm con gà, thu nhập bình quân 8 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, hai vợ chồng đã làm được ngôi nhà gỗ, mái lợp tôn có chỗ để ở, không còn cảnh mưa tạt, gió lùa. Căn nhà của ông tuy không lớn nhưng là điểm dừng chân và là nơi hội họp bàn phương án truy quét các đối tượng khai thác gỗ trái phép của cán bộ, nhân viên kiểm lâm. Vốn là người lính đặc công, quen với sông nước, ông Hào được Kiểm lâm huyện tin tưởng giao nhiệm vụ lái thuyền đưa các đoàn đi tuần tra bảo vệ rừng. Ngoài ra, ông còn là “tai mắt”, là cánh tay nối dài của lực lượng công an, góp phần bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trung úy Nguyễn Văn Ny Kha - Công an huyện Nông Sơn, đứng điểm địa bàn xã Phước Ninh cho biết, ông Hào là người làm ăn lương thiện, chuyên đánh bắt cá tại khu vực lòng hồ được ngành chức năng cho phép. Không chỉ thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân, ông còn tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ rừng đặc dụng cũng như rừng phòng hộ đạt hiệu quả.
Đã bước sang tuổi 60, sức khỏe tuy giảm sút nhưng vốn là người lính đặc công, được tôi luyện trong môi trường quân ngũ, từng sống mái với kẻ thù, vì thế ông vẫn tích cực tham gia bảo vệ rừng. Khi cần đi kiểm tra rừng, truy quét lâm tặc, lực lượng chức năng được ông chèo thuyền chở tới nơi cần tới, kịp thời triệt phá các ổ nhóm lén lút khai thác gỗ trái phép. Ông được anh em kiểm lâm gọi bằng cái tên trìu mến: Người canh giữ hồ Khe Diên.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC