(VHQN) - Nhiều người cho rằng người Chăm mang tâm lý sợ biển. Thực ra không phải vậy. Từ hơn 500 năm trước, ít nhất là trước năm 1471 - khi vua Lê Thánh Tông nam chinh tấn công thành Đồ Bàn, đặt ra Đạo Thừa tuyên Quảng Nam, thì lịch sử dân tộc Chăm từng có một thời hoàng kim về hàng hải mà vị vua kiệt xuất Chế Bồng Nga từ những năm 1360, chỉ huy đội thủy binh hùng mạnh ra tấn công Đại Việt kéo dài suốt 30 năm.
Sau này, năm 1834, khi cộng đồng người Chăm nổi dậy ly khai ở Panduranga bởi Katip Thak Wa, vua Minh Mạng dẹp xong cuộc khởi nghĩa và ra lệnh cấm họ làm nghề biển. Từ đó, người Chăm rời xa biển và bị đứt gãy truyền thống viễn dương.
Văn hóa biển, với người Chăm, có lẽ do không còn hiện hữu nên họ đành hoài niệm về ký ức thời xa xưa, như qua lời kể của nhà thơ Chăm Inrasara: Nếu người Kinh/Việt mỗi khi có chuyện đau buồn thường kêu “trời đất ơi”, thì người Chăm lại than ngược là “trời biển ơi” (lingik tathik lơy)…
Cổ sử Chăm cho biết, đầu thế kỷ thứ 5, vua Champa là Gangaraja, sau khi tại vị vài ba năm đã nhường ngôi cho cháu mình, rồi sang tu tập Ấn Độ giáo. Đây là vị vua duy nhất ở Đông Nam Á đã vượt sóng Biển Đông sang sông Hằng. Có thể tập tục thủy táng của người Chăm cũng bắt nguồn từ nền văn minh Ấn - Hằng?
Suốt 17 thế kỷ, người Chăm đã từng làm chủ đại dương. Khi còn mang tên Lâm Ấp, trước năm 749, người Chăm đã có giao lưu với người Nhật Bản. Sau những chuyến hải trình đầy gian khổ, người Chăm đã mở ra một chân trời bao la khi tiếp xúc nhiều nền văn hóa khác nhau để sáng tạo nên những đền đài kỳ vĩ với nhiều phong cách độc đáo.
Ngoài vương hậu Huyền Trân, vị vua đa tình Chế Mân còn đi ra biển qua Malaysia lấy công chúa Tapasi làm vợ hay chuyện vua Po Rome qua vương quốc Kelantan rồi để lại hậu duệ bên ấy, là sự kiện ghi dấu việc người Chăm xưa đã biết đóng thuyền vượt qua biển lớn.
Truyện thơ Ariya Sah Pakei kể về cuộc tình của chàng trai Chăm sống với biển để tìm bước chân của tình nhân. Cuối cùng, chàng chết để lại một huyền sử văn hóa biển: “Voi xuống bãi biển/ Sóng biển vỗ ngập chìm Sah Pakei/ Voi xuống bãi biển/ Sóng biển vỗ cuộn chìm Sah Pakei…”.Trong lịch sử Champa, từ thế kỷ 10 đến 13, thương cảng cổ Trung Phường hay Cù Lao Chàm (Amaravati, Quảng Nam) và Panduranga (Phan Rang) có vai trò cực kỳ quan trọng trong giao thương đường biển ở trung tâm hải trình từ eo biển Malacca đến Kra Isthmus (Thái Lan), Canton (Quảng Châu, Trung Quốc) là nơi thương thuyền nghỉ ngơi, tích trữ lương thực, nước ngọt và trao đổi hàng hóa.
Cư dân Chăm cổ thường xuyên có mặt ngoài khơi xa, mà các ghi chép trên bi ký Chăm ở Bồ Mưng, Bằng An (Điện Bàn), Chiên Đàn (Tam Kỳ) đã cung cấp sử liệu về một tinh thần cởi mở và tích cực tham gia việc trao đổi, mua bán với thương nhân nước ngoài ở vương quốc Champa.
Kể cả khảo cổ học đã tìm thấy những dấu vết ghi nhận chủ quyền của người Chăm trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và chứng tích cũng ghi nhận họ từng sinh sống lâu đời ở đảo Lý Sơn - Cù Lao Ré (Quảng Ngãi)…
Truyền thuyết, thần thoại Chăm còn lưu giữ ký ức về biển qua hình tượng chiếc thuyền của người Chăm thực hiện sứ mệnh lướt sóng vượt đại dương đến Mã Lai. Đó là những dấu vết về mối quan hệ giữa người Chăm với các quốc đảo ở khu vực Đông Nam Á bằng đường biển.
Tín ngưỡng đa thần là nét đặc trưng của người Chăm, xuất phát từ tín ngưỡng dân gian bản địa và tiếp thu văn hóa Ấn Độ. Văn hóa biển của họ vẫn còn thể hiện khá đậm nét trong các nghi lễ cúng tế vị thần sóng biển ngự trị và trông coi đại dương mà người Chăm gọi là Po Riyak.
Niềm tin về vị thần biển luôn sâu sắc không kém các vị thần khác có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ như vị nữ thần Poh Yang Inư Nagar mà sau này được Việt hóa thành bà Giàng, bà Bô Bô, là vị thần bảo trợ của cư dân nông nghiệp lúa nước.
Cư dân Chăm có nhiều nghi thức cúng tế ở cửa sông, cửa biển, nguồn nước và họ cũng có đức tin về sự linh hiển của các vị thần để cầu mong được chở che, phù hộ cho sự bình yên trong cuộc sống mưu sinh trên sông biển, mà tục thờ thần sóng biển của người Chăm chính là nguồn gốc tục thờ cá Ông, dân gian thường gọi là Ông Nam Hải của cư dân Việt ở ven biển miền Trung.