Người chăn nuôi chuyển nghề

TƯ RUỘNG 11/07/2017 08:39

Chủ nhật vừa rồi, xuống vùng đông huyện Duy Xuyên, Tư Ruộng tranh thủ ghé thăm vợ chồng anh Ba Duy Nghĩa. Ngồi nghe Tư tôi hỏi về vấn đề phát triển kinh tế nông nghiệp, anh Ba than phiền, ở cái xứ cát này, do đất đai quá cằn cỗi, hạ tầng thủy lợi chưa được xây dựng một cách bài bản nên hàng chục năm qua việc sản xuất lúa và các loại hoa màu chủ lực không mang lại hiệu quả cao vì mùa nào năng suất cây trồng cũng đạt thấp, chất lượng sản phẩm kém. Để có thêm nguồn thu nhập, từ năm 2007 đến nay vợ chồng anh tập trung đầu tư phát triển chăn nuôi. Thế nhưng, gần một năm trở lại đây, do giá bán sản phẩm trên thị trường tụt giảm mạnh nên việc chăn nuôi liên tục bị thua lỗ nặng. Vì vậy, cách đây hơn một tháng anh quyết định bỏ trống chuồng trại và bất đắc dĩ buộc phải chuyển đổi ngành nghề. Anh Ba Duy Nghĩa nói: “Chú Tư mi biết không, từ lúc tạm dừng việc chăn nuôi, ngày nào tui cũng chạy xe qua Hội An xin làm phụ hồ. Trừ tiền xăng nhớt và ăn cơm bụi, cứ sáng sớm đi, chiều tối về là kiếm được 200 nghìn đồng. Công việc quá nặng nhọc, hôm nay mệt quá nên báo chủ thầu nghỉ. Còn vợ tui thì đạp xe đi khắp nơi thu mua phế liệu về bán lại cho các đại lý, mỗi ngày kiếm được 30 - 50 nghìn đồng, đủ tiền mua mắm muối”.

Nhờ giá bán sản phẩm ổn định ở mức cao nên trước đây bình quân mỗi lứa heo chị Bảy Tam Xuân ở huyện Núi Thành kiếm được 6 - 8 triệu đồng từ việc thả nuôi 15 - 20 con heo thịt. Thấy tình hình thị trường quá ảm đạm, 2 tháng nay chị Bảy bỏ trống các dãy chuồng chứ không dám đầu tư nuôi mới vì sợ bị thua lỗ. Để chuẩn bị tiền cho con mua sách vở và nộp học phí vào đầu năm học mới, thời gian qua chị Bảy phải đi lột hạt sen thuê cho những nhóm hộ ở trong làng. Chị Bảy nói: “Nếu làm cật lực thì từ sáng đến chiều tui lột được 14kg hạt sen và 1kg người ta trả công 7 nghìn đồng, như vậy bình quân mỗi ngày kiếm được gần 100 nghìn đồng. Tui dự tính, sau khi kết thúc vụ sen thì sẽ nhận nguyên liệu của các cơ sở sản xuất hàng mây tre về làm gia công”. Trong khi đó, trước tình trạng giá heo sữa rẻ như bèo, đầu tháng 5 dương lịch vừa rồi chị Hai Trung Vĩnh ở xã Quế Xuân 1, Quế Sơn quyết định bán tháo, bán đổ 3 con heo nái và xin vào làm công nhân của Xí nghiệp may Ánh Sáng 5 (thuộc Công ty TNHH Dệt may thương mại Tấn Minh) nằm cách nhà chừng 4 cây số. Chị Hai chia sẻ: “Hồi trước, bình quân mỗi lứa 3 con heo nái đẻ được khoảng 30 - 36 con heo con. Nuôi heo con chừng 35 - 40 ngày tuổi thì tui xuất chuồng với giá bán mỗi con 550 - 600 nghìn đồng. Còn hiện nay, thương lái trả mua 1 con heo con chỉ 40 - 50 nghìn đồng. Nếu cứ giữ 3 con heo nái ấy lại nuôi thì chắc chắn sẽ tiếp tục bị thua lỗ trầm trọng. Bây giờ, đi làm công nhân, mỗi tháng tui nhận 3,5 triệu đồng tiền lương và được công ty mua đầy đủ các loại bảo hiểm. Tuy rằng làm công nhân may thu nhập không cao nhưng tui thấy khỏe hơn rất nhiều so với cái nghề chăn nuôi heo lắm rủi ro vì dịch bệnh và quá bấp bênh về giá cả thị trường”.

Hôm qua, nghe chuyện, anh Sáu Thời Cuộc chậc lưỡi: “Trước cơn khủng hoảng kéo dài của ngành chăn nuôi, thời gian qua rất nhiều gia đình ở xứ Quảng mình đã phải đau đầu với gánh lo cơm áo gạo tiền. Và để có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống, không ít người bất đắc dĩ phải chuyển đổi ngành nghề.

TƯ RUỘNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người chăn nuôi chuyển nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO