Biển học vô bờ, càng đi càng thấy rộng. Vậy nên ta luôn cần người chỉ đường, là người thầy, người đi trước.
Mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, cách chỉ đường có khác nhau.
Cách đây hơn ba chục năm, chúng tôi thường chép tặng nhau bài thơ “Nghe em vào đại học” của Giang Nam. Bài thơ không có từ ngữ gì “vi diệu” mà như một lời kể thầm thì mộc mạc: “thầy giáo dạy em năm trước học vần/ vẫn chưa vượt qua chương trình cấp một/ vẫn chật vật với những bài số học/ thư viết cho em phải xóa sửa mấy lần...”. Nhưng hình ảnh người thầy đó, như người chỉ đường cho đứa em tìm cách thực hiện ước mơ được học trong bối cảnh “giữa hai trận càn anh dạy em học chữ”, lại có sức lay động kích thích “ráng học sau này cho được bằng anh”.
Có lẽ thời “bình dân học vụ”, sự học đơn giản là để biết chữ, “để chép bài ca, đọc thông tin tức”. Đến thời bao cấp, chuyện học cũng không nhiều mơ mộng cao vời. Trong một xã hội mà ai cũng muốn yên ổn, chúng tôi được dạy là phải làm “con ngoan, trò giỏi”, học thuộc bài là tốt rồi. Vì thế, lớn tồng ngồng đến hết lớp 9 sang lớp 10 vẫn phải lên bảng để thầy cô dò bài mỗi buổi sáng. Phần lớn học trò không có khái niệm “phản biện”, cứ thầy cô nói là đúng, là “khuôn vàng thước ngọc”. Thầy cho chữ nào quý chữ ấy, không học thêm gì cả; có chăng trò nào giỏi thì được thầy trao “bửu bối” là sổ tay hoặc chỉ vẽ tài liệu tham khảo ở các thư viện. Thời bao cấp về giáo dục đã nổi lên câu chuyện ở nhà thì cha mẹ bao cấp cho con cái; đi học thì nhà trường, thầy cô bao cấp cho học sinh; ở phạm vi quốc gia thì bộ bao cấp cho các trường. Chính vì nhà nước bao cấp mọi thứ nên dẫn đến cơ chế “xin - cho”. (Nay thì cơ chế bao cấp đã qua mà di chứng đâu đó vẫn còn).
Sự thay đổi giáo dục có lẽ chuyển qua trạng thái khác khi cái gọi là cơ chế thị trường bắt đầu thâm nhập. Nhiều thầy cô bung ra dạy thêm, mở lớp “cua” bài để chuẩn bị các mùa thi. Người chỉ đường để học trò theo học đã dẫn vào mê cung chạy đua tìm kiếm cẩm nang những bộ đề, những bài văn mẫu, toán mẫu. Bài kiểm tra trên lớp là kéo dài của bài ở lớp dạy thêm. Nên học trò nào không đi học thêm thì rậm rịt trong mớ tù mù, không biết đường đâu mà lần. Từ đó, sinh ra nhiều nỗi chán, nỗi oán thán. Từ cực này chuyển sang cực khác, con đường giáo dục chông chênh.
Giáo dục định tạo ra con người như thế nào mà đã làm ra thế ấy, với những phương thức giáo dục loạn chuẩn khi kích thích sự đam mê chạy theo bằng cấp với mọi thứ tiêu cực? rồi từ nhồi nhét đến thử nghiệm, đến thay đổi thi cử, thay đổi chương trình, sách giáo khoa liên miên... con đường truyền dẫn kiến thức, từ người thầy là trung tâm chuyển qua “người học làm trung tâm”, đã luôn bị thử thách chao đảo. Người chỉ đường là thầy cô đôi khi bơ vơ trên bục giảng, vì rằng sự học đôi khi là sự bán - mua kiến thức, tệ hơn nữa là bán mua điểm số, bằng cấp, thành tích.
Bây giờ có lẽ phải quay lại 4 trụ cột mà UNESCO chỉ ra là học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định mình. Người chỉ đường và cả người đi đường dựa trên những trụ cột ấy sẽ tìm được lối ra cho đổi mới giáo dục. Báo cáo tổng quan Việt Nam năm 2035 cũng nêu rằng, trong một xã hội hiện đại, sáng tạo và dân chủ sẽ làm động lực thúc đẩy phát triển. Trọng tâm là hình thành một môi trường mở và tự do để khuyến khích mọi công dân học hỏi và sáng tạo. Như thế, cần phải đổi mới, cải cách sâu rộng hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm phát triển vốn con người chất lượng cao hơn.
Điều người viết muốn gửi gắm thêm ở đây, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, là những thao thức về đời sống. Cuộc sống quá nhiều đòi hỏi với những người chỉ đường, đặt lên vai họ gánh nặng lo cho tương lai đất nước nhưng sao lại để nhiều thầy cô phải tự xoay xở trong bộn bề khó khăn? Muốn đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, trước hết không thể không chú trọng đến người thầy, cải thiện đời sống để họ toàn tâm toàn ý làm người chỉ đường đúng đắn.
NGUYỄN ĐIỆN NAM