Lối sống thị dân đã làm nên sắc thái văn hóa của một đô thị. Trên con đường tìm kiếm “danh phận”, các đô thị lớn thường đối mặt với không ít khó khăn trong tiếp nhận dòng người “di cư” vào thành phố mang theo sự đa dạng về nguồn gốc xuất xứ.
Thị dân gồm những ai? Họ có gì khác biệt so với các thành phần khác trong xã hội? Khái niệm thị dân lâu nay vẫn còn nhiều luồng ý kiến trái chiều. Anh sống ở quê bỗng một ngày nào đó dựng nhà cửa, làm ăn ở phố được “bảo lãnh” bằng hộ khẩu... phường (chứ không phải xã) có mặc định anh là thị dân không? Ngược lại nhiều người sống lâu năm ở phố nhưng lối sống, cách nghĩ, kể cả nghề nghiệp thì “gần” với nông thôn hơn thì sao? Thật khó có thể phân định một cách rạch ròi, nhất là trong bối cảnh “nông thôn hóa thành thị”, sự gia tăng cơ học ồ ạt của quá trình đô thị hóa.
Ra phố
“Răng rồi mi, sao lâu lên phố rứa. Mình răng cũng được nhưng phải hy sinh cho con cái chứ!”, “Trí thức thì phải ở đô thị chứ sao quanh năm lẹt đẹt ở nổng cát quê mùa. Có tiền muốn gì cũng chưa chắc mua được!”… Lần nào về quê, cô bạn sống ở TP.Hồ Chí Minh cũng thăm hỏi, khuyên bảo tôi bằng những lời đại loại như trên. Không tranh biện, tôi chỉ chống chế: Phố không chọn mình! Điều bạn nói, lên phố là dịch chuyển chỗ ở về sát trung tâm đô thị hơn, dù nơi tôi đang ở chỉ cách “con đường giàu nhất” của thành phố Tam Kỳ hơn 3km. Bạn bảo, sống ở thành phố lớn, thừa hưởng lớn nhất là tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng, con cái sẽ có điều kiện phát huy khả năng. Còn ở tỉnh lẻ, cho dù là phố vẫn chịu nhiều thua thiệt, huống gì vùng sâu vùng xa. Tôi hỏi: “Nắm tiền tỷ trong tay, có bao giờ nuôi ý nghĩ quay về quê?”. Bạn tặc lưỡi: “Không đời nào. Dân marketing như tôi chỉ “hợp gu” với thành phố năng động. Sài Gòn giờ đã là quê hương thân thuộc rồi”.
Người Hà Nội rất thích uống cà phê vỉa hè như thế này. Ảnh: H.PHÚC |
Nhiều người trẻ, thành đạt chọn phố để an cư lập nghiệp lâu dài là vì công việc, nghề nghiệp, thói quen sinh hoạt ở chốn đầy đủ tiện ích xã hội. Nhưng chợt liên tưởng đến không gian chật chội ở phố cổ Hà Nội. Một ngôi nhà vỏn vẹn vài chục mét vuông mà có đến 3-4 thế hệ sinh sống. Người “chồng” lên người, ngột ngạt đến khó thở. Nếu bán nhà cổ đi là họ có thể mua cả khu biệt thự rộng lớn, sang trọng ven sông Hồng, nhưng dường như thị dân phố Hàng Buồm, Hàng Bạc... vẫn cảm thấy “thoải mái” sinh hoạt, chấp nhận xếp hàng đi chung mỗi cái nhà vệ sinh bé tẹo. Và chính thái độ “một tấc không đi, một li không rời” của người dân một số khu phố cổ mà đô thị nảy sinh nhiều hệ lụy ô nhiễm môi trường, áp lực dân số, chính quyền lúng túng xắp xếp, quy hoạch dân cư bài bản. Hà Nội nay cũng khác xưa nhiều lắm - khác ở nhận thức và ý thức công dân. Bàn về ý thức công dân đô thị, nhà Hà Nội học Nguyễn Vĩnh Phúc đã phải thốt lên: “Giờ đây người ta quá trọng đồng tiền mà thành vô luân hay quá đề cao bản ngã mà trở thành ích kỷ, sẵn sàng vứt rác sang hàng xóm, không như ngày xưa bố mẹ dạy con ra hè quét rác quét luôn giúp láng giềng…”.
Chọn làm sao?
Dân tộc Việt Nam khởi nguồn từ nền văn minh lúa nước, người dân sống ở thành thị chỉ chiếm hơn 20% tổng dân số. Tuy nhiên, chủ trương đô thị hóa nông thôn mạnh mẽ đã thu hút lực lượng sinh sống ở khu vực thành phố ngày càng nhiều. Đã có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về khái niệm thị dân, nhưng theo các nhà quy hoạch, quản lý đô thị thì lối sống thị dân phải nhìn từ khía cạnh văn hóa của người sống ở đô thị, chứ việc xác định nơi sinh sống không thôi là chưa đủ. Ở đô thị thời trung cổ, lối sống của thị dân thường tuân theo định chế ngặt nghèo về đẳng cấp của triều đình cầm quyền và những quan niệm đạo đức của tôn giáo. Đến thời kỳ hiện đại, sự hình thành đô thị công nghiệp gắn liền với quá trình đô thị hóa. Quá trình nhập cư đông đúc với mật độ ken dày đã giúp cho đô thị giữ vai trò là trung tâm đa chức năng. TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội đang xây dựng mô hình chính quyền đô thị. trước đây, khi vào Hà Nội, người Pháp đã áp đặt một chế độ thuộc địa phục vụ lợi ích thực dân, nhưng họ cũng đã ý thức xây dựng một kết cấu đô thị dân chủ. Ý thức thị dân, tuân thủ lối sống văn minh của người Hà thành cũng rõ nét hơn từ ngày người Pháp đặt chân đến. Thực tế những công trình kiến trúc cổ kính Pháp ở Hà Nội đã cho thấy không gian đô thị nơi đây hình thành rất sớm.
Tại Quảng Nam, đô thị đa dạng hình thái lẫn sắc thái. “Già” có, “trẻ” cũng có, kể cả đô thị hóa vùng ven. Nhưng dấu ấn nổi trội hơn tất cả thuộc về đô thị Hội An. Đó là những ngôi nhà cổ, đền chùa phủ màu rêu; là bề dày trầm tích văn hóa bất biến theo thời gian. Chính con người, thị dân sống ở phố cổ đã làm nên “linh hồn” cho vùng đất di sản. Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho rằng, “bảo tàng sống” của đô thị Hội An là dặm dài trầm tích văn hóa. Văn hóa của tình đất, tình người đậm chất Quảng không nhầm lẫn với bất kỳ đâu. Nơi đây, lưu giữ một nền tảng văn hóa phi vật thể khá đồ sộ. Tồn tại một đô thị như Hội An là trường hợp duy nhất ở Việt Nam.
Xét cho cùng, quyết định cho một đô thị phát triển bền vững chính là nằm ở yếu tố văn hóa và thái độ ứng xử đẹp của con người thị dân. Có lẽ vì thế mà gần đây nhiều người “chọn mặt gửi vàng” ở các thành phố “đáng sống” chăng?
HỮU PHÚC