Người "cổ" phố Hội

SONG ANH 17/08/2014 06:25

Thật lâu rồi tôi mới gặp lại ông. Chân tay đã run, khi bưng bát cơm, cảm giác thật khó nhọc để ông và vào miệng. Vậy mà sáng nào trên vai ông cũng kĩu kịt vài đôi nước giếng Bá Lễ, quanh phố…

Vợ chồng ông Nguyễn Đường - những người đã có 50 năm gắn với đôi gánh và giếng nước Bá Lễ. Ảnh: SONG ANH
Vợ chồng ông Nguyễn Đường - những người đã có 50 năm gắn với đôi gánh và giếng nước Bá Lễ. Ảnh: SONG ANH

Người đàn ông này chẳng còn mấy xa lạ với người dân khắp nơi, về đôi gánh nước giếng, về nghề nghiệp… qua lời kể của những người từng đến phố cổ Hội An, qua các phương tiện truyền thông. Còn với cư dân Hội An nói chung, phường Minh An nói riêng, họ quý ông như thể một con người trầm lặng chứng kiến bao nhiêu cuộc đi của nhiều thế hệ, nhiều con đường. Người Hội An nói, ông lão ấy tội. Tội vì cái cảnh cơ hàn quá! Ông là Nguyễn Đường, hơn 80 tuổi, sáng sáng vẫn dong ruổi đôi thùng gánh nước đi khắp phố. “Chỉ 3 - 4 đôi thôi. Chủ yếu gánh cho quán cà phê, quán ăn. Có nhiều bữa về không, vì nước ở quán còn” - ông Đường nói. Con người này, chắc chẳng thể giận hờn ai. Bởi cái công việc hiền lành đeo mang ông hơn 50 năm nay, cứ vậy, có lẽ cũng hình thành nên cả những suy tư thường nhật. Năm mươi năm trên những đôi quang gánh - cũng như những bà mẹ quê vậy, chỉ khác quang gánh của người đàn ông này kĩu kịt quanh phố, không phải hàng xén ở quê ra.

Hỏi chuyện ông, chỉ thấy cười. Nụ cười móm mém, hiền từ. Nụ cười của người đi qua bao thăng trầm cuộc đời, vẫn tươi nguyên. Cả người ông, hình như không thứ gì ở yên. Đôi tay run, chân run, cơ mặt cũng giật lên từng hồi. Nhưng vậy thì có gì đâu. Ông nói, cuộc đời ông buồn nhất là anh con trai. Năm nay hơn 50, Nguyễn Văn Quốc con ông vẫn chỉ như một đứa trẻ. Một đứa trẻ lớn xác. Nhưng “đứa trẻ” này, vẫn tiếp nối cuộc đời ông Đường, bằng công việc gánh nước thuê.

Vợ ông Đường cũng đã tròm trèm 80 tuổi, không đi đâu xa được nữa. Từng ấy năm gắn bó với con giếng trong hẻm nhỏ, gặp gỡ và bắt duyên với người đàn ông lành như cục đất này, như thể cuộc đời sắp đặt cho những định mệnh gian khó. Bà tên Lê Thị Mỹ, cũng gắn với cái nghiệp gánh nước giếng Bá Lễ cho các nhà, các quán đã hơn 50 năm, như ông Đường vậy. Ngày đôi vợ chồng còn trẻ, bà kể, gánh nước cho người ta nhiều tới mức không đếm được nhưng cũng không biết mệt là gì. Nước giếng Bá Lễ trong veo, mát lạnh. Ông Đường cũng không biết cái tích chính xác của giếng, chỉ biết là giếng Chăm, rồi có người tên Bá Lễ bỏ tiền tu sửa, gọi mãi tên người đó như một sự trả ơn, vậy ra tên giếng, tên hẻm, tên của cả một nét văn hóa phố Hội.

Hội An, sâu vào tận ngõ hẻm, thấy những dích dắc của cuộc đời, như đời 3 con người già nua của gia đình ông Đường lặng lẽ đến tê lòng.

Ông Nguyễn Đường với đôi gánh nước giếng Bá Lễ.
Ông Nguyễn Đường với đôi gánh nước giếng Bá Lễ.

Có cái cảm giác thật lạ khi lạc chân vào những con hẻm nhỏ chạy dọc ngang trong phố cổ. Có những con hẻm sâu hun hút, vắt ngang qua rất nhiều con phố, cũng có những hẻm chỉ vỏn vẹn vài ba nóc nhà. Nhà văn Nguyên Ngọc, người đã khước từ đô thị lớn để về trải những tâm huyết cùng phố Hội, chia sẻ trong một lần hội thảo, rằng Hội An không có hẻm, không có những con người trầm lặng, không có sự yên tĩnh khi lọt vào bất cứ con hẻm nào, thì chả còn là Hội An nữa. Trong con hẻm Bá Lễ này cũng vậy, vẫn tịch yên, nhưng khiến nao núng lòng. Bởi có những con người như cụ Đường, phải vun vén từng bữa ăn.

Anh bạn người Hội An tâm sự rằng, tháng nào cũng gửi vào cho gia đình cụ Đường chừng mươi ký gạo. Ấy là cái tình của những người chứng kiến cả một hành trình đời người cùng nhau. Khi những người cùng lứa với Quốc - con trai ông cụ, đã thành danh, thì Quốc vẫn chỉ biết cười ngượng nghịu, ngày ngày cong vai cùng đôi gánh nước. Nhưng sự sống thật kỳ lạ, trong căn nhà nhỏ xíu xây từ trước Tết Mậu Thân 1968 vẫn tràn ngập sức sống, nụ cười. Anh bạn là người hay nghiên cứu triết lý nhà Phật chia sẻ rằng, chúng ta vẫn thường hay lấy cái hiểu, cái biết của mình để đo lường và đưa ra những phán xét dành cho người khác. Mình nói họ khổ quá nhưng nếu họ không nhìn cùng hướng đó với mình thì nhận định của mình trở nên phiến diện. Và khi bình tâm nhìn nụ cười cụ Đường lúc quảy đôi nước, nhìn cái cách ông bà chăm sóc cho nhau, thì những vụn vặt mưu sinh, những no đủ thường nhật, chừng như không ảnh hưởng mấy đến suy tư của họ.

Nếu để đổi đời, chắc phải làm nghề khác rồi, làm gì nghề này. Chính ông Đường cũng không lý giải được tại sao lại cứ mải miết quẩn quanh với đôi gánh nước giếng Bá Lễ này. Bây giờ có thể nói, ông và đôi gánh nước trên vai là một trong những hình ảnh biểu trưng của phố Hội đối với các đoàn làm phim, du khách khắp nơi. Tức là chỉ ông chỉ múc vài gàu nước từ giếng Bá Lễ đổ vào thùng, gánh lên vai đi một đoạn trong phố cổ, “diễn” trước ống kính. Xong, có đoàn biếu ông ít tiền, có đoàn cười xuề xòa vài lời cảm ơn. Vậy cũng qua, ông không bao giờ đòi hỏi. Có ngày cả nhà ba người chỉ còn độ 20 nghìn đồng, trong thời gian chờ lĩnh trợ cấp người già, trợ cấp khuyết tật của anh con trai.

Người hàng xóm kể, hôm bữa có nhà báo tới hỏi về giếng Bá Lễ, ngay bữa ăn trưa, cảm xúc trước cái nghèo, anh rút ví đưa tiền, ông bà tuyệt nhiên không nhận. Chỉ khi anh nhờ ông gánh giùm đôi nước để chụp ảnh, tấm lòng thương cảm ấy mới được nhận. Không biết ông bà nghĩ gì trong câu chuyện hàng xóm kể tôi nghe, nhưng so với cảm xúc khi bước vào ngôi nhà chưa đầy 15 mét vuông vào giữa trưa miền Trung nắng gắt, lòng thấy nhẹ bâng, vì sướng - khổ thật ra đều do tâm mình. Còn những con người “cũ kỹ” của phố Hội này, không có họ, chắc lẽ Hội An vắng nhiều…

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người "cổ" phố Hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO