Người Cơ Tu góp vốn làm du lịch

ĐÌNH HIỆP – XUÂN KHÁNH 07/07/2015 09:20

Ba hộ dân người Cơ Tu ở thôn Voòng (xã Tr’hy, huyện Tây Giang) đã thành lập “Nhóm hộ du lịch sinh thái Tr’hy”, mở ra hướng khai thác hiệu quả ngành kinh tế còn khá mới mẻ này ở địa phương.

Quyết định táo bạo!

Như để giải thích cơ sở thành lập của nhóm mình, ông Clâu Hạnh (trưởng nhóm) cho biết Tây Giang có nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo như ruộng bậc thang Chuôr, thác nước R’cung, làng gốm Knoonh…; di tích lịch sử cách mạng như địa đạo Axòo, đường Hồ Chí Minh cũ… Bên cạnh đó, huyện cũng đã xây dựng những ngôi làng truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Cơ Tu như Làng truyền thống Cơ Tu ngay tại trung tâm huyện; làng truyền thống thôn Pơ’ning, xã Lăng; làng truyền thống thôn Tà làng, xã Bha lêê... “Những địa danh này ngày càng được nhiều người biết đến và thu hút đông khách du lịch đến tham quan, nhất là du khách quốc tế” - ông Hạnh gợi mở.

Clâu Hạnh nhớ lại thời điểm thành lập nhóm, ngoài 2 hộ “cùng phe” ra, thì hầu hết những người còn lại ở Tr’hy đều lắc đầu, cho rằng đây là điều hết sức viển vông. “Họ nói vậy không hoàn toàn sai, bởi người dân nơi này bao đời nay chỉ biết đi làm rẫy, đi suối bắt cá, bắt ốc…, còn du lịch thì mới mẻ quá, không mường tượng hết được” - ông Clâu Hạnh cho hay. Đó là thời điểm tháng 4.2014, nhận thấy làm du lịch sẽ giúp tăng thêm thu nhập, lại được quảng bá văn hóa truyền thống, nét đẹp đời sống của người Cơ Tu nên 3 gia đình ở thôn Voòng đã góp 200 triệu đồng, rồi vay thêm 300 triệu đồng để làm vốn kinh doanh dịch vụ du lịch.

Đỉnh Quế quanh năm bồng bềnh mây trôi (ảnh nhỏ) . Du khách chụp ảnh lưu niệm tại điểm dừng chân Đỉnh Quế. Ảnh: Đ.HIỆP
Đỉnh Quế quanh năm bồng bềnh mây trôi.

Ba hộ dân góp tiền mở khu du lịch sinh thái ở Đỉnh Quế (thôn Voòng), rộng gần 2ha. Nhóm hộ dựng 7 ngôi nhà bằng tranh tre, nứa lá; trong đó có 1 nhà ăn, 1 cửa hàng bán đồ lưu niệm và 5 nhà còn lại là khu nghỉ dưỡng cho du khách. Khu du lịch ngoài phục vụ du khách ngắm cảnh, thưởng thức vẻ đẹp vùng cao, còn phục vụ du khách các món ăn đậm nét của người Cơ Tu; bên cạnh đó, du khách còn được đắm mình trong các điệu cồng chiêng, những điệu nhảy múa của người dân bản địa. Khu du kịch kết hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch Tây Giang để mời gọi du khách. Nguồn khách chủ yếu từ Hội An lên, khách đi kiểu dạng “phượt”. Hướng dẫn viên là người bản địa, hiện chưa có hướng dẫn viên nói được ngoại ngữ, nhưng những đoàn khách (thường theo tour) đều có sẵn phiên dịch.

 Du khách chụp ảnh lưu niệm tại điểm dừng chân Đỉnh Quế. Ảnh: Đ.HIỆP
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại điểm dừng chân Đỉnh Quế. Ảnh: Đ.HIỆP

Điểm hẹn Đỉnh Quế

Ông Ploong Plênh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch Tây Giang, cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao mô hình câu lạc bộ “Nhóm hộ du lịch sinh thái” của xã Tr’hy, đây là cách làm hay, cần nhân rộng ở các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch. Thực tế cho thấy, qua mô hình này của nhóm, ngành du lịch ở Tây Giang dần có nhiều khởi sắc”. Được biết, Tây Giang đã ra Nghị quyết 17 về phát triển du lịch trên địa bàn huyện và thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch Tây Giang nhằm từng bước đưa ngành kinh tế còn mới mẻ này thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện trong tương lai.

Khu du lịch Đỉnh Quế đưa vào sử dụng dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Nam, (24.3.2015). Toàn khu rộng gần 2ha với 7 ngôi nhà được làm bằng nguyên liệu gỗ, tranh tre, nứa lá... đượm chất hoang dã, gần gũi với thiên nhiên. Bên cạnh cảnh quan, những món ăn truyền thống đậm bản sắc văn hóa Cơ Tu cũng thu hút nhiều du khách. Ông Hạnh cho biết trước đây Đỉnh Quế là điểm dừng chân của cán bộ, nhân dân vùng thấp mỗi khi lên đây công tác hay thăm người thân. Đoàn thanh niên xã Tr’hy bèn xây một căn nhà bằng tre và nứa lá để mọi người nghỉ ngơi, dần dần nơi này có nhiều du khách, kể cả khách nước ngoài tìm đến. Sở dĩ Đỉnh Quế là điểm dừng chân quen thuộc của nhiều người là do nơi này có độ cao 1.369m so với mực nước biển; khi hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan đẹp, hùng vĩ.
Anh Steve Knight (34 tuổi, du khách Anh) cho biết: “Sau khi kết thúc tham quan Hội An, cả nhóm định về, nhưng nghe nói ở trên này có nhiều cái hay nên cả nhóm kéo lên. Cảnh quan và khí hậu trên này thật tuyệt. Cả món ăn nữa, rất lạ với chúng tôi, nhưng vô cùng hấp dẫn và ngon”. Đến Đỉnh Quế, du khách còn được xem các điệu múa tâng tung da dá, múa cồng chiêng, nghe các làn điệu dân ca Cơ Tu... Chị Nguyễn Thị Lan Hương (du khách đến từ Hội An) không giấu những cảm xúc về cảnh đẹp cũng như sự mến khách của người dân nơi đây. “Vượt gần 200 cây số từ Hội An lên Đỉnh Quế, mình thấy cảnh quan nơi đây rất đẹp, hoang dã, thiên nhiên gần gũi với con người. Khi về lại Hội An, mình sẽ tiếp tục giới thiệu cho bạn bè, người thân đến tham quan nơi đây để họ hiểu hơn về mảnh, đất con người miền tây Quảng Nam” - chị Hương chia sẻ.

Bên cạnh việc lên nương, lên rẫy, giờ đây người dân vùng cao Tây Giang lại có thêm nghề mới - nghề làm du lịch sinh thái. Ông Bling Apú (thành viên của nhóm) cho biết, nhờ làm du lịch mà kinh tế gia đình ông đã có nhiều tiến triển, lại đỡ vất vả hơn đi rẫy. Cũng theo ông Apú, du khách lên đây đến từ mọi miền Tổ quốc, còn khách nước ngoài chủ yếu là từ Hội An lên. Có nhiều khách, không chỉ đơn thuần là lên tham quan mà còn chọn làm nơi nghỉ dưỡng ngắn ngày.

ĐÌNH HIỆP – XUÂN KHÁNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người Cơ Tu góp vốn làm du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO