Người Cơ Tu hiến trâu

ALĂNG NGƯỚC 08/10/2023 08:15

Con trâu được buộc vào trụ x’nur (cây nêu), chiêng trống nổi lên, những chàng trai, cô gái Cơ Tu diện sắc phục truyền thống nhảy vũ điệu tâng tung, da dá theo một vòng tròn trước gươl. Sau nghi thức cúng thần linh, con trâu được mang đi mổ thịt. Các già làng nói, đó là cách mà người Cơ Tu địa phương muốn gửi thông điệp mới mẻ cho con cháu sau này.

Đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang vui lễ hội hiến trâu mừng ngày trọng đại. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang vui lễ hội hiến trâu mừng ngày trọng đại. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

"Ăn trâu"

Không quá nhiều nghi thức được “bày biện”, lễ hiến trâu của đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang rút ngắn các thủ tục không cần thiết. Một lễ hội “ăn trâu” đúng nghĩa. Những nhát đâm “xé thịt” bằng giáo mác với trâu không còn là niềm vui với cộng đồng khi lễ hội giờ đây đang dần chuyển hướng sang một sản phẩm du lịch mới.

Ông Pơloong Plênh - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang cho biết, đã nhiều năm, cộng đồng Cơ Tu ở địa phương không còn đâm trâu trong các lễ hội. Thay vào đó, sau các hoạt động lễ nghi truyền thống, con trâu thường được mang đến một nơi kín đáo để mổ thịt. Chỉ duy nhất, một mũi giáo thọc nhẹ ở phần mũi trâu theo tục lệ xưa cũ của cộng đồng miền núi.

“Từ xa xưa, người Cơ Tu quan niệm và gọi lễ hội cộng đồng có trâu là đăh tơ’rí, tức “ăn trâu”. Đây là lễ hội làng rất trọng đại, ngày xưa thường có nghi thức đâm trâu” - ông Plênh chia sẻ.

Câu chuyện của Pơloong Plênh gợi mở ra vấn đề mà nhiều người băn khoăn, rằng liệu không đâm trâu trong lễ hội, nét văn hóa truyền thống còn được bảo lưu giá trị không?

“Không thể mất được. Bởi lễ hội vẫn diễn ra bằng tất cả hoạt động lễ nghi quan trọng khác, từ cúng thần linh, múa trống chiêng với vũ điệu tâng tung da dá… Chỉ có khác, lược bớt đi một chút là không tái hiện nghi thức đâm trâu thường thấy như trước đây. Bởi trâu được sử dụng trong ngày hội, thực chất mục đích và ý nghĩa chính là để tế thần linh, cũng như mang niềm vui góp bữa thịt cho cộng đồng” - ông Plênh nói.

Cũng bởi trâu để cúng thần nên nghi thức hiến trâu được phục dựng theo nguyên mẫu, thường diễn trong các hoạt động quan trọng, tái hiện nét văn hóa độc đáo của cộng đồng người Cơ Tu. Thông qua nghi thức này, người Cơ Tu hàm ý “báo cáo” thần linh về việc đã hoàn tất công đoạn tu sửa gươl, theo tâm nguyện của cộng đồng.

Trước khi diễn ra nghi thức hiến trâu, các già làng tiến hành lễ dựng nêu. Cây nêu truyền thống được dựng trước gươl, nơi để người Cơ Tu buộc trâu, tổ chức hội làng mừng công. Sau khi kết thức các phần nghi lễ, con trâu được mang đi mổ thịt để nấu nướng đãi khách. Nghi thức hiến trâu được xem là một trong các lễ nghi quan trọng và độc đáo của tục ăn trâu, mừng công báo Giàng.

Hình thành sản phẩm du lịch

Không đơn thuần là một lễ hội cộng đồng, nghi thức hiến trâu của đồng bào Cơ Tu còn được kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm du lịch độc đáo cho du khách. Điều đó, hoàn toàn khả thi, nhất là với du khách ngoại quốc, những người có đam mê trải nghiệm và khám phá văn hóa cộng đồng vùng cao.

Với sự kết hợp của vũ điệu tâng tung da dá, nghi thức hiến trâu được kỳ vọng trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.
Với sự kết hợp của vũ điệu tâng tung da dá, nghi thức hiến trâu được kỳ vọng trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay, từ chủ trương của huyện, hơn 10 năm qua, đồng bào Cơ Tu ở các khu dân cư trên địa bàn dần “nói không” với việc đâm trâu trong lễ hội truyền thống. Thay vì dùng giáo đâm con trâu, sau khi làm lễ cúng thần linh, người dân thường mang trâu đến vị trí an toàn để mổ thịt, xem đó như một cách giáo dục mang tính nhân văn trong cộng đồng.

Theo ông Blúi, chủ trương không đâm trâu xuất phát từ thực tiễn đời sống hiện nay, nhất là khi địa phương đẩy mạnh phát triển các mô hình du lịch cộng đồng phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm. Để xây dựng hình ảnh “sạch” trong lễ hội truyền thống, nghi thức hiến trâu được xem là một lựa chọn khả thi vừa giúp khôi phục giá trị văn hóa lâu đời, vừa mang đến sự trải nghiệm thú vị và an toàn cho du khách.

“Đâm trâu, vừa mang tính chất phản cảm vì hình ảnh con trâu bị đâm, vừa rất nguy hiểm cho cộng đồng, đặc biệt là du khách. Nhiều trường hợp, trâu bị đứt dây, thậm chí có trường hợp lưỡi giáo bị văng ra ngoài gây thương tích cho chính người dân đến xem” - ông Blúi nói.

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tây Giang - Cơlâu Nghi cho biết, qua đánh giá, người dân địa phương rất đồng tình với chủ trương của huyện. Vì thế, tại các dịp lễ hội truyền thống, văn hóa Cơ Tu được tái hiện gần như nguyên vẹn, với chủ đạo là vũ điệu tâng tung, da dá cùng nghi thức hiến trâu, tạo sự “kết nối” bền chặt giữa thần linh và cộng đồng miền núi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người Cơ Tu hiến trâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO