Sau gần 10 năm, đã có 72/94 thôn ở huyện miền núi Tây Giang được triển khai xây dựng mặt bằng, bố trí dân cư tập trung cho đồng bào địa phương ổn định cuộc sống. Người Cơ Tu về làng mới, niềm vui càng được nhân lên khi hàng loạt công trình điện - đường - trường - trạm được đầu tư khang trang.
Người dân làng Tưr vui múa cồng chiêng trong ngày khánh thành làng mới. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Làng kiểu mẫu vùng biên
Chủ tịch UBND xã Dang (Tây Giang) - ông Nguyễn Thanh Tâm cho biết, chỉ sau 3 tháng về nơi ở mới, người dân thôn Tưr bây giờ đã ổn định trên mặt bằng dân cư, với đủ đầy công trình điện, đường, trường học, nước sinh hoạt. Dù không phải thôn đầu tiên triển khai xây dựng mặt bằng dân cư tập trung mới, nhưng Tưr được xem là kiểu mẫu của xã Dang cả về quy mô, diện mạo và tính bền vững trong lao động sản xuất. Gần một năm trước, khi chủ trương quy hoạch, sắp xếp dân cư tập trung của địa phương được triển khai, những người dân ở Tưr ngồi họp bàn, rồi đi đến thống nhất rời làng cũ chênh vênh dọc sườn đồi, cùng chung tay xây dựng đời sống mới. Có mặt bằng, người dân Tưr phân nhau từng lô đất, giúp nhau vận chuyển nhà cửa, góp sức dựng gươl, sống theo cộng đồng làng truyền thống. “Sau khi đồng bào ở Tưr về làng mới, địa phương phối hợp thực hiện ngay công trình khai hoang ruộng bậc thang rộng hơn 4ha, trải dài trên cánh đồng K’tang. Cùng với đó, hàng chục héc ta cao su, keo lai đang tiếp tục được mở rộng phát triển trên khắp cánh rừng của làng. Đường ô tô tạo thuận tiện kết nối liên vùng từ trung tâm xã về tận xã Arooih của huyện Đông Giang… Tất cả được kỳ vọng sẽ giúp đồng bào Tưr dần thoát nghèo, trở thành làng kiểu mẫu của địa phương miền núi” - ông Tâm chia sẻ.
Nhiều ngôi làng được hình thành từ chủ trương đúng đắn của chính quyền địa phương miền núi. |
Cũng như Tưr, kể từ khi chủ trương xây dựng mặt bằng để sắp xếp lại dân cư tập trung được triển khai tại thôn Voòng (xã Tr’hy, Tây Giang), đời sống người dân địa phương đã có bước chuyển khá rõ rệt. Con đường bê tông xẻ núi dẫn về làng tạo một diện mạo mới, rất khác ở Voòng cách đây chỉ hơn một năm trước. Đó là khi những ngôi làng được sắp xếp đẹp mắt theo hình cánh cung trên mặt bằng rộng lớn. Gươl làng sừng sững, phía trước có cả một không gian dành riêng cho sinh hoạt cộng đồng. Đón chúng tôi, già làng C’lâu Blao không còn niềm trăn trở ngày trước. Câu chuyện của già với chúng tôi bây giờ là sự san sẻ niềm vui sau những đổi thay trong đời sống của dân làng từ việc sắp xếp lại dân cư. Hơn 2 năm trước, làng Voòng “treo” mình chênh vênh trên các sườn đồi, mây núi trập trùng. Từ UBND xã nhìn về, những ngôi nhà lúp xúp hệt như những cánh duông canh rẫy, xen lẫn giữa màu xanh của rừng. “Chừ hết khổ rồi. Dân làng sống tập trung trên mặt bằng mới, gươl được dựng lên ở trung tâm, to đẹp nhất nhì vùng này. Ngoài làm nương rẫy, người dân bây giờ biết trồng thêm cây dược liệu dưới tán rừng, làm du lịch sinh thái, phát triển kinh tế từ chính lợi thế vốn có của mình” - già Blao bộc bạch.
Bố trí dân cư gắn với phát triển sản xuất
Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay, ngoài việc đầu tư hỗ trợ của các cấp chính quyền, hàng chục điểm bố trí dân cư tập trung được hình thành trong thời gian qua còn nhờ tấm lòng và công sức đóng góp của đồng bào địa phương. Bắt đầu từ làng Pơr’ning (xã Lăng) - khu dân cư tập trung đầu tiên của huyện được hình thành đem lại hiệu quả tích cực, đã tạo điều kiện giúp địa phương triển khai thành công chủ trương bố trí, sắp xếp dân cư tập trung chỉ sau một thời gian ngắn. “Điều kiện ở miền núi rất khó khăn nên kinh phí đầu tư bước đầu khá lớn. Tuy nhiên, chúng tôi xác định việc đầu tư phải được thực hiện đồng bộ theo từng hạng mục công trình, làm đến đâu hoàn thành đến đó. Sau mặt bằng, điện - đường - trường - trạm cũng được đầu tư dần, đảm bảo ổn định đời sống người dân. Bởi khi người dân được hưởng lợi, sự đồng thuận sẽ được nâng lên, việc triển khai nhờ thế thuận lợi hơn rất nhiều” - ông Blúi nhấn mạnh. |
Đồng bào Cơ Tu vốn có truyền thống chọn đất lập làng nơi gần nguồn nước, cũng như địa hình cao ráo trên một mặt bằng nhất định. Những ngôi nhà san sát nhau, theo hình cánh cung, với gươl được dựng ngay tại trung tâm của làng. Tuy nhiên, do cuộc sống sinh tồn, những cuộc di cư của đồng bào trong thời gian khá dài khiến hình mẫu về làng truyền thống dần bị mai một. Chính vì thế, việc quy hoạch theo nguyên mẫu làng truyền thống đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các già làng, những người có uy tín trong cộng đồng vùng cao.
Bí thư Đảng ủy xã A Tiêng (huyện Tây Giang) - ông Bh’riu Quân tâm sự, hiệu quả từ công tác bố trí, sắp xếp dân cư tập trung ở địa phương ngoài nguồn vốn đầu tư hỗ trợ, còn phải kể đến việc linh hoạt của các cấp chính quyền, khi trao quyết định chọn đất dựng nhà đúng theo nguyện vọng của người dân, tức là người dân tự phân chia mặt bằng theo từng tộc họ, anh em. “Cuộc sống của người dân chỉ được ổn định khi làng mới gắn liền với đất sản xuất và các công trình phúc lợi liên quan đến nhu cầu bức thiết hiện nay. Bởi có đất sản xuất để canh tác, nguồn lợi kinh tế của người dân sẽ được mở rộng. Các mô hình trồng hoa màu, trồng keo, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc… là sinh kế bền vững cho người dân miền núi sau công tác di dời về vùng đất mới” - ông Quân nói.
Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay, ngay từ khi bắt đầu triển khai công tác quy hoạch, bố trí, sắp xếp dân cư tập trung, địa phương đã xác định các tiêu chí mang tính ổn định lâu dài. Theo đó, cùng với lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án của Chính phủ, của tỉnh về chính sách phát triển vùng miền núi, địa phương cũng tìm cách huy động nguồn lực và vận động người dân cùng giúp sức hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong đó, vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín được phát huy tối đa, tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng về chung tay xây dựng làng tái định cư. “Quan điểm của chúng tôi, việc quy hoạch bố trí dân cư tập trung ngoài đảm bảo theo 2 yếu tố cần thiết, bao gồm đất (đất ở, đất sản xuất) và nước (nước sinh hoạt và tưới tiêu) còn phải gắn với văn hóa làng, nhằm không làm xô lệch văn hóa truyền thống để định hướng phát triển du lịch cộng đồng. Tất nhiên, việc quy hoạch, chọn vùng đất để bố trí, sắp xếp dân cư tập trung trước hết phải được sự đồng thuận cao từ phía người dân, tránh tình trạng triển khai xây dựng xong nhưng người dân không đến ở vì không phù hợp với nhu cầu thực tiễn cũng như nguyện vọng của người dân địa phương” - ông Blúi cho biết thêm.
ALĂNG NGƯỚC