Danh sách 402 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Nam đã được UBND tỉnh phê duyệt (Quyết định số 1958/QĐ-UBND).
Trong danh sách đó, huyện Đông Giang đứng đầu số lượng với 80 người, tiếp theo là Tây Giang (70), Nam Giang (60), Phước Sơn (59), Bắc Trà My (50), Nam Trà My (43), Hiệp Đức (17), Tiên Phước (7), Hội An (7), Tam Kỳ (4), Núi Thành (3), Phú Ninh và Đại Lộc mỗi nơi có 1 người.
Chắc bạn đọc cũng muốn biết thêm thế nào là người có uy tín? Tại sao phải công nhận và ý nghĩa việc đó là gì?
Theo cách hiểu thông thường người có uy tín là người được một cộng đồng nào đó tín nhiệm, mến phục. Người có uy tín không nhất thiết là lãnh đạo nhưng có tiếng nói trọng lượng mà cộng đồng tự nguyện tuân theo, làm theo. Ảnh hưởng của người có uy tín được tạo ra bởi nhân cách, văn hóa, sự hiểu biết, kể cả nắm giữ “phần hồn” tín ngưỡng phong tục của cộng đồng. Như với các làng bản của người đồng bào dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản có vai trò rất lớn, tựa cây cổ thụ làm chỗ dựa cho dân làng.
Chính phủ có quy định về tiêu chí xét chọn và công nhận người có uy tín. Đại thể nội dung các tiêu chí cũng không khác gì lắm với cách hiểu nói trên, chỉ thêm vào một số ý như đó là người có công lao đóng góp cho cộng đồng, tiêu biểu, làm gương trong các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, có khả năng quy tụ, đoàn kết cộng đồng trong phạm vi cư trú nhất định.
Việc xét chọn và công nhận danh sách người có uy tín, là cách để nhà nước tôn vinh, biểu dương, đồng thời có chế độ đãi ngộ phù hợp. Qua đó động viên người có uy tín phát huy vai trò của mình, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây có thể xem là chính sách có ý nghĩa nhân văn, thiết thực trong công tác dân tộc.
Người có uy tín là vốn quý của cộng đồng, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao. Đáng tiếc thay bao năm tháng qua, những “cây cao bóng cả” của đại ngàn lần lượt nằm xuống mang theo nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào vùng cao. Những già làng như Briu Prăm, A Tùng Vẽ, từng là “linh hồn”, là pho sử sống của đồng bào Cơ Tu ở miền tây bắc Quảng Nam. Hai ông đã góp công rất lớn để phục dựng những giá trị văn hóa vùng cao. Họ ý thức rất rõ vai trò của mình đối với việc giữ mối dây thiêng liêng của văn hóa và phong tục đồng bào. Báo chí cũng đã nhắc nhiều về niềm tự hào của những làng vùng cao có các già làng, nghệ nhân khác như Hồ Văn Dinh, Dương Lai (Bắc Trà My); Y Kông, Bh’riu Nga (Đông Giang); Kêr Tic, Clâu Blao, Bh’riu Pố (Tây Giang);… góp nhiều công sức cho việc bảo tồn di sản văn hóa của đồng bào. Hình dung một ngày lớp người ấy nằm xuống thì tiếng chiêng, điệu múa, điệu nói lý, hát lý, bức phù điêu trên gươl,… sẽ phôi phai ít nhiều bản sắc.
Nhớ cụ A Tùng Vẽ, theo lời thuật của nhà báo Trương Điện Thắng, khi ông chưa về với Giàng đã từng nói: “Đối với người Cơ Tu, mọi thứ chung quanh đều có hồn (rơvai). Có những rơvai hiền, rơvai dữ, có những rơvai tốt, rơvai xấu... Người Cơ Tu mình cũng tin có thần (Abhuyh). Có hai vị thần lúc nào cũng hiện diện với dân làng là thần Mặt trời (Abhuyh-plêếng) và thần Đất (Abhuyh-catiếc). Sống, chết, đói nghèo, no đủ, thịnh vượng, bệnh tật... đều do trời và đất tạo ra. Do vậy, già làng dù có cực khổ đến mấy cũng tuân theo trời đất mách bảo mà cho dân làng sống no đủ, hạnh phúc và giữ gìn những vốn liếng của ông cha để lại…”. Như thế, để giữ vốn quý của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi cần thiết và cấp thiết phải chăm lo, tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho các già làng đang còn sống truyền thụ tri thức văn hóa và những điều minh triết của mình đến cộng đồng.
NGUYỄN ĐIỆN NAM