Người con Cẩm Thanh

THÁI MỸ 01/11/2018 03:12

Con đường nhựa chạy băng qua làng mạc, ruộng đồng xã Cẩm Thanh, TP.Hội An mang tên người con ưu tú của quê hương: Tống Văn Sương. Bây giờ, mỗi khi nhắc tới liệt sĩ anh hùng này, không ít người dân ở xã Cẩm Thanh từng là nhân chứng của lửa đạn chiến tranh đều hết lời ngợi ca về lòng dũng cảm cũng như sự xả thân vì quê hương của Tống Văn Sương.

Khu thể thao này là địa điểm ngày xưa diễn ra trận đánh cảm tử của Tống Văn Sương và đồng đội. Ảnh: THÁI MỸ
Khu thể thao này là địa điểm ngày xưa diễn ra trận đánh cảm tử của Tống Văn Sương và đồng đội. Ảnh: THÁI MỸ

Sinh ra trên quê hương nghèo khó rơm rạ, trước cảnh dân làng đắm chìm trong bất công, nô lệ, bắt bớ, tra tấn tàn bạo của giặc thù, Tống Văn Sương sớm nhận ra lẽ phải, nung nấu ý chí lớn lên sẽ cùng với cha ông đánh giặc, giữ làng. Năm tròn 17 tuổi, Tống Văn Sương gia nhập lực lượng du kích xã, quyết bám giữ làng mạc, xóm thôn để mai phục, thiết kế các trận đánh bí mật, bất ngờ để ngăn chặn các đợt càn quét của địch từ trung tâm thị xã Hội An kéo về. Đầu năm 1966, Tống Văn Sương được Thị đội trưởng Hội An rút lên bổ sung cho bộ đội địa phương. Chiến trường Quảng Nam có nhiều cục diện mới; ở Hội An, địch tăng cường củng cố lực lượng, nhất là bộ máy tay sai đàn áp.

Tháng 10.1967, Khu ủy 5 quyết định sáp nhập tỉnh Quảng Nam với TP.Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà. Để chủ động đánh địch có hiệu quả hơn, ngày 15.12.1967, Thị ủy Hội An quyết định thành lập Đại đội 2 đặc công với quân số ban đầu gồm 35 cán bộ, chiến sĩ, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thị đội trưởng Hội An. Tống Văn Sương được giao chức Trung đội trưởng Trung đội 1. Với vai trò người chỉ huy, Tống Văn Sương đã triển khai các biện pháp nắm tình hình để chờ cơ hội tiêu diệt địch và tổ chức nhiều trận đánh hết sức táo bạo, bất ngờ ngay trong sào huyệt của chúng ở thị xã. Chỉ tính từ cuối năm 1967 đến tháng 5.1968, Tống Văn Sương đã chỉ huy Trung đội 1 cũng như cùng Đại đội 2 đánh 23 trận khắp địa bàn thị xã Hội An, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch.

Bia chiến thắng chùa Bà, ghi dấu trận đánh cảm tử của 2 bộ đội đặc công Tống Văn Sương và Đỗ Trọng Hường. Ảnh: THÁI MỸ
Bia chiến thắng chùa Bà, ghi dấu trận đánh cảm tử của 2 bộ đội đặc công Tống Văn Sương và Đỗ Trọng Hường. Ảnh: THÁI MỸ

Nhiều tên đất, tên làng của Hội An, của Đặc khu Quảng Đà đã gắn với bao chiến công oanh liệt của Đại đội 2 đặc công Thị đội Hội An. Như đầu năm 1968, đại đội lính đánh thuê Nam Triều Tiên tràn về thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà bắn phá, đốt nhà, tàn sát bao người dân lương thiện. Cán bộ chiến sĩ Đại đội 2 đã anh dũng chiến đấu ngoan cường, cuối cùng đã tiêu diệt hoàn toàn đại đội quân đánh thuê nổi tiếng tàn ác này. Nối tiếp chiến công, các trận đánh vang dội như trận tiêu diệt đại đội hỗn hợp Mỹ ngụy tại lăng Bà Tuấn; trận chống càn quyết tử ở cầu Phước Trạch; trận tập kích vào cơ quan đầu não tề ngụy của tỉnh Quảng Nam ngay trong nội thị Hội An. Tên tuổi của Đại đội 2 cũng như Trung đội 1 bộ đội đặc công Thị đội Hội An đã làm cho kẻ thù hoang mang, khiếp sợ.

Đối phó với những trận tập kích kiểu “xuất quỷ nhập thần” của Đại đội 2 đặc công, Tỉnh trưởng Quảng Nam Lê Trung Tín liên tục ra lệnh cho các binh chủng tăng cường tuần tra, kiểm soát trong nội thị, căng dày mạng lưới bảo vệ các địa điểm quân sự, tung lực lượng cảnh sát đặc biệt ngày đêm truy tìm “Việt cộng” cài cắm vào bên trong và bộ đội đặc công giả dạng dưới nhiều hình thức đột nhập. Sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, địch càng điên cuồng, mở nhiều đợt càn quét về các xã ở Hội An để tìm và diệt cộng sản, gây nhiều tổn thất nặng nề đối với phong trào cách mạng... Nhận được tin báo từ cơ sở bên trong, ngày 4.5.1968 địch sẽ tổ chức khóa huấn luyện cấp tốc với quy mô cấp tỉnh cho lực lượng “Bình định nông thôn” và dân vệ tại khu vực chùa Bà. Thị ủy và Thị đội Hội An giao nhiệm vụ cho Đại đội 2 đặc công bằng mọi giá phải đánh phủ đầu để gây thiệt hại nặng nề cho chúng ngay trong ngày khai mạc lớp huấn luyện. Trung đội trưởng Tống Văn Sương cùng chiến sĩ Đỗ Trọng Hường tự nguyện nhận trận đánh cảm tử này và hứa sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Sau khi bí mật lọt vào nội thị khảo sát địa điểm, nhận thấy chùa Bà - tức Hội quán Dương Thương ngày xưa, còn gọi chùa Lễ Nghĩa - mặt hướng ra sông Hoài nhưng ở phía sau có căn cứ quân sự của địch với diện tích khá rộng. Đây chính là địa điểm tập trung huấn luyện về “Chương trình bình định nông thôn” của địch. Chiều 4.5.1968, Tống Văn Sương và Đỗ Trọng Hường cải trang thành lính địa phương quân đi nghênh ngang giữa phố xá Hội An và đến nhà cơ sở tiếp nhận 20 quả lựu đạn M26 trước đó lấy của địch. Đợi đến khuya, Tống Văn Sương và Đỗ Trọng Hường xuất hiện trong doanh trại, tung liên tiếp những quả lựu đạn vào nơi địch đang  ăn ngủ, diệt tại chỗ 38 tên, trong đó có tên Phó Chỉ huy Đoàn bình định nông thôn tỉnh Quảng Nam. Hay tin căn cứ huấn luyện chùa Bà bị tấn công, các xe quân sự của địch chở nhiều sắc lính ùn ùn chi viện, phố thị Hội An ngập chìm trong âm thanh báo động. Tuy rút được ra bên ngoài, song hầu hết đường phố bị địch chốt chặn, bao vây, không lối thoát, song hai chiến sĩ đặc công quyết tâm đánh trả đến những quả lựu đạn cuối cùng, tiêu hạ thêm 12 tên địch nữa rồi Tống Văn Sương, Đỗ Trọng Hường anh dũng ngã xuống ngay trên mảnh đất phố Hội.

Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, tháng 2.1970, Đại đội 2 bộ đội đặc công thị xã Hội An được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu Anh hùng và năm 1980, Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Tống Văn Sương.

THÁI MỸ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người con Cẩm Thanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO