Thực hiện chủ trương của Bộ Công an về tăng cường lực lượng cho các xã trọng điểm miền núi biên giới, tháng 10/2021, Công an Quảng Nam đã tiếp nhận và bố trí công tác đối với Đại úy Tống Văn Ân - nguyên cán bộ Cục Xuất nhập cảnh tại xã vùng biên Gari. Hai năm qua, anh gắn bó với mảnh đất này, trở thành người con của bản làng.
Dốc núi Gari đã trở thành con đường quen thuộc với Đại úy Tống Văn Ân. Gari là địa bàn khó khăn nhất ở huyện Tây Giang, đồng bào dân tộc Cơ Tu chiếm 95% dân số. Những năm trước, để làm được các giấy tờ tùy thân, người dân phải trải qua chặng đường cực nhọc mới về đến được trung tâm huyện.
Với chuyên môn của một cán bộ xuất nhập cảnh, Đại úy Ân nhanh chóng nắm bắt tình hình vùng biên, hỗ trợ người dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính xuất nhập cảnh khu vực biên giới. Anh cũng là người đề ra các giải pháp về quản lý con người, ngăn ngừa tình trạng xuất nhập cảnh trái phép.
Tại khu vực biên giới xã Gari, một số người dân Lào đến làm ăn mua bán, đã ở lại định cư tại địa phương, trường hợp anh Nuôi Chăn là một ví dụ. Anh Chăn kết hôn với chị Tâm Vôn Thị Nhin (người Cơ Tu) và chính thức nhập Quốc tịch Việt Nam vào năm 2019, tuy nhiên việc thực hiện các thủ tục hành chính của cá nhân như căn cước còn khó khăn.
Khi xuống địa bàn cơ sở tại thôn Glao, Đại úy Ân đã hỗ trợ gia đình anh trong việc giải quyết một số thủ tục, giấy tờ để thuận lợi trong quá trình sinh hoạt, lao động; đồng thời cũng nắm bắt thông tin về cộng đồng người Lào làm ăn sinh sống tại đây.
Cùng ăn, cùng ở, cùng làm tại địa bàn xã biên giới Gari, thấu hiểu những khó khăn vất vả của bà con trong việc thực hiện thủ tục hành chính, Đại úy Ân thấy rõ tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc triển khai làm căn cước và đăng ký tài khoản định danh điện tử. Sự tận tình của anh và những cán bộ Công an xã Gari đã được nhân dân ghi nhận.
Chị Pơloong Thị Nga (một người dân địa phương) nói: “Cán bộ Ân lên hướng dẫn làm căn cước, đây là việc rất là hữu ích, bà con làm giấy tờ mà không nhất thiết lên đến xã, cứ làm trực tiếp tại nhà”. Già làng B’ríu Bênh nói thêm: “Đồng chí Ân hết sức nhiệt tình và gắn bó với nhân dân. Chúng tôi xem cán bộ Ân là người con của bản làng này”.
Sau giờ làm việc, Đại úy Tống Văn Ân tranh thủ mọi kênh thông tin để có thể đưa các chủ trương, chính sách tiếp cận với người dân, đặc biệt là những bạn trẻ Cơ Tu đang sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội ngày càng nhiều. Đó là lý do anh đề xuất tạo lập và quản lý trang Facebook Công an xã Gari.
Xây dựng được mối liên hệ mật thiết với già làng và bà con địa phương, trong 2 năm điều động về xã biên giới Gari, Đại úy Tống Văn Ân đã phát huy được năng lực, sở trường của mình, góp phần tạo nên những thay đổi cho vùng đất còn nhiều khó khăn này.