Người con của rừng

HÀ AN 03/09/2023 07:51

(VHQN) -  Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nơi này, ông luôn coi mảnh đất Quảng Nam và đồng bào các dân tộc thiểu số ở xứ Quảng là một phần máu thịt không thể tách rời trong cuộc sống và sáng tác của mình.

Nhà văn Nguyễn Bá Thâm (bên phải) và nhà điêu khắc Phạm Hồng tại Triển lãm tư liệu về đề tài chiến tranh cách mạng.Ảnh: H.A
Nhà văn Nguyễn Bá Thâm (bên phải) và nhà điêu khắc Phạm Hồng tại Triển lãm tư liệu về đề tài chiến tranh cách mạng.Ảnh: H.A

“Đi dọc đường biên”

“Bạn tôi - Người con của rừng” đó lời nhận xét thay cho lời tựa của nhà thơ Thanh Quế về tập bút ký “Đi dọc đường biên” của nhà văn Nguyễn Bá Thâm.

Nhà văn Nguyễn Bá Thâm quê Nghệ An, vào chiến trường Quảng Nam tháng 5/1971, trong đoàn nhà văn từ miền Bắc vào bổ sung cho lực lượng Văn nghệ Giải phóng Khu 5. Đất nước thống nhất, ông ở lại mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng, tiếp tục với sự nghiệp văn học, nghệ thuật.

Vợ chồng nhà văn Nguyễn Bá Thâm và đồng đội cùng thưởng thức lại món ăn thời kháng chiến.
Vợ chồng nhà văn Nguyễn Bá Thâm và đồng đội cùng thưởng thức lại món ăn thời kháng chiến.

Ông dành nhiều thời gian cho miền núi. Sau năm 1975, rất nhiều chuyến, ông đã cuốc bộ xuyên rừng, vượt dốc, lội hết làng này đến làng kia ở tít tận núi cao, rừng thẳm để được biết, được hiểu vể cuộc sống của đồng bào Ca Dong, Bh’noong, Cơ Tu.

Theo ông, có biết, có hiểu cuộc sống mới viết trúng, đúng về cuộc sống của đồng bào. Sống cùng đồng bào, chàng trai xứ Nghệ ấy đã trở thành “người miền núi”. Ông biết tiếng đồng bào, phong tục, biết vót chông, “xuốc” cá, biết làm rượu tà vạt, thuộc một ít bài hát, điệu múa của dân tộc Cơ Tu...

Năm 1992, sau chuyến đi thực tế dọc biên giới Việt - Lào ròng rã nửa tháng trời, ông đã chọn lọc và cho ra đời tập bút ký “Đi dọc đường biên” - tập bút ký chuyên sâu về đề tài miền núi và đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam. Đó không chỉ là ghi chép những câu chuyện, sự kiện, nhân vật mà qua ngòi bút của ông những trang viết dễ đi vào lòng người.

Mỗi mẩu chuyện đều sâu sắc, am hiểu về phong tục, văn hóa của đồng bào từ cách phát rẫy, gài thò, làm món z’ră, cách làm và thưởng thức rượu tà vạt, làm moong, gươl. “Tất cả đồng bào ở đây, mỗi người đều lung linh ngời sáng như những viên ngọc quý”.

Viếng hương các liệt sĩ hy sinh bên cầu bà Huỳnh trong đó có họa sĩ Hà Xuân Phong.
Viếng hương các liệt sĩ hy sinh bên cầu bà Huỳnh trong đó có họa sĩ Hà Xuân Phong.

Ông lắng nghe, chia sẻ và day dứt: “Ở Achoong, tôi đã không cầm được nước mắt khi một bà mẹ run run, sợ sệt, đưa bàn tay xương xẩu, bấm nhẹ lên vai tôi rồi chỉ vào miệng, khẽ bật tiếng kêu “Cơm!”.

Tôi chợt nhận ra, đây chính là bà mẹ đã nuôi giấu cán bộ người Kinh trong những năm cách mạng miền Nam còn đen tối. Chính mẹ đã đi gùi đạn từ đường dây 559 tận bên Kạ Lừm, Đăk Chưng của Lào về chiến trường Khu 5.

Và cũng chính mẹ là người đã nhịn từng lon bắp, lon gạo, từng củ sắn, nắm rau, lóng mía để nuôi quân Giải phóng”. Dù đời sống hiện thời đã có rất nhiều thay đổi nhưng đồng bào vùng biên cương ở Quảng Nam vẫn còn nghèo khó, thiên tai, bệnh tật vẫn rình rập, vẫn chưa được “ăn ngon, mặc đẹp”, đi lại dễ dàng...

Tập bút ký “Đi dọc đường biên” của ông, đã góp thêm tiếng nói vào việc xóa đói giảm nghèo của vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Năm 1995, Chương trình 135 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ra đời. Đây là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhà văn Nguyễn Bá Thâm và đồng đội bên mộ nhà văn Nguyễn Hồng.
Nhà văn Nguyễn Bá Thâm và đồng đội bên mộ nhà văn Nguyễn Hồng.

“Đất của Máu và Lửa”

Chiếc xe máy biển số 92B 0267 - mọi người thường hay gọi đùa là con ngựa già đã cõng nhà văn Nguyễn Bá Thâm đi hơn 65 ngàn cây số đến mọi miền xứ Quảng, để có những trang viết hấp dẫn và sống động.

Trong tập bút ký “Đất của Máu và Lửa” chỉ có 5 bài ký, nhưng đem đến cho người đọc nhiều điều kỳ lạ, kỳ diệu về đất và người xứ Quảng. Về những đảng viên sáng lập ra Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, về những Dũng sĩ Núi Thành, những người dân ở Duy Xuyên, Đại Lộc... - những người dân bình thường, nhưng khi đất nước cần, họ sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả những đứa con rứt ruột đẻ ra.

Nhà văn Nguyễn Bá Thâm có trí nhớ khó ai bì khi nói về những năm tháng đã qua cùng với những địa danh trên đất Quảng Nam. Ông nói: “Tôi có thể đi từ A Nông (huyện Tây Giang) vào tới Trà Nam (Nam Trà My) mà không cần hỏi đường!”.

Không chỉ dừng ở con số 2 tập sách đó, ông có hàng chục bút ký khác về Quảng Nam với tư liệu, chi tiết ngồn ngộn. Viết ít, nhưng lối viết thuyết phục người đọc ở sự dày công, chính xác. Ông là người thầm lặng đứng sau để biên tập sách, nhất là những cuốn về chiến tranh.

10 tập sách “Kiên trung bất khuất” của Hội Tù yêu nước tỉnh Quảng Nam kể hàng trăm câu chuyện quyết tử vì Tổ quốc của những người tù yêu nước xứ Quảng được ra đời, đưa vào danh mục của Tỉnh ủy Quảng Nam về “Sưu tầm, hệ thống, sử dụng và phổ biến tư liệu quý về đề tài chiến tranh cách mạng” trên địa bàn tỉnh.

Các ông Vũ Văn Sỹ, Phạm Văn Đào - nguyên Chủ tịch Hội Tù yêu nước Quảng Nam qua các thời kỳ, đều khẳng định: Nếu không có “bàn tay, khối óc” của nhà văn Nguyễn Bá Thâm thì khó mà thành công. Những tập sách của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam phát hành như “Quảng Nam - Miền ký ức (1954-1975)”, về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - nhà văn, liệt sĩ Chu Cẩm Phong, về văn nghệ sĩ kháng chiến Khu 5 thời chống Mỹ đều có trí lực của ông.

Thẳm sâu tình đồng đội

Quảng Nam không phải là quê hương, nhưng ông thuộc nhiều tên đất, tên làng, từng con đường, ngọn đồi, từng trận đánh, chiến công và cả hy sinh mất mát không chỉ văn nghệ sĩ mà cả những người dân bình thường khác.

Tất cả bia tưởng niệm của nhà văn Nguyễn Hồng, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, bia mộ nhà thơ Nguyễn Mỹ đều có ông vận động tài chính, góp công sức xây dựng. Như trên mộ nhà thơ Nguyễn Mỹ, ông trồng những cụm hoa mười giờ đỏ thắm, ai đến viếng mộ cũng xao lòng với tác giả “Cuộc chia ly màu đỏ”.

Năm 2021, nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của nhà văn Chu Cẩm Phong (5/1971 - 5/2021), ông đã vận động 200 triệu đồng từ một nhân chứng được nhà văn Chu Cẩm Phong ghi trong nhật ký để phục dựng căn hầm bí mật - nơi nhà văn và đồng đội đã chiến đấu, hy sinh vào ngày 1/5/1971 tại thôn Hai, Vinh Cường, xã Xuyên Phú, liền kề với Bia tưởng niệm Chu Cẩm Phong và đồng đội được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Điều rất đáng trân trọng là văn nghệ sĩ Khu 5 thời chống Mỹ, ai hy sinh ở đâu, hy sinh như thế nào, ông là người hiểu rõ, là người khởi xướng tổ chức lễ tưởng niệm, giỗ các văn nghệ sĩ thời chống Mỹ hy sinh ở Quảng Nam.

Trong những chuyến đi về nguồn thăm lại chiến trường xưa, trong mỗi kế hoạch, ông đều kèm theo tâm thư kêu gọi vận động kinh phí để thăm, tặng quà cho trẻ em, bà con vùng căn cứ, vùng bị chiến tranh tàn phá... Từ những chuyến về nguồn, về thăm chiến trường xưa của các văn nghệ sĩ, hàng trăm tác phẩm văn thơ đã ra đời, tái hiện về cuộc chiến tranh đầy bi tráng của vùng đất Khu 5, mà sâu xa hơn là viết để tri ân.  

Gần một năm nay, sức khỏe của ông sa sút bởi người vợ - người đồng chí - Đặng Thị Thanh Tùng cùng ông chia sẻ ngọt bùi gần 50 năm qua, đã về cõi vĩnh hằng. Dù không đi được nhiều nhưng với tâm trí dồi dào ông đang là “cha đỡ” nhiều tập sách về đề tài chiến tranh sắp được ra đời.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người con của rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO