Khi cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc chị Nguyễn Thị Thanh mất đi người mẹ yêu quý. Mười ba tuổi cha chị cũng hy sinh tại nhà đày Buôn Ma Thuột. Lòng nặng trĩu nỗi thù nhà nợ nước, 15 tuổi, chị bắt đầu theo cách mạng trong phong trào thiếu nhi, rồi đội Cứu quốc quân tại xã Duy Sơn.
Chị Nguyễn Thị Thanh (thứ 4, từ phải qua). |
Năm 1949, Nguyễn Thị Thanh được phân công làm công tác phụ nữ xã, cũng năm ấy, chị vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, rồi được điều làm cán bộ Liên hiệp Công đoàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1954, chị tiễn chồng xuống tàu tập kết ra miền Bắc; gạt nước mắt bồng con về quê chồng ở Điện Hòa, huyện Điện Bàn. Chị tần tảo nuôi con và tham gia cách mạng, làm giao liên cho Huyện ủy Điện Bàn. Lúc bấy giờ, những phụ nữ có chồng đi tập kết như chị trở thành đối tượng theo dõi, là mục tiêu tấn công của kẻ thù. Chúng không từ thủ đoạn nào, từ phỉnh phờ, gạ gẫm đến dọa dẫm, bắt bớ, khảo tra, gây hoang mang tư tưởng. Không những vượt qua những cạm bẫy ấy, chị còn tìm cách động viên những người cùng cảnh ngộ kiên quyết đấu tranh với địch. Suốt thời gian làm giao liên, hoạt động hợp pháp, nuôi giấu, bảo vệ cán bộ hoạt động bí mật trụ bám phong trào ở huyện Điện Bàn, chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Chị Nguyễn Thị Thanh (SN 1931, Duy Sơn, Duy Xuyên) là con của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Nguyễn Thành Hãn, một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Quảng Nam. Ông Nguyễn Thành Hãn bị địch bắt giam tại nhà đày Buôn Ma Thuột và bị địch sát hại sau “cuộc vượt ngục táo bạo” không thành vào đầu năm 1943. |
Mọi hoạt động của chị bị kẻ địch dòm ngó, chỉ chờ có cơ hội là chúng ra tay. Năm 1957, chị bị bắt giam ở nhà lao Hội An. Trong tù, bất chấp mọi thủ đoạn từ dụ dỗ, uy hiếp cho đến đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù, chị vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, không khai báo một lời. Cuối cùng, kẻ thù phải khuất phục chị. Vừa thoát khỏi nanh vuốt kẻ thù, chị lại lao vào công tác, làm Phó Bí thư Chi bộ thôn Quang Hiện, xã Điện Hòa. Thời gian này, chị nhận được nguồn động viên vô cùng to lớn của anh Hải, đó là một tấm bưu thiếp anh gửi vào từ miền Bắc báo tin vẫn mạnh khỏe, đang hăng hái học tập và mong sớm được trở về chiến đấu giải phóng quê hương.
Tháng 5.1959, chị lại bị bắt, bị giam ở nhà lao Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn. Cùng bị bắt lần này với chị Thanh là chị Lê Thị Hạnh (Hiếu), Bí thư xã ủy Điện Hòa (sau này là Hội trưởng Hội LHPN Quảng Đà, Phó Trưởng ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng). Tháng 1.1960, các chị được tổ chức bố trí vượt ngục. Khi vượt ngục cũng là lúc địch đang thực hiện Luật 10/59 lê máy chém khắp miền Nam. Chính quyền Mỹ - Diệm ráo riết lùng sục, bắt bớ những người mà chúng gọi là “Cộng sản nằm vùng” như chị Nguyễn Thị Thanh và Lê Thị Hạnh. Trước tình thế khó khăn đó, chị Thanh được Đảng quyết định chuyển vùng vào hoạt động tại Sài Gòn.
Vào Sài Gòn chưa được bao lâu thì bọn địch ở Quảng Nam đã cho quân lùng sục tìm bắt chị bằng mọi giá. Những cơ cực bắt đầu, ngay đến việc kiếm miếng ăn để mẹ con tồn tại qua ngày đã là một cuộc vật lộn gian nan. Có lúc chị tưởng không thể đứng vững nổi. Nhưng rồi, nghĩ đến cha, đến chồng, chị lại cắn răng bước tới. Suốt những ngày tháng ấy, chị thao thức đi tìm tổ chức Đảng, chị tin đã quyết tâm thì thế nào cũng sẽ tìm được. Năm 1960, chị gặp bác Bảy Thủ, cơ sở cách mạng ở Sài Gòn, từ đó chị được giới thiệu chị về Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Được sự giúp đỡ gia đình cô giáo Nhung, chị tìm cách móc nối, gây dựng cơ sở cách mạng rồi được cử làm Bí thư chi bộ tại Mỹ Luông.
Năm 1964 cũng là năm cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam đang lên cao trào. Xứ Quảng của chị đang từng bước đồng khởi, giành chính quyền ở nông thôn, đồng bằng. Phong trào cần có cán bộ, chị được Đảng điều trở về làm Hội trưởng Hội LHPN xã Điện Hòa. Trên cương vị đó, chị đã vận động, tổ chức lực lượng và góp phần lãnh đạo phong trào ở địa phương, đưa Điện Hòa trở thành xã đầu tiên được tuyên dương anh hùng trên đất Quảng Nam.
Trước đó, năm 1961, anh Hải trở về Nam, công tác ở cơ quan Tham mưu Quân khu V. Biết tin nhau nhưng vẫn chưa có cơ hội nào được gặp. Một lần, anh về vùng B Đại Lộc, định xuống Điện Hòa gặp mẹ con chị Thanh nhưng gặp lúc địch càn lớn, liên lạc báo không có cách gì đi được, hết hạn phép anh đành phải quay lên, hẹn lần sau gặp nhau ở Phú Gia. Anh lên Phú Gia, nóng ruột cồn cào, chiều nào cũng ra bờ sông, mỏi mắt ngóng về phương xa. Thế rồi, anh chị gặp nhau bên bờ sông. Hạnh phúc ngập tràn, niềm vui vô bờ bến khi gặp vợ và con trai. Rồi mỗi người lại vội vã trở về vị trí công tác bởi cuộc chiến đấu chung còn dài...
Đầu năm 1969, chị được bầu làm Hội trưởng Hội LHPN Đặc khu Quảng Đà, kiêm Bí thư Đảng ủy Dân vận đặc khu. Đây cũng là thời kỳ hết sức ác liệt sau Mậu Thân, kẻ thù điên cuồng phản kháng bằng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, cày trắng, xúc dân, đánh phá, tàn sát... trên khắp vùng đồng bằng xứ Quảng. Trên cương vị mới, chị lại lao vào công tác bám đất, giữ dân.
Giữa năm 1974, chị được cho ra miền Bắc chữa bệnh rồi học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Năm 1978, chị trở về tỉnh nhà trong tình hình mới: đất nước đã hoàn toàn giải phóng. Niềm vui đoàn tụ chưa được bao lâu thì chị lại tiễn chồng đi làm nhiệm vụ mới trong đoàn quân tình nguyện sang nước bạn Campuchia. Từ cuối năm 1979, chị là Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Hoàn thành nhiệm vụ ở Campuchia vừa về, anh Hải lại tiếp tục nhận nhiệm vụ quốc tế quan trọng khác ở đất nước anh em Cuba. Một lần nữa tiễn chồng đi làm nhiệm vụ ở phương trời xa, chị rơm rớm nước mắt: “Anh cứ yên tâm đi, công việc gia đình dòng tộc em ở nhà sẽ hết sức lo chu đáo. Anh đi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả là niềm vinh dự chung cho cả gia đình ta”.
Năm 1988, chị về hưu. Gần 60 tuổi, chị mới có được hạnh phúc gia đình sum vầy trọn vẹn, tuy muộn mằn nhưng thật đậm sâu. Chị lại dành thời gian, tâm huyết cho công tác xã hội như phong trào khuyến học, từ thiện... Mơ ước của chị là được thăm lại quê hương thứ hai của chị - xã Mỹ Luông, mảnh đất đã để lại cho chị kỷ niệm, nơi có những người đã đùm bọc, chở che chị hoạt động cách mạng trong những năm tháng khắc nghiệt nhất của cuộc chiến đấu.
Nhưng ước mơ của chị đã không thực hiện được. Tháng 6.1995, trên chuyến đi vào Nam, chị đột ngột lâm trọng bệnh và đây là chuyến đi cuối cùng của đời chị - một người phụ nữ nhân hậu, thủy chung.
NĂNG ĐÔNG