Bà Phụng thấy bọn “Quốc gia” nể nhà giàu, trọng người sang. Nhà bà cũng giàu nhứt nhì ở vùng này. Tương kế tựu kế, bà cho Tám Túc giao du với con bọn Hội đồng, bọn Quốc dân đảng, hùa theo tụi nó nói rặt giọng nhà giàu. Thời buổi ni buộc con người phải “đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Bà Phụng phải đánh bóng lại “bộ gió” của Tám Túc để thằng con trai duy nhất còn ở lại miền Nam của bà có điều kiện thuận lợi đảm nhận công việc quan trọng do Mười Chấp, Ngô Độ giao. Bà bán cái rẫy tranh “Hố Chuối”, dồn tiền đưa cho Tám ra Tam Kỳ lắp một chiếc xe đạp Peugeot, đóng giày da, quần tây, áo sơ mi tươm tất. Trong cái vỏ bọc quý tử, Tám đạp xe vô ra Tam Kỳ.
Một hôm vào cuối năm 1956, ông Mười Chấp đưa cho Tám một bì thư, bảo ra đầu cầu Tam Kỳ đưa cho ông Vĩnh Mậu. Ông dặn: “Tùy theo tình hình em chủ động xử lý, miễn là em đưa được thư này cho ông ta mà không bị lộ thân phận”.
Vĩnh Mậu giàu có nổi tiếng khắp vùng Tam Kỳ, nghe nói ông ta đã bắt tay với chính thể “Quốc gia”, theo Ngô Đình Diệm ra ứng cử Dân biểu thì làm sao đưa thư của một Bí thư Huyện ủy cho lọt. Ông Mười cũng thật liều, dám giao nhiệm vụ này cho một thanh niên mới trưởng thành, rủi địch bắt không chịu nổi khai lung tung vỡ hết cơ sở. Nhưng ông Mười đã tin, Tám phải làm cho bằng được. Tám cũng đã từng đưa thư của ông Mười cho một số cơ sở tại Tam Kỳ. Lúc đưa trực tiếp, lúc qua hộp thư trung gian. Thường xuyên nhất là hộp thư đặt tại một cái miếu nằm phía tây quốc lộ 1, ngay khúc quẹo phía nam đầu cầu Tam Kỳ. Mỗi lần ngang miếu, Tám xách theo một nải chuối hoặc gói bánh nhỏ, tay cầm nắm hương tạt vào thắp, quan sát xung quanh, cẩn thận giấu thư trong đáy bát hương rồi biến mất. Nhiều lần ra - về đều xuôi cả, lần này mới thật hóc búa. Nhà Vĩnh Mậu thì lạ chi, nhưng giáp mặt ổng nói sao để đưa thư. Nhà kín cổng cao tường, lỡ bị lộ sẽ thoát đường nào. Mọi ý nghĩ cứ mù mờ, rối rắm trong đầu Tám.
Sáng hôm đó Tám đạp xe đến cổng nhà ông Vĩnh Mậu thiệt sớm, nhà chưa mở cửa, người quét vườn đang dọn quanh sân. Anh gọi: “Cô ơi! Cho tui nhờ một tí”. Bà ta ra đứng ngay cổng. Cổng vẫn khép. Đứng phía trong cổng, bà lên tiếng: “Cháu nhờ chi rứa”. Tám rút cái bì thư đưa: “Dạ! Có ông thầy giáo nhờ tui đưa cái giấy ni cho thầy Vĩnh Mậu, cô đưa giúp tận tay cho thầy giùm. Cháu rất cám ơn cô!”. Bà ta thò tay cầm thư, Tám lịch sự chào, quay xe đạp đi ngay. Vài tháng sau, Tám lại đưa thư thứ hai của ông Mười Chấp cho Vĩnh Mậu. Đã động rồi, Tám rất đề phòng. Anh canh giờ cháu ông ta đi học về, giữ chân lại: “Em ơi, giúp anh đưa cái giấy ni cho thầy Vĩnh Mậu. Có một vị thầy chùa ở Non Nước, Đà Nẵng gửi cho thầy, em chuyển giúp. Cám ơn nghe!”.
Lần này Tám đạp xe nhanh ngược ra phía chùa Tịnh Độ, vào một nhà cơ sở thay quần áo, quay trở vào Kỳ Hưng, Kỳ Chánh..., tuốt về Kỳ Sanh. Trên đường, Tám rất lo sợ cảnh sát, thám báo chặn bắt. Chỉ cần một cú điện của ông Dân biểu là binh lính đứng dày đường. Không biết trong thư ông Mười nói cái chi mà lần thứ hai này Tám vẫn đi rất êm. Nghe nói ông Mười học không cao nhưng là người từng trải trên trường tranh đấu, mưu lược, ngón đòn chính trị cao thâm. Khi quyết định dùng Tám đưa thư cho nghị sĩ Vĩnh Mậu lần thứ hai là ông Mười đã lường các mối quan hệ riêng chung rồi. Ông nghe từ Đinh Thế Hiển, con rể Vĩnh Mậu, một cơ sở do ông gầy dựng rằng: “Ông già vợ tôi đồng ý về các vấn đề trong thư mà ông trao đổi”. Vì thế ông Mười mới bồi tiếp lá thư thứ hai. Làm việc chi ông Mười cũng hết sức cẩn trọng, chứ nỡ nào để Tám lao vào vòng nguy hiểm. Nhưng ông luôn cảnh giác, ở đời ai học hết được chữ ngờ. Ông dặn, Tám phải rất kỹ trong hành động, tinh nhạy trong quan sát, cẩn trọng và chính xác trong phán đoán tình thế...
Tháng 2.1958, Tám Túc nhảy núi, lên Hố Thượng theo Mười Chấp, Ngô Độ hoạt động bất hợp pháp. Hồi ở nhà, Tám Túc là giao liên mật, đạp xe luồn lách khắp các làng quê. Nhiệm vụ nguy hiểm, nhưng ra dáng con nhà giàu. Giờ đây, chàng quý tử của bà Phụng thôn Tám Kỳ Sanh phải theo các anh, các chú sống cảnh không nhà, chui rúc hang hốc. Quanh người toàn là cây, đá, gai bụi, rắn rết. Thò chân đâu cũng muỗi, vắt; rùng rợn với tiếng gầm thét của hùm beo; não ruột bởi tiếng hú của lũ vượn rừng. Mở mắt, bước khỏi võng là dốc ngược, dốc xuôi. Đói cơm lạt muối, mót sắn, bắt ốc đá, hái rau ranh, tàu bay, măng nứa, măng tre... ăn qua ngày. Thời ấy ta chưa có lực lượng vũ trang, chỉ có đội tự vệ, có cán bộ nằm vùng. Cả chiến khu huyện Tam Kỳ chỉ còn có 14 cán bộ thoát ly. Bọn Mỹ ngụy đã bắt sạch, giết sạch, đánh tan hầu hết cơ sở cách mạng ở phía đồng bằng. Bọn chúng còn gán cho những chiến sĩ cách mạng là “cộng phỉ”. Chúng truy tróc mọi nơi, treo giải thưởng mỗi cái đầu của “cộng phỉ” cả triệu đồng. Chúng vẽ tranh dán mọi nơi, tuyên truyền rằng: “Bảy tên cộng phỉ bu không gãy một cọng đu đủ”. Trung ương Đảng, Bác Hồ thì ở xa. Ngày thống nhất đất nước vời vợi mù tăm. Trời đất của xứ sở này tối đen như mực. Không khí lo sợ bao trùm lên khắp làng quê. Có lẽ, các anh là lớp thanh niên miền Nam đầu tiên dám dấn thân ngay từ cái thuở phôi thai nhất của công cuộc kháng chiến trường kỳ trên vùng đất Tam Kỳ - Núi Thành này.
Tám Túc, Út Sơn là người địa phương, khỏe mạnh, xông xáo nên được Ngô Độ điều đi bám, dẫn đường. Đi cơ sở rất nguy hiểm. Có mấy khi được đi đường mòn, đường quang. Ông Độ, ông Mười bắt phải băng đồng, dựa suối, vào ngõ, vào nhà phải kéo nhành lá xóa dấu chân. Bù lại, đi cơ sở gặp dân, dân trung kiên rất tình cảm. Họ xem cán bộ cách mạng như con em ruột thịt. Có gì cho nấy, họ cho ăn, cho xà phòng, thuốc tây, dầu gió, quần áo, dép su... Một hôm Ngô Độ kêu Tám Túc, Út Sơn xách đồ theo ông rời Hóc Ngựa, sát phía đầu trên thôn Tám Kỳ Sanh đi Khương Thọ, Kỳ Khương. Tám Túc nghĩ ngầm: “Ông hối đi kiểu này là đi công tác hay đi kiếm ăn đây”. Có thể cả hai đều là lý do chính. Mấy ngày nằm ở đây ăn toàn sắn, nóng cổ quá. Ở miết trong hang đói vàng mắt, thèm đủ thứ, nhứt là đường, thịt mỡ, mắm cái. Ông Độ chuẩn bị rồi, đi chuyến này chắc là nặng vai nhiều thứ.
Ba người cẩn thận lần qua thôn Tám, xuống đồi Cây Sơn, giáp giới giữa Kỳ Khương - Kỳ Sanh. Đến lưng chừng sườn đông đồi Cây Sơn, Tám Túc thấy trong người nôn nao, ngắt nhỏ Út Sơn: “Ông ngồi với ông Độ, tui lần xuống trước, có gì bất thường, mình tui dễ xử lý. Yên ổn, tui quay lại đón ông với thủ trưởng vào nhà bà Bán. Lần nào bà cũng cho ăn một bữa thiệt no còn đong gạo mang về. Bà là bạn của bà già tui. Tội nghiệp lắm!”.
(Còn nữa)
PHẠM THÔNG