Người con trung hiếu (Tiếp theo kỳ trước)

Truyện ký của PHẠM THÔNG 25/05/2016 08:57

  • Người con trung hiếu

Tám nói nhỏ nhưng ông Độ vẫn nghe, cười thầm: “Cái thằng Tám, mi cũng bày đặt quan trọng. Mấy năm trước có thằng lính nào đâu. Tự tau nghĩ tự tau làm cả. Tiếng là phó bí thư mà chung quanh chả có thuộc cấp, nhiều khi ở trong hang, trong lán một mình. Mấy ông kia cũng lớn tuổi, cũng thường vụ, cũng huyện ủy viên mà chẳng có lính. Lúc đi một mình, lúc đi đôi ba người thì Độ này cũng giành đi trước. Bây giờ mới có vài thằng lính mà chúng nó đã kê mình lên thành “quan” thiệt rồi. Thôi ít nhất cũng được trong cái giờ phút này. Hắn muốn vậy, mình cũng chiều để cho thỏa mãn cái “tinh thần cách mạng” của hắn...”. Suy nghĩ của ông Độ có chút hài hước, nhưng ông ngẫm lại “quả thực đó là sự tính toán nghiêm túc của một người lính”. Trong những thời khắc hiểm nguy, những chiến sĩ cách mạng luôn nhường sự sống cho nhau. Qua những lần như thế ông Độ càng tin, càng thương Tám, Sơn nhiều hơn.

Y như bài tập huấn kinh nghiệm già đời của Ngô Độ. Vừa tụt khỏi cánh rừng lúp xúp ven đồi, Tám Túc băng đồng, vạch rào, chui phía bếp vào nhà bà Hàn. Bà Hàn đắp chiếu rên hù hù, thấy Tám Túc ló người vào, bình tĩnh khoát tay, bấm nhỏ: “Tụi nó mới vừa ở đây, tui phải giả đau không tiếp chúng. Chú đi nhanh, tụi nó phục ngoài cổng chính, phía đường lên dốc kia kìa, nhanh lên!”.

Tám Túc chui ra khỏi rào. Một loạt súng nổ bên tai. Anh ém mình trong bụi rậm, nghe la rân trước nhà: “Việt cộng, Việt cộng”. Chúng bấm đèn pin: “Ô chết rồi! Ông Cân đóng cối xay bay ơi. Cái lão này đi đâu mà về tối, chết là phải. Quá giờ giới nghiêm bắn bỏ. Cứ đúng lệnh thi hành...”. Nói xong cả lũ quay đít, bỏ đi.

Tám Túc cẩn trọng trở lại đồi Cây Sơn. Ba người với ba cái bao bột mì lép kẹp đeo sau lưng, mang cái bụng đói rát rạt phía trước, quay về hố Dứa. Tám vừa đi vừa nghĩ: “Tội nghiệp cho ông Lê Cân đóng cối xay ở Khương Thọ. Ổng chết thế cho mình. Bọn tay sai Mỹ - Diệm coi mạng sống của người dân như cỏ rác. Tức thật, đợi đến bao giờ mới có lệnh nổ súng. Khi đó chúng tau sẽ bắn nát đầu tụi bay...”.

Nín thở mãi rồi cũng tới lúc bóp cò. Giữa năm 1959, Nghị quyết 15 Trung ương Đảng ra đời, chuyển giai đoạn cách mạng miền Nam từ hình thức đấu tranh chính trị sang đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang. Như thế có nghĩa là đã đến lúc phát lệnh nổ súng. Cả xã hội miền Nam như một cái lò xo bị nén bung ra. Đội Vũ trang tuyên truyền huyện Tam Kỳ được thành lập. Thanh niên từ các xã đồng bằng Tam Kỳ ào ạt nhảy núi. Và, lực lượng vũ trang huyện Tam Kỳ đã phát triển từ không đến có. Tám Túc trở thành một trong vài chục đội viên đầu tiên của lực lượng vũ trang huyện Tam Kỳ thời chống Mỹ. Tám Túc cùng đồng đội luyện tập ngày đêm, chờ ngày xuất kích.

Huyện ủy chủ trương, trước tiên phải tiêu diệt những tên ác ôn đầu sỏ nhất trong vùng nhằm mục đích: thứ nhất, dằn mặt, hạ uy thế địch, chứng tỏ cho chúng thấy rằng “Việt cộng” đã có mặt ở mọi nơi, buộc chúng phải luôn lo sợ, dao động hoang mang; thứ hai, mở thế kềm, khích lệ tinh thần quần chúng, lấy lại lòng tin trong dân, tạo điều kiện mở rộng thêm nhiều cơ sở cách mạng, chuẩn bị tạo đà để phát động quần chúng nổi dậy, trước hết là ở nông thôn, miền núi.

Ở Kỳ Khương có đại diện Phan Trân, dân thường gọi Chánh Ngoạn, là một tên cáo già nham hiểm, khét tiếng ác ôn. Từ năm 1955 đến nay lão ta đã gây biết bao tội ác, Chánh Ngoạn còn sống ngày nào thì dân Kỳ Khương còn khốn khổ, còn chết oan nhiều người. Hắn là số một, là tên đầu tiên cần trừng trị trên vùng đất phía Nam Tam Kỳ này. Đã ra quân phải giành thắng lợi. Ngô Độ chỉ đạo công tác điều nghiên hành trạng của Phan Trân hết sức kỹ càng. Hắn ra hội đồng, hắn trở về nhà lúc mấy giờ trong ngày; ăn mặc quần áo như thế nào; thường đi với những ai, có mấy thằng nghĩa quân đi kèm... Để chắc chắn, ông chọn phương án tiêu diệt tên này trên đoạn đường hắn từ cơ quan về tới sát nhà hoặc ngay cổng, ngay nhà. Ý nghĩa của trận đầu ra quân rất quan trọng. Tám Túc, Út Sơn là người lọt vào mắt ông Độ trước nhất.

Trong một đêm tháng 3.1960, Chánh Ngoạn tổ chức mít tinh tại cơ quan Hội đồng xã Kỳ Khương. Nhà Chánh Ngoạn kín cổng cao tường, nằm sâu phía đồng bằng, cách đường 1 không xa. Mặt khác từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, bọn chúng tưởng đã đánh phá sạch lực lượng Việt cộng. Đi đâu Ngoạn cũng khệnh khạng quay về ngủ tại nhà. Đây là thời cơ tiêu diệt tên ác ôn này. Bản án tử hình tên Chánh Ngoạn - Phan Trân đã có sẵn. Đúng 19 giờ, Ngô Độ lệnh cho toàn đội xuất kích.

Lực lượng của ta phân làm hai tổ. Tổ 1 gồm Út Sơn, Dương Tiên, Hai Huệ. Các đồng chí ấy nấp trong bụi cây ven đường, nằm phía dưới cổng nhà Chánh Ngoạn độ 50 mét. Tổ 2 gồm Ngô Độ, Tám Túc, đón lõng phía dưới. Hai tổ cách nhau 50 mét. Khoảng 20 giờ 30 phút, một người đàn ông từ hướng Hội đồng xã đi về phía nhà Chánh Ngoạn, có một phụ nữ xách đèn măng sông đi cùng. Tám Túc không nhìn rõ người đàn ông, nhưng thấy tướng đi nhướng nhướng hất hất về phía trước, anh ngắt nhỏ Ngô Độ: “Chính là lão ta. Người đàn bà xách đèn kia là vợ lão”. Tám giương súng, ông Độ cản: “Đèn chói quá. Bắn trúng vợ lão đấy. Không được bắn!”.

Vợ chồng Chánh Ngoạn lọt vào giữa hai tổ phục kích. Út Sơn biết ngay, bấm nhỏ Hai Huệ, Dương Tiên: “Chánh Ngoạn đó”. Cả ba xông tới. Dương Tiên nổ loạt tiểu liên ở cự ly hơn 3 mét. Ngoạn ngã chúi. Hai Huệ giương súng ngắn bắn bồi. Đạn kẹt. Vợ Ngoạn nhào tới nắm quần Dương Tiên, anh gạt phăng. Tất cả nhằm hướng Hóc Tú, bươn đồi, bươn đồng mà chạy.

Đến Hóc Tú, Ngô Độ bảo Tám Túc nằm chờ nắm lại tin chính xác. Biết đâu Ngoạn chưa chết, vì phát đạn bồi của Hai Huệ không nổ. Mãi 2 giờ chiều ngày hôm đó một người em họ Tám Túc đi cắt lá. Tám giáp mặt. Cô nói ngay: “Hồi hôm người mình về bắn chết ông Chánh Ngoạn rồi. Ở dưới kia chộn rộn lắm. Nhưng nghe nói Phan Toản, con trai ông ta bảo là nội bộ tranh chức thanh trừng nhau. Hồi 10 giờ sáng ni họ chở đâu ngoài Tam Kỳ về ba người, bịt mắt bắn chết ngay trước cổng Chánh Ngoạn. Không biết những người đó ở phe phái nào. Tui còn nghe người tin cẩn nói các đồng chí ấy là tù chính trị bị nhốt ở quận lỵ Tam Kỳ”.

Tám Túc biết chính xác Phan Trân đã chết, nhưng tâm trạng rối bời: “Biết đâu trong ba người ấy có mẹ, chị Bảy”. Có thể lắm chứ, thời buổi này chúng muốn giết, muốn để ai mà không được...

Sau khi Phan Trân chết, địch tăng cường kiểm soát các ngả đường. Từ vùng cao Xuân Bình, Phú Thọ, Tứ Mỹ đi miền xuôi phải qua ngã ba Truông Dài. Đại diện Kỳ Sanh - Phan Toại cho xây dựng Trại Thượng ngay điểm nút này. Trại Thượng vừa là nơi buôn bán giữa Kinh - Thượng vừa là trạm kiểm soát nhằm ngăn chặn việc tiếp tế cho “Việt cộng” ở thượng nguồn... Nắm chắc được ngày giờ Phan Toại đến cắt băng khánh thành Trại Thượng, Ngô Độ quyết định xuất quân tiêu diệt tên này. Ông trực tiếp lên sa bàn trận đánh: “Tổ 1 gồm Ngô Độ và hai bộ đội Khu 5 cử về công tác, chặn địch từ phía đầu dốc Truông Dài. Tổ 2 gồm Tín, Út Sơn, Hai Huệ phục trên đường thôn Bảy. Tổ 3 gồm Thứ, Phùng, Phi (Dương Tiên) đón ngả thôn Tám. Tổ 4 gồm Hùng Oai, Tám Túc trực tiếp diệt Phan Toại. Trọng trách này dành cho Tám Túc, người tường mặt Toại nhất”.

(Còn nữa)

Truyện ký của PHẠM THÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người con trung hiếu (Tiếp theo kỳ trước)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO