|
Vào lúc 2 giờ đêm, các tay súng ém quân tại các vị trí đã định. Tám, Hùng Oai ẩn trong bụi rậm sát đường, đối diện Trại Thượng. Từ 5 giờ sáng thương lái, đồng bào Kinh, đồng bào dân tộc ở các nóc đã kéo tới. Đúng 7 giờ 30 phút, lễ khánh thành bắt đầu. Toại nói vậy mà không làm vậy. Bà con nhân dân chờ ngày càng trưa vẫn chưa thấy lão ta tới. Họ nhốn nháo đòi bỏ về, đám người trong ban tổ chức ngăn cản. Đến 10 giờ 30 phút, đoàn xe đạp từ cơ quan Hội đồng xã kéo lên theo đường thôn 7. Các tay súng tổ 2 nằm yên, cho qua mặt. Dân ngồi trong trại lại nhốn nháo: “Ông đại diện tới, ông đại diện tới...”.
Pằng! Pằng! Pằng! Toại ngã sấp, xe đạp lăn kềnh. Súng nổ được 3 phát thì kẹt đạn, Tám rút dao găm xông tới. Từ phía sau, Hùng Oai bồi hai phát thompson. Tám Túc ngã quỵ. Hoảng đớm, Hùng chạy đỡ Tám. Cùng lúc, súng từ ba phía nổ tấp tới, đánh ép bọn dân vệ. Quá bất ngờ, rối loạn đội hình, bọn dân vệ vứt xe đạp chạy ra phía đồng trống. Trong đám dân chúng có cài sẵn người của ta, súng nổ họ liền hô to: “Hai bên đánh nhau, ta là dân cứ nằm sát đất, chạy vướng đạn chết ngay”. Ba mũi xáp lại, thấy ông Hùng đang loay hoay băng bó Tám Túc, tên Toại nằm chết sấp bên chiếc xe đạp. Phi cẩn thận lật coi có chính xác lão ta không.
Ông Độ nhẹ nhàng bảo Hùng Oai: “Ông bắn nó thì cõng nó...”. Ngô Độ tuyên truyền đôi ba câu rồi cho dân giải tán; thu dọn chiến trường, lệnh đốt trại; hô rút quân. Khi rút quân, các ông không quên mang về căn cứ gạo, muối, vải vóc của các thương lái tặng.
Hùng Oai cõng Tám Túc lên lưng chừng Truông Dài, mệt quá không đi nổi. Đồng đội của ông cũng vừa tới, chặt cây buộc võng khiêng. Tới Hố Trung trời tối sầm, đồng bào dân tộc xúm vô người rọi đèn, người kê vai khiêng, lên Hố Thượng đã nửa đêm. Vì máu ra quá nhiều, Tám Túc kiệt sức. Anh Sĩ y tá tiêm cho hai mũi trợ lực. Gọi là y tá, nhưng trong xách chẳng có thuốc. Cả căn cứ của huyện Tam Kỳ chỉ có một mình y tá Sĩ, chiến trường rất cần buộc anh phải trở về đơn vị.
Đồng bào không dám để Tám Túc nằm tại nóc, sợ có thương lái xấu bụng nhìn thấy. Họ che một cái chòi giữa núi cho Tám nằm. Đơn vị cắt anh Loan ở lại chăm sóc. Không thuốc, không đường, không sữa, chỉ uống nước sắc từ lá rừng do đồng bào hái và cháo loãng nấu từ gạo “bọc thép” của họ cho. Không biết nhờ sức trai hay trời nuôi, Tám Túc dần bình phục. Nửa tháng sau anh Loan lại đi. Phong trào rất cần anh. Muôn sự nhờ đồng bào giúp đỡ, cưu mang. Ra đi, anh nhìn Tám ở lại một mình rơi nước mắt.
Hai tháng sau, Tám Túc thử trườn xuống đất. Không thể được, xương lồi ra đâm vào thịt đau giật thót. Ngô Độ, Mười Chấp thấy Tám lết cũng không xong đề nghị cho ra Bắc. Tám Túc nhất quyết không đi. Các ông phải mời bác sĩ trên khu về mổ. Tháng 5.1961, bác sĩ Tùng đi bộ từ Nước Là, Tắk Pỏ về tới Hố Thượng mất ba ngày trời. Bác sĩ Tùng mổ, bó nẹp cố định, bắt Tám nằm yên tại chỗ. Hai tháng sau Tám Túc gượng dậy, đồng bào lấy vỏ cây rừng đập mềm buộc vào mông cho Tám lết rồi lần đứng dậy tập đi. Gần một năm đấu tranh với bản thân, vượt qua những cơn đau xé ruột và nỗi cô đơn cực độ, giờ đây hy vọng không bị loại khỏi vòng chiến đấu đã lóe lên trong đầu Tám Túc. Anh quyết tâm luyện tập. Và anh đã thực sự có khả năng trở lại vị trí chiến đấu.
Thời gian Tám Túc nằm trong góc núi thì ở ngoài kia phong trào cách mạng vụt lớn mạnh. Có lẽ tình hình diễn biến đúng như nhận định của ông Độ, ông Mười hay trong các khóa bồi dưỡng chính trị tổ chức trong hang đá, học viên chỉ có vài người mới rời cục đất ra đi như Út Sơn, Tám Túc: “Đó là bước nhảy vọt của một quá trình biến đổi từ lượng trở thành chất”. Cách mạng đã giải phóng thôn 10 Tứ Mỹ. Đây là vùng giáp ranh có người Kinh cư ngụ được giải phóng đầu tiên trên đất Quảng Nam - Đà Nẵng. Huyện ủy quyết định tách thôn 10 ra khỏi Kỳ Sanh, thành lập xã Tứ Mỹ do nữ đồng chí Trần Thị Hường còn có tên là Trần Thị Hồng Hoa làm Chủ tịch, bà Tân làm Bí thư Chi bộ. Tình hình vùng giải phóng mới mở ra phức tạp, các đồng chí là nữ sức yếu lại chưa có kinh nghiệm quản lý xã hội thời chiến với đầy đủ một hệ thống chính trị tại một địa bàn cụ thể nên vấp phải nhiều khó khăn. Tháng 2.1962, Ngô Độ quyết định đưa Tám Túc đang viết, in lito tại Văn phòng Huyện ủy về làm Bí thư xã Tứ Mỹ. Được sự tập trung chỉ đạo của Huyện ủy, Tỉnh ủy, Tám Túc ra sức học tập, vừa làm vừa học, xây dựng phong trào cách mạng tại Tứ Mỹ. Từ tháng 2.1962 mãi tới tháng 4.1965, Tám Túc cùng đồng đội đã góp phần xây dựng lên một mô hình quản lý xã hội ở cấp cơ sở đầu tiên tại vùng giải phóng sớm nhất Tam Kỳ, Quảng Nam. Có thể nói đây là thời gian có ý nghĩa nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của anh.
Tháng 5.1965, Mỹ đổ bộ vào Chu Lai. Chiến tranh tại Nam Tam Kỳ trở nên vô cùng ác liệt. Mỹ thường xuyên oanh tạc, hành quân càn quét vào vùng rừng núi phía tây Chu Lai nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của quân giải phóng từ xa. Tứ Mỹ không còn là an toàn khu nữa, thương binh Tám Túc không còn thích hợp với giai đoạn chiến đấu mới tại vùng giáp ranh này. Anh được điều về khu, sau đó trở lại tỉnh tiếp tục công tác...
Do bị thương, Tám Túc đi cà thọt. Ở chiến khu thời đó mọi người đều gọi anh là Tám Xẹo. Gọi riết lâu ngày người ta quên luôn cái tên Tám Túc của anh. Thế nhưng Tám Xẹo vẫn kiên cường trụ bám, hồn nhiên vắt mình theo những con đường kháng chiến hiểm trở trên miền núi Quảng Nam cho mãi đến ngày toàn thắng.
Bây giờ Tám Túc đã trở thành ông già tám mươi tuổi. Ngẫm lại, chiêm nghiệm lại cuộc đời, ông tâm sự: “Hành trang của tôi ra đi làm cách mạng trong thời kỳ đen tối nhất ấy là đã tận mắt nhìn thấy sự đàn áp vô cùng dã man của kẻ thù đối với bà con quê hương, đối với gia đình. Và thấm sâu hơn cả là lời dạy của mẹ: Còn Đảng, còn cách mạng là quê hương mình còn, gia đình mình còn. Dù phải nhà tan cửa nát thì cả gia đình mình cũng phải theo Đảng, theo Bác Hồ, theo cách mạng đến cùng để đem lại quyền lợi cho người nghèo, cho dân tộc. Tau có chết đi thì các con cũng phải luôn khắc ghi tận xương cốt chân lý đó...”. Và ông tiếp tục, pha chút tự hào: “Đã đến tuổi cuối đời, tôi có thể thắp hương thưa với hương hồn của mẹ tôi rằng: Con đã báo hiếu được với mẹ. Tám Túc này đã thực hiện trọn vẹn lời dặn dò của mẹ. Mai sau có theo ông bà thì con cũng đầy đủ tư cách là một đứa con hiếu thảo được nằm trong nghĩa trang gia đình có cả ba đời vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân”.
Truyện ký của PHẠM THÔNG