Ngày mai 9.8, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng và Huyện ủy Đại Lộc phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ”, nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của ông (9.8.1914 - 9.8.2019). Hội thảo nhằm làm rõ hơn đóng góp của Huỳnh Ngọc Huệ cho phong trào cách mạng, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng.
Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc, Đại Lộc luôn là mảnh đất kiên cường, trung dũng, là nơi khởi xướng nhiều phong trào đấu tranh cách mạng. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Đại Lộc là một trong những căn cứ của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam, là nơi khởi xướng phong trào chống thuế miền Trung năm 1908, làm rung chuyển bộ máy thống trị của thực dân, phong kiến đương thời. Nhiều người con của quê hương Đại Lộc đã có đóng góp to lớn cho phong trào cách mạng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ là một trong số những nhân vật tiêu biểu đó.
Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ sinh ngày 9.8.1914 trong một gia đình nông dân ở địa phương có truyền thống cách mạng - làng Mỹ Hòa, tổng Mỹ Hòa (nay thuộc xã Đại Hòa, Đại Lộc). Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân sống khổ cực dưới sự áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, ngay từ nhỏ Huỳnh Ngọc Huệ đã sớm hình thành và nuôi dưỡng lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc sâu sắc. Năm 20 tuổi, Huỳnh Ngọc Huệ từ giã quê hương, quyết tâm theo đuổi sự nghiệp học hành để giúp dân, giúp nước. Ông thi vào Trường Kỹ nghệ thực hành Huế. Học giỏi, lại có khả năng truyền thụ tốt nên ông được giữ lại trường làm giáo viên. Đây cũng chính là nơi đặt nền móng cho sự nghiệp cách mạng của ông sau này.
Cuối năm 1937, Huỳnh Ngọc Huệ cùng các đồng chí Tố Hữu, Đào Duy Dzếnh được cử làm đại diện cho Đoàn Thanh niên dân chủ trong nhà trường và hội hướng đạo, làm thư ký Hội Ái hữu Trường Kỹ nghệ thực hành Huế và Bí thư chi bộ nhà trường. Năm 1939, ông bị địch bắt. Trong quãng thời gian tham gia hoạt động cách mạng, ông luôn thể hiện được dũng khí của một người chiến sĩ kiên trung, bất khuất. Dù khó khăn, gian khổ bởi những thiếu thốn của cuộc kháng chiến, hay sự tra tấn dã man của nhà lao thực dân cũng không làm ông suy giảm ý chí chiến đấu.
Ở Huỳnh Ngọc Huệ luôn toát lên tinh thần hiên ngang, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh vì độc lập tự do cho dân tộc, vì hòa bình cho đất nước. Bị địch bắt, giam cầm tại nhiều nhà lao trong gần 7 năm (nhà lao Đăk Glei, Đăk Tô, Thừa Phủ, Hỏa Lò, Đà Nẵng) thì có đến 2 lần ông cùng đồng đội tổ chức vượt ngục thành công, tiếp tục móc nối để xây dựng cơ sở, xây dựng phong trào ở địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng. Có những lúc phải băng rừng, lội suốt hàng chục ngày, đói rét, nguy hiểm luôn rình rập xung quanh song với ý chí kiên cường, ông đã vượt qua tất cả để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp cách mạng.
Trong suốt thời gian tham gia cách mạng, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau. Từ một học sinh cho đến giáo viên Trường Kỹ nghệ thực hành Huế, sau này trở thành Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Phó Bí thư Khu ủy 5, đại biểu Quốc hội khóa I Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Dù ở cương vị nào, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ cũng luôn thể hiện tinh thần ham học hỏi, sự nỗ lực không ngừng nghỉ và lòng nhiệt huyết với công việc, với nhiệm vụ được giao. Đồng chí luôn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và sẵn sàng giúp đỡ đồng chí, đồng đội trong công việc và trong cuộc sống đời thường. Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ là tấm gương sáng ngời về bản lĩnh chính trị, về đạo đức cách mạng cao cả, về trí tuệ, về phong cách làm việc.
Đại Lộc tự hào là quê hương, là nơi chôn nhau cắt rốn của người chiến sĩ cộng sản kiên cường Huỳnh Ngọc Huệ. Tấm gương hết lòng vì phong trào cách mạng của ông đã được nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên huyện Đại Lộc học tập và noi theo. Những cống hiến của ông cho phong trào cách mạng đã được Đảng bộ, cán bộ và nhân dân huyện Đại Lộc tiếp tục kế thừa và phát huy trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Phát huy tinh thần cách mạng, sẵn sàng chiến đấu và vượt lên mọi khó khăn, gian khổ của chiến sĩ cách mạng Huỳnh Ngọc Huệ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đại Lộc ra sức phấn đấu, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm xây dựng quê hương Đại Lộc; cùng cả tỉnh, cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.