Người con ưu tú đất Quế Hiệp

Truyện ký của PHẠM THÔNG 09/10/2013 09:46

Giữa chiến trường khốc liệt, sống chết luôn cận kề, nhưng Võ Quốc Dĩnh - một Bí thư xã, một thanh niên mới chớm tuổi hai mươi, ở một vùng bán sơn địa nhỏ hẹp đã có “tầm nhìn xa”. Võ Quốc Dĩnh thường tâm sự với anh em trong đội công tác Sơn Trung (xã Quế Hiệp, Quế Sơn ngày nay) rằng: “Cuộc kháng chiến nhất định thành công. Lúc đó, những người anh em của chúng ta đang được cử đi học tập ở miền Bắc sẽ trở về đảm nhận nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới. Còn chúng ta, người nào sống được sau cuộc chiến này thì cũng phải học tập rất nhiều mới có thể tiếp tục tham gia công cuộc xây dựng đất nước trong thời bình...”. Gọi là “tầm nhìn”, nhưng chỉ là sự manh nha nhận thức về một xã hội mới. Và đó là chuyện của ngày mai.

Cha của Võ Quốc Dĩnh là ông Võ Tấn, cán bộ kháng chiến chống Pháp, năm 1954 đi tập kết miền Bắc rồi trở lại miền Nam rất sớm. Ông được phân công về hoạt động tại vùng trung Quế Sơn. Năm 1960, từ hang Gấu nằm sâu trong Hòn Tàu, Võ Tấn lần về Nghi Thượng, Nghi Trung... móc nối cơ sở, Ông bị bọn nghĩa quân Sơn Trung phục kích bắn chết tại Đồng Cọng thuộc thôn Nghi Sơn. Phạm Súy - tên ác ôn nổi tiếng Sơn Trung biết mặt Võ Tấn, hắn cho lính kéo xác về xóm Giữa thôn Nghi Trung, rồi bắt mẹ, vợ và con trai Võ Tấn đưa tới để tận mắt nhìn thi thể người ruột thịt bị hành hạ. Võ Quốc Dĩnh bị tên Súy xô ngã sấp vào thi thể đã nát bươm của cha. Hắn hòng bắt một đứa trẻ con phải phát khiếp, không dám nuôi mầm cộng sản. Hình ảnh thân xác người cha bị kẻ thù hành hạ như vết dao cứa sâu vào tâm trí tuổi thơ Võ Quốc Dĩnh. Và, anh lớn lên cùng với mối thù nhà sâu đậm.

Sơn Trung ở sát phía đông nam chân núi Hòn Tàu. Trong chống Mỹ, Sơn Trung nằm trên đường dây huyết mạch của lực lượng cách mạng từ rừng núi Trường Sơn tiến về đồng bằng. Những cái tên Nghi Sơn, Đồng Lùng, Lộc Đại, đèo Đá Trắng, hang Mũi Thuyền... đã in đậm trong ký ức nhiều chiến sĩ cách mạng. Những người kháng chiến thường ví von rằng Sơn Trung như cái đòn gánh hai đầu đông và tây Quế Sơn. Vì thế đây là trọng điểm giành giật từng tấc đất giữa ta và địch. Đầu năm 1965, Sơn Trung được giải phóng cùng với hàng loạt xã thuộc vùng trung Quế Sơn. Lúc này, Võ Quốc Dĩnh mới mười ba tuổi, nhưng cũng đã đủ lớn để theo mẹ, theo bà đi cắm chông, cảnh giới địch. Dần dà cùng với những trận chạy càn, nấp pháo và chứng kiến biết bao tội ác của giặc gây ra tại vùng giải phóng đã tôi luyện, hun đúc ý chí chàng thiếu niên Võ Quốc Dĩnh. Năm 1967, lúc mười lăm tuổi anh trở thành du kích thôn Nghi Thượng. Đầu năm 1968 anh được điều lên làm Văn thư xã; cuối năm 1968 làm đội viên An ninh vũ trang xã; năm 1969 làm Bí thư xã đoàn; năm 1970 làm Trưởng An ninh xã; tháng 9 năm 1971, Võ Quốc Dĩnh thay thế người tiền nhiệm Trần Trượng giữ chức Bí thư Chi bộ Sơn Trung kiêm Chính trị viên xã đội.

Võ Quốc Dĩnh là một cán bộ chủ chốt rất năng nổ, xông xáo và mưu lược, tên tuổi luôn gắn với phong trào cách mạng Sơn Trung. Anh đã trực tiếp tổ chức, chỉ huy du kích đánh tập kích theo lối đặc công tiêu diệt địch ở rất nhiều trận. Tháng 3.1971, đánh cứ điểm Đồng Trước, nằm phía đông bắc dãy Động Mông - Đá Hàm, tiêu diệt một trung đội lính ngụy. Tháng 8.1971, tiến công tiêu diệt bọn địch đóng ở đồi Đồng Cỏ còn gọi là “Da-mốc-xa”. Năm 1972, đánh bọn địch đóng ở dương ông Bè, thuộc địa phận Lộc Đại. Năm 1973, đánh chiếm đồn Hòn Giang được một ngày hai đêm...

Chiến tranh đã lùi xa, ngày nay về Quế Hiệp (Sơn Trung cũ), tìm gặp người cùng thời, nhắc tới Võ Quốc Dĩnh, ai cũng tôn vinh anh với rất nhiều chiến công. Nhưng thời gian đã hun hút trôi, chi tiết cụ thể của từng trận đánh đã bị đứt gãy trong trí nhớ, duy cái trận anh hạ gục chiếc tàu gáo và trận đánh bọn Đại Hàn thì nhiều người có thể kể lại rành rọt.

Năm 1971, dân trụ bám Sơn Trung còn lại rất ít. Ở trong làng, bom pháo của địch cày xới nát đất, họ phải tạt lên các mé núi che lều, đào hầm ẩn náu. Dân Nghi Trung cũng tấp lên dương Đồng Cỏ đào hầm tá túc. Hôm ấy, sau khi đi công tác ở khu dồn Gò Đồng Mặt về, phần lớn anh em Đội công tác Sơn Trung ghé lại hầm nhà ông Phước, ở lưng sườn Hòn Cỏ nhờ ngủ nghỉ. Khoảng 9 giờ sáng, 9 đồng chí du kích chui dưới những tán lá của đám rừng còi quanh hầm ông Phước. Sau một đêm thức trắng trên đường công tác, các đồng chí vừa ngả lưng lim dim mắt thì một chiếc L19 quần riết, phía trên cao hơn có hai chiếc “cá lẹp” (loại trực thăng chiến đấu) lờn vờn. Thấy hiện tượng khả nghi, Võ Quốc Dĩnh giục đồng đội xuống hầm, đề phòng máy bay thả bom. Riêng anh cùng Xã đội trưởng Ngô Viết Tường ngồi ở miệng hầm trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Thấy hai chiếc “cá lẹp” quần đảo trên cao, Quốc Dĩnh nhận định: “Loại máy bay này luôn đi kèm với bọn tàu gáo. Có thể tàu gáo sẽ đến chụp lưới bắt sống hoặc ném lựu đạn, thả hơi ngạt, quét đại liên tiêu diệt, một khi chúng phát hiện chính xác nơi đối phương ẩn náu”. Ý nghĩ vừa thoáng qua đầu Bí thư Dĩnh thì một chiếc tàu gáo từ phía đường 105 luồn theo các khe núi, men lên sườn đồi Đồng Cỏ, lướt qua khu vực hầm ông Phước, bất ngờ đảo ngược trở lại, quay tít, đứng sựng cách miệng hầm độ bốn năm mét. Nhanh như chớp, hai người cùng lúc siết cò. Chiếc tàu gáo ăn gọn hai băng AK, bốc cháy. Theo đà, hắn lao về hướng tây, rớt ngay cánh đồng sát chân Rừng Cấm làng, cách hầm ông Phước độ 300 mét.

Cùng lúc, 9 đồng chí du kích vọt khỏi hầm chạy xuống phía chân đồi. Bọn “cá lẹp” lập tức nhào tới phóng rốc kết. Tiếp đến là máy bay phản lực, hết tốp này đến tốp khác chúi xuống thả bom tạ, bom xăng hủy diệt cả một vùng rộng lớn phía sườn tây và tây bắc dương Đồng Cỏ. Khói lửa bời bời bao phủ cả một vùng rộng lớn tưởng chừng như con chồn, con chuột cũng khó mà thoát chết. Mãi tới 2 giờ chiều, sau khi máy bay cần cẩu đưa được chiếc tàu gáo bị bắn về hướng núi Quế, địch mới hết bắn phá khu vực Nghi Trung.

Trong thời khắc vô cùng khốc liệt, các đồng chí chạy tứ tán. Người ẩn vào hốc đá, kẻ chui xuống hầm cá nhân... Đúng 9 giờ đêm, anh em cán bộ, du kích Sơn Trung tập trung tại hầm bà Anh - một trong những điểm hẹn đã quy định trước mỗi khi có sự cố. Lúc này Bí thư Dĩnh mới biết đồng đội của anh còn sống trọn vẹn. Họ ôm nhau mừng rơi nước mắt.

(Còn nữa)

Truyện ký của PHẠM THÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người con ưu tú đất Quế Hiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO