Người con ưu tú đất Quế Hiệp (Tiếp theo và hết)

Truyện ký của PHẠM THÔNG 10/10/2013 08:16

  • Người con ưu tú đất Quế Hiệp

Cũng vào năm 1971 này, bọn lính Đại Hàn đổ quân từ dương Ông Bè - Lộc Đại đến dương Động Cỏ - Nghi Trung, cắt đôi địa bàn Sơn Trung. Từ các chốt điểm, lính Đại Hàn tràn xuống làng xóm hung hăng lùng sục cướp bóc. Theo dõi kỹ mọi hành động của địch, Võ Quốc Dĩnh chủ trương đánh địch bằng “lính không cơm”. Có nghĩa là đánh bằng lựu đạn chứ không lấy người đánh địch. Anh cho du kích cải tiến lựu đạn M26, cẩn thận mở chốt gài trong các bao lúa, bao gạo, đặt dưới hũ mắm và vật dụng khác được cất giấu trong khắp các vườn nhà. Vị trí có gài lựu đạn đều được bí mật thông báo cho tất cả du kích, cán bộ và người dân trụ bám biết. Như mọi lần, bọn lính Đại Hàn tràn xuống là tỏa đi giở hũ, kéo bao lục tìm như bản năng vốn có. Chúng lục sạo tới đâu thì lựu đạn nổ tung tới đó. Chỉ trong một tháng, lựu đạn tự động nổ đã tiêu diệt 78 tên địch. Bọn Đại Hàn hoảng hồn phải bỏ các chốt dã chiến rồi cút thẳng xuống phía đồng bằng. Cho tới thời điểm này, cách đánh giặc bằng “lính không cơm” của Bí thư Dĩnh là hết sức độc đáo. Và hình như kiểu đánh ấy không hề trùng lặp. Đó là sản phẩm sáng tạo bất ngờ của một con người luôn hết lòng vì dân mà buộc phải “nhất dạ sinh bá kế” đấy thôi...

Bí thư - Dĩnh không chỉ giỏi chỉ đạo đánh giặc, anh còn là một con người điển hình ở cơ sở về thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng và Mặt trận Dân tộc giải phóng. Anh rất chú ý xây dựng cơ sở, thường xuyên dẫn Đội công tác luồn sâu vào các khu dồn để vận động quần chúng, bí mật giành từng người dân trong các khu dồn. Tháng 8.1972, bộ đội chủ lực của ta tấn công quận lỵ Quế Sơn, đám nghĩa quân hoang mang bỏ khu dồn chạy vào các cứ điểm cố thủ. Nhân cơ hội đó, 40 hộ dân Sơn Trung theo sự hướng dẫn của Đội công tác thoát khỏi khu dồn trở về vùng giải phóng. Bí thư Dĩnh còn rất quan tâm công tác binh địch vận. Anh đã tổ chức móc nối, xây dựng nhiều cơ sở trong lòng địch. Từ những nguồn tin của cơ sở nội tuyến, ta biết trước được kế hoạch các cuộc hành quân càn quét của địch để tổ chức lánh trớ hoặc đánh chặn gây cho chúng nhiều thương vong bất ngờ...

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bí thư Dĩnh, thời khắc sôi động nhất, gấp gáp nhất có lẽ là những ngày anh chỉ đạo cuộc tranh đấu cắm cờ giành đất sau khi Hiệp định Pa-ri có hiệu lực. Quốc Dĩnh huy động toàn bộ lực lượng cách mạng tại xã Sơn Trung chia làm bốn tổ: Hai tổ cắm cờ; một tổ sẵn sàng đánh địch khi chúng phản bội tấn công vùng giải phóng; một tổ làm công tác binh vận. Phân công là vậy, nhưng các tổ đều có thể kết hợp làm tất cả các khâu công tác khi cần thiết.

Việc tổ chức mua vải, may cờ, làm cán, đào hố trồng cột cờ... được chỉ đạo chuẩn bị từ trước. Đúng giờ G, trong đêm tối tất cả bí mật tiếp cận các mục tiêu định trước. Riêng Bí thư Võ Quốc Dĩnh đã vào sát đồn Hòn Giang. Sáng ra bọn lính ngụy thất thần, vì bất ngờ đập vào mắt chúng lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng bay phấp phới sát hàng rào thép gai vây quanh đồn. Bản chất của kẻ địch là ngoan cố, chỉ sau mấy ngày im lặng chúng lập tức nổ súng bắn rách cờ, nã cối pháo gãy cột cờ của đối phương. Nhưng Bí thư Dĩnh vẫn kiên trì chỉ đạo thực hiện các điều khoản của hiệp định tại địa phương. Thông qua các chị các mẹ, các cô thanh thiếu nữ tiếp xúc, vận động tên Trung úy Thành - Chỉ huy trưởng đồn Hòn Giang xuống Rừng Xóm (một địa điểm do ta quy định thuộc địa phận Sơn Trung) gặp anh Võ Thiểu là cán bộ Binh vận tỉnh cử về chi viện Sơn Trung để cùng thương lượng ngừng bắn cục bộ. Trong đó cụ thể là địch ngừng bắn cối, pháo vào làng; để nhân dân hai vùng do ta và địch kiểm soát đi lại, quan hệ mua bán hàng hóa thiết yếu; tự do ra đồng sản xuất... Ta cũng thực hiện một số điều khoản do địch yêu cầu như không pháo kích, bắn tỉa vào đồn; không chặn đường tiếp viện lương thực, thực phẩm đến Hòn Giang...

Trong những ngày này không khí đối thoại, tranh chấp giữa địch và ta thật sôi động và quyết liệt. Đồng chí Quốc Dĩnh chỉ đạo cán bộ binh vận xã hết gọi loa thương lượng lại hát vang lên những bài ca khơi dậy tình dân tộc, nghĩa đồng bào, trách nhiệm đối với gia đình quê hương để thuyết phục binh sĩ. Kết hợp nhiều phương thức vận động; qua nhiều lần hai bên gặp mặt, Trung úy Thành chấp nhận các điều kiện của ta. Từ đó không khí chiến tranh tại Sơn Trung lại tạm thời lắng xuống. Nhân thể, một số bà con trụ bám đánh bạo tụ tập tại xóm Váy, sát chân Hòn Giang để mua bán, trao đổi hàng hóa với nhân dân sống trong vùng địch chiếm đóng. Một cái chợ thời chiến tự động mọc lên tại đây. Cái khoảnh khắc bình yên này thật vô cùng quý hiếm đối với người dân Sơn Trung đã phải liên tục đội bom đạn suốt cả chục năm trời. Họ cảm thấy sự sống như được hồi sinh. Nhưng Quốc Dĩnh không hề chủ quan, anh thường nhắc nhở với cán bộ cốt cán: “Các đồng chí phải luôn cảnh giác, phía sau sự yên bình là những âm mưu. Lịch sử chiến tranh đã cho ta bài học này. Chúng ta phải luôn sẵn sàng chủ động tấn công, một khi chúng phản trắc...”. Đúng như nhận định của Bí thư Dĩnh, ngày 28.2.1973 địch phát lệnh thực hiện chiến dịch “Tràn ngập lãnh thổ”, cho bộ binh tấn công lấn chiếm vùng giải phóng. Chiến trường Sơn Trung lại trở nên ác liệt. Đến lúc này mọi cố gắng duy trì sự yên bình vô cùng quý giá ấy đều không thành. Tháng 4.1973, Bí thư Dĩnh chỉ đạo tấn công tiêu diệt đồn Hòn Giang...

Năm 1974, Võ Quốc Dĩnh cùng hai đồng chí trong Đội công tác đã luồn sâu, nằm lâu tại khu dồn gò Đồng Mặt thuộc địa phận Sơn Thượng để vận động quần chúng. Anh bị địch phục kích và hy sinh trong một đêm tối trời của ngày 6.6.1974. Anh hy sinh trong lúc đi tìm dân để bắt nối cơ sở, để giữ lửa cách mạng trong mỗi con người...

Đi về Quế Hiệp để sưu tầm tư liệu chiến tranh, tôi tìm gặp anh Phạm Đình Ba - người bạn chiến đấu thân thiết của Bí thư Võ Quốc Dĩnh. Cố chắp nối ký ức về những tháng năm chiến đấu hy sinh đã lắng đọng sâu thẳm nơi tâm trí, anh Đình Ba trân trọng nói về đồng chí của mình: “Võ Quốc Dĩnh là một chiến sĩ cách mạng dũng cảm, đầy bản lĩnh, nhưng rất nhạy cảm, thường đưa ra quyết định phù hợp với những tình huống cụ thể. Anh có năng khiếu vận động, thuyết phục quần chúng. Mỗi lần đi lãnh hội chủ trương, nghị quyết của cấp trên, bằng trí nhớ bẩm sinh tuyệt vời của mình, anh đã truyền đạt trở lại cho đảng viên và nhân dân gần như nguyên vẹn. Đồng chí rất xứng đáng được tôn vinh là người con ưu tú của đất Quế Hiệp”.

Truyện ký của PHẠM THÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người con ưu tú đất Quế Hiệp (Tiếp theo và hết)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO