(QNO) - Với mối thâm tình Quảng Nam - Thanh Hóa, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 70 anh hùng Nguyễn Thế Nhí đã sống trọn cuộc đời nơi quê hương thứ hai xứ Quảng.
Chân dung Tiểu đoàn trưởng
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, năm 1962 - khi đang ở độ tuổi 22, chàng trai Nguyễn Thế Nhí làm đơn tình nguyện gia nhập quân đội và xin được vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Qua 3 năm được đào tạo sĩ quan, chuẩn úy Nguyễn Thế Nhí được điều động về đơn vị Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 90, Sư 330 chiến đấu tại Quảng Trị và Huế từ năm 1965 - 1968. Năm 1966, Nguyễn Thế Nhí vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 70 Nguyễn Thế Nhí chỉ huy đánh vào khu dồn Đại Trị, xã Bình Phú năm 1972. Ảnh tư liệu gia đình. |
Năm 1969, giữa lúc cuộc chiến chống đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt tại chiến trường Quảng Nam, Thượng úy Nguyễn Thế Nhí có nguyện vọng được vào chiến đấu tại tỉnh kết nghĩa Quảng Nam. Năm 1971, ông được điều động giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 70 thuộc Tỉnh đội Quảng Nam.
Với vai trò Tiểu đoàn trưởng, Đại úy Nguyễn Thế Nhí đã tổ chức nhiều trận đánh địch mưu trí dũng cảm, lập được những chiến công xuất sắc tại chiến trường Quảng Nam như: Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước, Núi Thành…góp phần giải phóng hoàn toàn Quảng Nam - Đà Nẵng. Tiêu biểu là trận đánh vào thị xã Tam Kỳ vào lúc 5 giờ sáng 23.5.1972 tiêu diệt điểm chốt Dương Côn. Đây là điểm án ngữ vòng ngoài bảo vệ thị xã Tam Kỳ. Sau hiệu lệnh của Tiểu đoàn trưởng, hỏa lực ĐKZ-75, cối 81, trọng liên 12 ly 7 đồng loạt gầm lên. Đạn ĐKZ đánh sập các lô cốt địch, cối 81 phá tung các ngôi nhà bọn địch đang say ngủ. Diệt được chốt Dương Côn góp phần mở toang cánh cửa hành lang phía tây, tạo thuận lợi cho đường tiếp tế vận chuyển của quân ta. Tháng 6.1972, ngọn lửa tiến công của đơn vị đã lan tỏa tới cứ điểm Gò Dài và khu dồn Đại Trị xã Bình Phú, giải phóng nhân dân các xã của Thăng Bình về làng cũ làm ăn.
Mùa xuân năm 1975, sau đợt huấn luyện chiến thuật mới hiệp đồng binh chủng, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thế Nhí tổ chức cho Tiểu đoàn 70 lễ ra quân giải phóng khu dồn Hưng Mỹ và liên tục từ ngày 17, 18 và 19.3 giải phóng Chợ Được, Bình Giang và Bình Dương. Sáng 23.3 Tiểu đoàn 70 được lệnh tấn công địch giải phóng vùng đông Thăng Bình, tuyến phòng thủ phía đông của địch bị đập tan. Sau khi giải phóng Thăng Bình và Tam Kỳ, các cánh quân do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thế Nhí chỉ huy đánh vào căn cứ Núi Quế làm chủ trận địa pháo của địch và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng Hà Lam.
Đất nước thống nhất, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thế Nhí lại được điều động về Trung đoàn 96 Quân khu 5, rồi tham gia quân tình nguyện tại Campuchia từ năm 1977 - 1983 và nghỉ hưu năm 1987 ở tuổi 47 với quân hàm Trung tá.
Mối tình Thanh - Quảng
Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thế Nhí giờ đã bước sang tuổi 75 nhưng ký ức về những năm tháng chiến đấu hào hùng nơi chiến trường Quảng Nam vẫn in đậm trong ông. Ngoài lý tưởng tuổi trẻ, tình yêu với cô gái Quảng Phan Thị Được là sợi chỉ gắn kết cuộc đời ông với quê hương thứ hai này. Hòa bình lập lại, ông chọn quê vợ là xã Bình Dương để tiếp tục cuộc sống mới.
Ông Nguyễn Thế Nhí (bên phải) kể chuyện đời mình. |
Năm 1990, khi chủ trương thành lập Hội Cựu chiến binh huyện và xã được triển khai, lãnh đạo huyện Thăng Bình động viên ông tham gia vào Ban chấp hành Hội Cựu Chiến binh huyện. Riêng những ngày đầu thành lập Hội Cựu chiến binh xã Bình Dương đầy khó khăn. Trên chiếc xe đạp cũ kỹ, ông lặn lội khắp các thôn trong xã để tìm hiểu danh sách sĩ quan từ cấp thượng sĩ trở lên từng tham gia chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ rồi vận động các cựu chiến binh vào tổ chức hội. “Cuộc sống những năm 1990 còn rất thiếu thốn, nhiều cựu chiến binh sống trong cảnh nghèo khó nên không muốn tham gia vào tổ chức hội, vì còn phải lo cho kinh tế gia đình. Không nản lòng, tôi kiên trì thuyết phục được 46 cựu chiến binh trong toàn xã đồng tình vào hội”. Tại đại hội Hội Cựu chiến binh xã Bình Dương lần thứ nhất, nhiệm kỳ 1990 - 1994, ông Nguyễn Thế Nhí được bầu làm Chủ tịch Hội.
Sau nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, ông được lãnh đạo xã và nhân dân tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã 2 nhiệm kỳ liên tục 1994 - 1999 và 1999 - 2003. Thời gian này, phong trào mặt trận của xã Bình Dương không ngừng đi lên. Với kết quả trên, ông Nhí được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác mặt trận.
Ở tuối xế chiều, cuộc sống gia đình của người con xứ Thanh Nguyễn Thế Nhí luôn đầm ấm. Giờ đây, đôi mắt ông đã bị mờ do vết thương lúc tham gia chiến trường Campuchia tái phát, bà Được trở thành đôi mắt thứ 2 của ông. Hạnh phúc tuổi già ấy chính là quả ngọt sau những cống hiến, hy sinh của ông đối với quê hương thứ hai nơi xứ Quảng.
THÚY ƯU