(Xuân Đinh Dậu) - Những đổi thay tới từng góc nhỏ của đời sống xứ Quảng, dẫu nhiều hay ít, sâu sắc ưu tư hay nông cạn niềm vui, hai mươi năm ngoái đầu nhìn lại, đều thấy lấp lánh những kỳ vọng tiếp theo… về một vùng đất lành.
Họ, những người đầu tiên đến đất Quảng Nam sau khi chia tách – những người bây giờ đã cũ, đã tạm gọi nhau là “lão giả an chi”. Nhưng nói vậy, để tự an ủi nhau rằng thời sôi nổi với bao nhiệt huyết đã thành quá khứ, thời mà cái khó cái khổ chẳng thể làm chùng lòng, cũng qua rồi. Nhìn lại để biết ơn quãng thời gian ấy, để thấy phố xá hay thôn quê xứ Quảng, đều in dấu chân mình….
1. Thủ tướng Anh, Winston Churchill, từng nói: “Chúng ta dựng nên những thành phố, để rồi sau đó, chúng dựng nên chúng ta”. Vun xới, gầy dựng và giữ gìn. Lộ trình một vùng đất bao giờ cũng vậy. Có những người khẩn hoang, có những người kiến tạo và có lớp “hậu bối” giữ cái hồn phách buổi đầu ấy và làm tươi mới đến cả ngày sau. Vùng đất bắt đầu từ những lớp người tạo nên hình vóc đó, và cũng từ vóc dáng này, kéo người ta tin yêu để xây dựng nên những bản sắc.
Tam Kỳ chiều 30 tết năm 1994 và Tam Kỳ hôm nay. |
Bà Hồ Thị Thanh Lâm, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh từ những ngày đầu tái lập tỉnh, nói rằng, cái khó lớn nhất bấy giờ không phải là những nghèo nàn hoang vu, thiếu thốn tiện nghi, mà sợ nhất là tinh thần của lớp cán bộ đầu tiên của tỉnh Quảng Nam. “Câu hỏi thường trực là làm thế nào để người cán bộ có động lực làm việc?”, bà nói. Và may thay, những cán bộ Quảng Nam lúc tỉnh mới tái lập đã nhiệt tình làm việc, bằng thái độ tích cực nhất, bằng sự chính trực với tinh thần cầu thị. Hai mươi năm nhìn lại, lớp người bây giờ vẫn giữ sự nể trọng với lớp người từ đô thành vào tỉnh lẻ đầu năm 1997. Bắt nhịp một điệu sống khác với nơi họ xuất phát. Tỉnh lỵ thời bấy giờ, những con đường vắng đến thênh thang. Hàng quán chỉ đếm trên đầu ngón tay, tập trung chủ yếu ở khu vực ngã ba Nam Ngãi kéo đến bến xe cũ (hiện là siêu thị Co.opMart). Còn lại, là bát ngát ruộng đồng…
Ông Hồ Xuân Tịnh, bây giờ là Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, từ năm 1997 đến nay, vẫn cứ hành trình sáng thứ Hai vào, chiều thứ Sáu ra lại Đà Nẵng. Ông nói vui, nếu có bằng khen, chắc HTX vận tải Quảng Nam sẽ dành cho ông một “suất” về người đi xe buýt chuyên cần suốt 20 năm qua. Những người làm văn hóa thế hệ sau này vẫn mãi xuýt xoa về ông, vì đã trụ bám với vùng đất Quảng Nam, từ những mờ nhạt của ngành văn hóa tỉnh lẻ đến lúc văn hóa được chọn là một trong những động lực phát triển, là cơ hội của rất nhiều ngành nghề khác. Ông kể, cảm giác của những năm đầu tiên khi từ một cán bộ bảo tàng ở Đà Nẵng vào làm tại Quảng Nam, là đôi chút lo lắng cho gia đình riêng, còn làm việc thì với ông, nơi nào cũng vậy, dẫu điều kiện của Quảng Nam lúc này là một “vùng xám” về cơ sở vật chất. Không có bảo tàng, thư viện. Không cả nơi làm việc cho bộ máy của sở, phải nhờ vào trụ sở cũ của Phòng Văn hóa Tam Kỳ bấy giờ… Cán bộ phải ở chen chúc trong những khu tập thể cũ.
Đường Phan Châu Trinh năm 1990 và 2017. |
2.Sự lựa chọn nào cũng có cái được và cái mất. Rơi vào hoàn cảnh phải tạm xa nơi mình đã gầy dựng gia đình, sự nghiệp để vào tiếp tục cống hiến sức lực ở một nơi khốn khó hơn, tức là họ đã đứng trước một sự lựa chọn. Và họ lại chọn sự bắt đầu. Riêng với những người đang sinh sống và làm việc ở thị xã Tam Kỳ khi chưa tách tỉnh, họ có thể là cán bộ của sở ngành thành phố Đà Nẵng, được điều vào Quảng Nam từ sau khi giải phóng, lại mang “niềm riêng”. Tách tỉnh, cảm xúc đầu tiên của họ là âu lo. “Thẳng thắn nhìn nhận lúc đó, ai cũng lo lắng và đôi phần tiếc nuối. Vì mình đang ở trong một địa phương lớn, có thành phố, mọi chế độ, lương bổng… đều khác. Bây giờ tách tỉnh, thì ở cơ chế tỉnh lẻ, sẽ khác. Chưa kể, có những cán bộ đang muốn xin quay về Đà Nẵng, tách tỉnh, ở hai địa phương, việc điều chuyển càng khó khăn” - ông Nguyễn Thuận, nguyên Trưởng đội chiếu bóng Quảng Nam Đà Nẵng khi ấy, nhớ lại. Và sự lo lắng này không chỉ với những cán bộ cũ như ông. Nhiều người dân phố Tam Kỳ lúc đó, với họ, tách tỉnh là một sự kiện… của chính quyền. Bởi nhịp sống của Tam Kỳ giai đoạn này, chủ yếu vẫn tập trung ở khu vực đường Một (quốc lộ 1), đời sống vẫn nhạt mờ. “Sự kiện tách tỉnh với người dân Tam Kỳ hồi đó là xôn xao chút ít thôi. Nhiều người lo là mình buôn bán ở đây lâu năm rồi, tỉnh vào thì họ quy hoạch lại, có đụng chi tới nhà mình không”, chủ một tiệm kinh doanh lâu năm trên đường Phan Châu Trinh chia sẻ.
Và sau một quãng thời gian, sự băn khoăn đã dần dần tan đi. Dẫu còn đó tiếc nuối của người cán bộ cũ, nhưng sự thay đổi và phát triển của vùng đất đã làm phai mờ những day dứt của họ. Ông Vũ Minh, nguyên Công an TP.Tam Kỳ, chia sẻ, gần như là sau khi chia tỉnh đến bây giờ, mọi khoảng trống của đất Tam Kỳ, đều đã được lấp đầy. Những tuyến đường mới bên cạnh sự chỉnh trang của những khu vực cũ, cùng với những công trình hạ tầng hướng tới đời sống người dân, Tam Kỳ bây giờ đã ra phố phường lắm rồi. Về hưu năm 2010, ông Minh nói, coi như trọn cả đời ông ở Tam Kỳ, nhìn nhận sự kiện chia tách tỉnh chính là may mắn của người dân Tam Kỳ và lẫn với cả người dân Quảng Nam.
. Đường Nguyễn Du khi chưa tách tỉnh và nay. Ảnh: HUỲNH TRƯƠNG PHÁT - THẢO NHI - PHƯƠNG GIANG |
3. Nhưng, vẫn có vĩ thanh của một vùng ở mà người Tam Kỳ, hay người Quảng Nam đều băn khoăn. Đó là câu chuyện giữ người. Hai mươi năm nên một tên gọi, hẳn sẽ còn nhiều hoài nghi với người ở xa, sẽ còn nhiều kỳ vọng với người đang cư ngụ. Nếu năm 1997, hệ thống chính quyền mới chia tách, trong đó có những người lãnh đạo rất nhiệt tâm đã kêu gọi được rất nhiều “người nổi tiếng” về giúp sức cho đất Quảng. Thì sau này, khi Quảng Nam nên dáng vóc, vẫn không thể giữ họ ở lại với đất này. Cũng như có câu chuyện vui, rằng phố Tam Kỳ những chiều thứ Bảy và những ngày lễ tết, hiu vắng hơn cả vùng ngoại ô. Liệu có phải vùng đất không thể giữ chân người, mặc cho sự phát triển, đều đã có thể nhìn thấy? Người ta đến để chép lại giấc mơ đời mình ở đất mới, nhưng lại ra đi khi giấc mơ đã thành hiện thực… Hẳn việc nhìn lại 20 năm của vùng đất, không chỉ có những tụng xưng điều đã thành hình, thứ đã làm được. Vẫn còn đó, ngổn ngang một đời sống khác…
SONH ANH