Chuyện đầu tuần

Người cùng về làng

PHAN HOÀNG 13/01/2025 06:13

Mai đã là rằm tháng Chạp. Mọi thứ luôn hối hả hơn vào những ngày cuối năm. Thế nhưng từ đầu tháng 12 âm lịch, đã thấy không khí hối hả khi nhiều người trong tộc nhắc chuyện chạp mả trên group gia đình. Người xa quê, nhất là người lớn tuổi cảm thấy nôn nao lắm. Rồi thu xếp lại mọi thứ để đặt vé tàu xe cho chuyến về quê.

Một người anh trong tộc, năm nay 72 tuổi, sinh sống ở Sài Gòn nhắn trên nhóm gia đình “Sức khỏe tệ hơn, năm ni không về chạp mả được”, rồi thả một icon mặt buồn. Vậy thôi mà nghe trĩu nặng tâm tư.

Những người già ở xa như anh, mỗi năm cố gắng về quê đôi lần, có khi chỉ để gặp người thân dần rơi rụng theo tuổi tác. Về để được dòm lại chỗ cha mẹ nằm trong nghĩa trang gia tộc. Và quét dọn sửa sang lại mồ mả, để cha mẹ ông bà được đón tết với mình.

Cha chồng tôi ít khi nhắc nhở việc gì, nhưng chỉ riêng việc chạp mả, hễ tới ngày ông luôn gọi. Ông nói: “Về cho mấy đứa nhỏ biết họ biết hàng”. Một ông lão tám mươi, tay cầm cây rựa phác dọn dây leo, cỏ dại, rồi chỉ cho tụi nhỏ từng vị mả. Từ các vị từ đời tiền hiền trở xuống đến vị sinh ra những ông “đầu phái” đến ông cố, ông nội. Rồi lui cui đốt bó nhang kêu tụi nhỏ lạy…

Những hình ảnh đó của cha chồng tôi, hẳn sẽ ăn sâu trong nếp nhớ của các cháu trai ông. Để những lần sau này, trong ngày tết về lễ cúng tại nhà thờ tộc, khói hương lẩn khuất theo tiếng chiêng trống u u, sẽ giữ lề thói cương thường cho bao thế hệ.

Những bụi cỏ được xén đi, gọn gàng, chỗ có hoa dại còn được đánh rãnh cho đẹp. Đôi chậu hoa vạn thọ được đặt lên. Tươm tất ấy với người đã khuất, với ông bà tổ tiên là như những lối nhỏ mùa xuân khắp nơi, bày lòng tử tế của con cháu.

Ở xứ Quảng, có vùng chạp mả vào tháng 10 âm lịch, nhưng nhiều nhất vẫn là tháng Chạp. Tùy thời gian mỗi tộc họ, có khi kéo đến tận những ngày cuối tháng Chạp. Cũng có một số vùng, chạp mả ra Giêng hay tháng ba âm lịch.

Chạp mả nhà ngoại, nhà nội, nhà chồng, nhà vợ, nếu định cư ở làng, tham gia đầy đủ các đám chạp, hẳn các bà các chị cũng phải vun vén dữ lắm. Người đi xa, ngày chạp về làng, đều hàm ơn người ở lại.

Từ đàn ông cúng kính, chăm sóc nhà thờ tộc họ và chăm lo mồ mả ông bà, đến đàn bà đảm đang toan tính chợ búa cho mâm cơm chung ngày giỗ tộc. Nếp xưa truyền lại, các thế hệ trong dòng tộc gắn kết tình thâm nhờ những việc chung phải lo.

Tùy đám chạp ở tộc chung hay từng chi, phái mà phần lễ và phần hội sẽ theo đó mà tùy nghi được quy định trong hương ước. Tộc Phan nhà ngoại tôi thì chạp vào tháng ba âm lịch. Chạp mả tộc trước rồi mới đến chạp mả ở từng chi phái. Mùng 10 tháng 3 âm lịch trở thành ngày hội lớn của tộc.

Ngày ông ngoại còn sống, lẽo đẽo theo ông sơn quét mộ vào những ngày tháng Chạp, tôi nhẩn nha bắt cào cào châu chấu chứ đâu hiểu gì việc làng việc xóm tục lệ tổ tông. Và tôi bé con lúc đó cũng chỉ nhớ được trong đầu vỏn vẹn hai chữ giẫy mả.

Dì Hai tôi có mỗi cô con gái độc nhất, lại không sinh sống ở làng. Vậy nhưng bất cứ đám đình nào của tộc họ Phan, chị đều có mặt. Chị nói, có hiếu với ông bà tổ tiên, sẽ thấy mình sống vui hơn. Đâu phải chỉ đàn ông mới lo được việc tộc họ. Quan niệm nữ nhi ngoại tộc, theo thời gian và theo lối sống mới cũng dần mờ nhạt.

Ngày chạp mả, con cháu luôn trở về làng đông nhất. Mỗi người mỗi việc chu toàn, không thấy ai tị nạnh ai, có lẽ đều nhờ lề lối được ông ngoại tôi sắp đặt rồi truyền lại cậu lớn trong nhà.

Những thiêng liêng cội nguồn gia tộc, đôi khi chìm khuất trong cuộc mưu sinh, thì sẽ luôn được nhắc nhớ trong dịp này, để mỗi người thấy được trách nhiệm của mình hơn. Cũng là để sống tử tế hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người cùng về làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO