Người cựu tù Đất Quảng ở Côn Đảo

VÕ TRƯỜNG - HOÀI NHI 12/06/2022 05:29

Nhắc lại năm tháng chiến tranh, ký ức như chiếc lò xo làm ông bật dậy những mạch nguồn cảm xúc. “Không thể tưởng tượng được… đúng là thừa chết thiếu sống nhưng rồi mình vẫn còn đến hôm nay đấy thôi. Đất đai nơi Côn Đảo lại vẫn ân cần che chở cho những hương hồn và cả người còn sống hôm nay!”.

Ông Nguyễn Xuân Viên - cựu tù Côn Đảo (người đứng giữa) chụp ảnh chung với đoàn cán bộ Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam.
Ông Nguyễn Xuân Viên - cựu tù Côn Đảo (người đứng giữa) chụp ảnh chung với đoàn cán bộ Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam.

Đó là tiếng lòng của cựu tù Côn Đảo Nguyễn Xuân Viên (SN 1944) quê xã Quế Long, huyện Quế Sơn. Phần đời còn lại sau hòa bình, ông chọn Côn Đảo làm quê hương thứ hai, để mỗi chuyến hành hương về nguồn của du khách, chuyện xưa lại được kể, như mới hôm qua...

Ký ức

Cựu tù Côn Đảo Nguyễn Xuân Viên năm nay bước vào tuổi cận kề bát tuần; ông gầy gò. Khi chúng tôi đến thăm, ông mới ốm dậy nên không trò chuyện được nhiều, nhưng trong tâm tình chúng tôi biết ông ý tứ muốn chúng tôi nán lại lâu hơn để kể những năm tháng nơi ngục tù Côn Đảo cũng như duyên nợ ông đã chọn mảnh đất này làm quê hương thứ hai.

Gặp đồng hương, ông không kiềm được xúc động: “Cũng rất lâu mới có những đoàn khách từ đất liền, từ Quảng Nam ra thăm đảo, có lẽ cũng bởi dịch Covid-19 hoành hành hơn hai năm nay”.

“Côn Đảo trước năm 1975 là một thế giới riêng. Thế giới đấu tranh của những người tù tay không, đói khát trong gông cùm chống lại bạo lực cường quyền hùng hậu có đủ phương tiện vũ khí tối tân đàn áp và những ngón đòn nham hiểm về tâm lý chính trị, để bảo vệ cho đến cùng khí tiết của người chiến sĩ cách mạng trong lao tù…” (PGS.TS Đỗ Bang viết trong lời giới thiệu tập sách “Tù chính trị câu lưu Côn Đảo 1957-1975 từ thực tiễn nhìn lại”, NXB Quân đội nhân dân 2015).

Côn Đảo là quần đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 1861, thực dân Pháp chiếm Côn Đảo và lập ra hệ thống nhà tù vào năm 1862, kể từ đó Côn Đảo trở thành “địa ngục trần gian” trong suốt 113 năm. Nơi đây có đến gần 20.000 chiến sĩ cách mạng bị giam cầm, tra tấn và hy sinh.

Tuổi đôi mươi, ông Viên tham gia du kích, bây giờ lâu quá ông chỉ nhớ đâu đận sau chiến thắng Núi Thành - 1965. Tuổi trẻ cùng nhiệt huyết cách mạng quyết tâm đánh đuổi quân thù và bọn ác ôn, ông Viên đã trở thành nỗi ám ảnh cho quân thù ở địa phương trong những năm tháng đó.

Đến Mậu Thân 1968 không may ông rơi vào tay giặc, biết ông vừa là du kích vừa là cơ sở cách mạng nhận lãnh nhiều chủ trương quan trọng từ trên nên địch tra tấn hòng tìm ra những cơ sở cách mạng của ta, nhất là khi bọn địch điên cuồng, mất ăn mất ngủ sau Tết Mậu Thân trên cả địa bàn chiến lược miền Nam.

Ông Viên cùng một số đồng đội từ Quảng Nam bị đày vô nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa, Đồng Nai), được 1 năm vào khám lớn Chí Hòa (Sài Gòn), rồi lại trả về nhà lao Tân Hiệp.

Ý định của địch là để bắt đi lính nhưng ông Viên không chịu. Điên tiết trước tên du kích mang tinh thần cộng sản cứng đầu, bọn địch đã đày ông ra Côn Đảo.

Chuyến đày ải kinh hoàng đó đến nay ông Viên vẫn không thể nào quên. Sau những đòn tra tấn dã man bọn chúng bịt mắt, nhét giẻ vào miệng, trói chân tay rồi khiêng đổ dồn xuống tầng hầm một con tàu đày ra đảo. Tàu ra đến nơi thì bị tống ngay vào “chuồng cọp”, đón nhận những đòn tra tấn mới.

Tội của ông Viên nằm trong dạng tù chính trị câu lưu. Đây là loại tù đặc biệt tại Côn Đảo bởi các tù nhân không thể kết tội, không án, nhưng chúng giam giữ thì vô thời hạn.

Trên danh nghĩa tù chính trị câu lưu bị giam giữ tối đa hai năm, nhưng trên thực tế có người bị giam giữ án tù chung thân như ông Viên cho đến ngày ta giải phóng miền Nam, giải phóng Côn Đảo mới được ra tù. Bởi vậy rất nhiều người đã hy sinh trong quá trình chịu đựng từ các cuộc đấu tranh chống ly khai, bảo vệ khí tiết của mình.

Đưa tay lên đầu như phản xạ để nhắc nhớ vết thương từ “chuồng cọp”, ông Viên trầm tư: Nhắc đến nhà tù Côn Đảo không thể không nhắc đến “chuồng cọp”. Tại đây có “chuồng cọp” kiểu Pháp và “chuồng cọp” kiểu Mỹ. Mỗi buồng giam chừng 1,5m x 2,7m, không có giường ngủ, giam từ 5 đến 12 người, chân bị còng vào một thanh sắt, việc ăn uống và vệ sinh cá nhân đều tại chỗ.

Bên trên, cai ngục đi dọc hành lang để theo dõi, kiểm soát người tù, trên tay luôn cầm gậy sắt dài nhọn sẵn sàng chọc xuống tù nhân nào chống đối. Đồng thời bên trên mỗi buồng giam đều có 1 thùng nước bẩn, 1 thùng vôi bột, khi tù nhân có dấu hiệu phản đối, cai ngục rắc vôi bột làm mù mắt tù nhân.

Tù nhân bị giam trong chuồng cọp phải chịu tra tấn bằng nhiều hình thức dã man. Ở đó còn có 60 phòng giam không có mái che được gọi là phòng tắm nắng là nơi dùng để hành hạ bằng cách bắt người tù phơi nắng, phơi mưa…

“Sức mạnh của anh em tù chúng tôi lúc đó là ý chí, niềm tin vào cách mạng sẽ tất thắng, bọn Mỹ ngụy dẫu hung bạo đến đâu cũng sẽ đến ngày tàn lụi. Tấm gương các đồng chí trong tù lớp trước lớp sau, truyền lại cho nhau như động lực niềm tin để chúng tôi đấu tranh quyết không khai, chống ly khai, bảo vệ mình và đồng đội” - ông Viên kể.

Chọn Côn Đảo làm nơi chốn  quê nhà

Ông Viên “gắn bó” ngục tù gần chục năm nơi Côn Đảo. Ngày giải phóng, ở vòng ngoài người ta hoan hô nhiều lắm, hoan hô Chính phủ cách mạng lâm thời, hoan hô ngày miền Nam giải phóng. “Tôi cùng đồng đội ở trong cùng, nghe mang máng thế, sức lực gần như kiệt cùng” - ông Viên rưng rưng nhớ.

Du khách đến thăm di tích được mệnh danh “địa ngục trần gian” ở Côn Đảo.
Du khách đến thăm di tích được mệnh danh “địa ngục trần gian” ở Côn Đảo.

Ngày hòa bình, trong niềm vui khôn xiết ông Viên tìm về lại quê nhà trong sức tàn lực kiệt. Quê nhà đâu đâu cũng hoang tàn đổ nát. Mấy chục năm chiến tranh, những người thân ruột rà trong gia đình cũng không còn ai, nhiều người thân tham gia cách mạng cũng ngục tù, hy sinh.

Giữ lời hứa với một số đồng đội, ông Viên quyết định trở lại Côn Đảo góp chút sức mình xây dựng lại vùng đất từng gánh chịu quá nhiều đau thương, với công việc ở Bảo tàng Côn Đảo, một chứng tích của chiến tranh.

Điều duyên nợ ngày trở lại Côn Đảo cùng với ông Viên còn có một người phụ nữ nữa, đó là bà Nguyễn Thị Tư - người con gái cùng quê là cơ sở cách mạng trong chiến tranh.

Bà Tư đã đem lòng yêu thương ông Viên dù ông đã thật lòng: “Hay em đừng lấy anh, vì sức khỏe anh chỉ còn phân nửa, công việc nặng nhọc làm sao em gánh được”.

Thế nhưng bà đã quyết tâm rồi. Sau khi cưới vợ xong, vợ chồng ông Viên ra Côn Đảo.

“Ban đầu cũng rất gian khổ nhưng rồi cái khổ cũng qua đi. Chừ thì con cái đã trưởng thành, ba đứa con, đứa làm bác sĩ, đứa làm bên đài truyền thanh, truyền hình, đứa làm ở bưu điện và vẫn thường về thăm cha mẹ” - bà Tư kể.

Tuổi cao sức yếu đi âu đó cũng chuyện của người già… nhưng niềm an ủi, niềm vui là thi thoảng vẫn có các đoàn cán bộ, cựu tù cả nước đến Côn Đảo và họ đã ghé đến thăm gia đình ông bà.

“Đồng đội ông Viên cùng khu trại tù chừ nằm ở khắp nghĩa trang. Mỗi năm ngày 20.6 âm lịch trên đảo đều tổ chức giỗ chung cho người đã khuất” - bà Tư góp chuyện.

Ông Viên hỏi anh em trong đoàn đã ra nghĩa trang Hàng Dương chưa? Đó là nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước qua nhiều thế hệ, đã đối mặt với kẻ thù giữa lao tù, xiềng xích. Ở đó có phần mộ của nhà chí sĩ Võ An Ninh, chị Võ Thị Sáu, nguyên Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam Lê Hồng Phong… Họ đã ra đi để Tổ quốc trường tồn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người cựu tù Đất Quảng ở Côn Đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO