(QNO) - Chừng 5 năm về trước, người dân xã Tam Hải (Núi Thành) bắt đầu để ý đến một người đàn bà mặc áo bà ba, chiếc xe đạp cũ chất đầy những bó mía đi khắp làng trên xóm dưới với tiếng ra lanh lảnh kèm tiếng rao: “Mía tình thương đây! Mía tình thương bà con ơi, mua giúp các cháu nhỏ khuyết tật, mồ côi nào!”.
Mía tình thương
Bà sẵn sàng mời chào tất cả, dù là khách lạ chỉ một lần ghé qua mảnh đất Tam Hải. Dọc đường, quán ăn hay quán nước bên đường, bà đều dừng xe, ôm vài bó mía chào mời. Với bà, sự “tiếp thị” này chẳng có gì xấu hổ cả. Không hiếm thái đội nghi ngờ của nhiều người về sự gàn dở bà bỏ ngoài tai: “Mình bán mía cho tụi trẻ cơ nhỡ, chứ có bán lấy lời lãi về cất riêng cho mình đâu mà ngại. Ai nói gì mặc ai, tâm tôi trong sáng tôi cứ làm. Bán nhiều, tụi nhỏ hưởng nhiều, tui càng vui”.
Những bó mía lau tình thương do đôi tay của vợ chồng bà Phạm Thị Mỹ trồng. |
Thấy người đàn bà tuổi đã cao còn đi bán mía, một vị khách lạ hỏi “mía có ngọt không”. Bà bật chân chống xe đạp xuống, ôm bó mía đi vào quán nước ứng khẩu… đọc thơ bằng chất giọng đặc sệt của người làng biển:
“Mỗi ngày hai buổi bán mía lau
Chỉ được vui thôi chẳng khá giàu.
Từ nhà đến chợ luôn người hỏi:
Mía có ngọt không trả lời mau?
Xin thưa, có ngọt kém hơn đường,
Mời người mua mía góp tình thương.
Để người bán mía mua quà tặng,
Các cháu mồ côi, khuyết tật nguyền” .
Ông khách ở xa kia mua liền 3 bó mía, thêm vài người nữa thấy thế mua theo giúp bà. Người đàn bà ấy là Út Nỉ, tên thật là Phạm Thị Mỹ ở thôn Bình Trung, xã Tam Hải.
Tuổi đã trên 60 bà Út Nỉ hãy còn nhanh nhẹn, mau mắn trong từng lời đối đáp. Ở bà còn đó sự rắn rỏi của dân xứ biển và cách đối đáp đầy chất “lý sự” người Quảng. Thay câu trả lời chuyện bán mía lau làm từ thiện, bà Út Nỉ đưa chúng tôi ra mảnh vườn phía sau nhà. Những cây mía đã cao quá đầu, rậm rạp che gần hết nửa mảnh vườn. “Thường thì đến tháng 7 hằng năm mía đủ lớn để bán. Mỗi bó mía tôi bán 5.000 đồng, vừa rẻ lại biết được mục đích của tôi nên ai cũng sẵn sàng mua giúp. Bây giờ, đi từ nhà xuống tới chợ xã là hết sạch” – bà cười giòn tan kể chuyện bán mía.
Bán hết đám mía trong vườn nhà, bà Út Nỉ thu về khoảng 1 triệu đồng. Lúc đó, bà đếm lại số lượng trẻ nghèo khó cần giúp đỡ để suy tính đến phần quà là áo quần hay sách vở…
Tiết kiệm cho… người dưng
Lúc gặp chúng tôi, bà Mỹ mặc bộ bà ba có miếng vá nơi ống quần, cả chiếc áo khoác thun mỏng bên ngoài cũng được tạo nên từ hai loại vải khác nhau chắp lại. Bà cười hồn hậu: “Cho đỡ tốn kém tiền mua quần áo mới”. Điều này có phần trái ngược khi bước và ngôi nhà nhỏ nhắn nhưng sạch sẽ và có phần quý phái... Mời chúng tôi ăn cơm trưa giản dị, bà thanh minh: “Có gì ăn nấy chứ tôi không đi chợ đâu. Rau có sẵn ở vườn, mấy con cá nục con gái đem qua vẫn còn” - bà thản nhiên nói. Thì ra, bà Út Nỉ hiếm khi đi chợ. Mà có đi cũng mua vài thứ thiết yếu như nước mắm, dầu ăn, bột ngọt… đủ dùng. Bữa trưa dọn lên bàn chỉ gồm cơm ghế khoai lang, tô canh khổ qua, đĩa dưa cải muối và vài con cá nục, cá kình. Tất cả phải khiến “khách lạ” hồ nghi: nhẽ nào, bà đi bán mía để làm từ thiện lại có lối sống tằn tiện đến vậy? - “Bà tiết kiệm mọi thứ có thể, chẳng phải để tích tiền mua vàng phòng thân đâu mà để tiền đó cho trẻ mồ côi, khuyết tật và người neo đơn khó khăn” - ông Hồ Quốc Thanh nói về vợ mình, xóa tan những suy nghĩ ban đầu của chúng tôi.
Vợ chồng ông Thanh bà Mỹ vẫn hạnh phúc với cuộc sống thanh đạm, lấy việc thiện làm mục đích sống về già. |
Hơn 6 năm nay, vợ chồng ông Thanh bà Mỹ đã quen với những bữa cơm đạm bạc. Nhấp ngụm trà sau bữa ăn, rít hơi thuốc lá, ông Thanh kể: “Ngày đó, bả thủ thỉ với tôi: vợ chồng mình đã nuôi con cái có công ăn việc làm ổn định rồi thì hai thân già này còn gì phải để tiêu pha cho nhiều. Hay mình tiết kiệm để lo cho các cháu nhỏ khuyết tật, mồ côi. Thấy vợ có ý tốt tôi không phản đối nhưng lo nghĩ mấy đứa con sẽ khó chấp nhận. Ấy vậy mà con trai, con gái đứng về “phe” bả hết, khuyến khích thêm: “tụi con có con cá, con tôm sẽ mang về phụ giúp”.
Mảnh vườn hơn 900m2 ngoài đám mía, những cà chua, rau cải, xà lách, bí bầu… lên xanh tốt quanh năm đủ để đôi vợ chồng già tự túc cái ăn. Sẵn đất rộng bà Mỹ nuôi thêm con gà để cải thiện… Chuyện tiết kiệm đến khó ngờ của vợ chồng bà cũng được hàng xóm xác nhận với chúng tôi. - “Một bình ga mà cô nấu hơn 15 tháng?”. - “Củi thông ở khắp rừng ven biển, mình nhặt về đun thay ga” – bà Út Nỉ trả lời. “Cô cũng không đi xe máy à?”, bà ngắn gọn: “Cần lắm mới nhờ chồng con chở đi bằng xe máy, còn không thì đi xe đạp. Để tiết kiệm chừng vài chục ngàn mỗi tháng”. Những việc cỏn con đó theo lời bà Út Nỉ nói, đã giúp bà tiết kiệm được 7 – 8 triệu đồng mỗi năm. Đến dịp tết nguyên đán, ngày hội đại đoàn kết toàn dân số tiền ấy đến được tận tay những trường hợp khó khăn nơi xã đảo này.
Sống có ích với xã hội
Ngày thôn Bình Trung chưa có nhà văn hóa mới, bà Út Nỉ bảo chồng: “Ở nhà vợ chồng mình tằn tiện cũng đủ ăn hằng ngày, anh dùng tiền lương làm kinh phí đi vận động bà con ở xa đóng góp xây cho thôn mình cái nhà văn hóa”. Vợ chồng bàn bạc xong, ông Thanh xách ba lô lên rong ruổi khắp các tỉnh Bình Dương, Ban Mê Thuột, TP.Hồ Chí Minh… đến gõ cửa từng nhà người quen, bà Út Nỉ ở nhà đi vận động làng trên xóm dưới. Sau 4 tháng, ông Thanh mang về số tiền gần 30 triệu, bà Mỹ xin được gần 11 triệu. Cùng với số tiền nhân dân thôn Bình Trung đóng góp, huyện Núi Thành hỗ trợ 20 triệu, thế là xây được nhà văn hóa thôn Bình Trung khang trang. Ấy vậy mà chúng tôi đề nghị vợ chồng ông bà có tấm hình chung bên nhà văn hóa thôn, thì họ khiêm tốn xua tay: “Tiền của xây dựng nhà văn hóa là của bà con xóm giềng và bà con xa quê đóng góp. Mình chỉ bỏ công đi gom góp lại nên chẳng có công sức chi”.
Tiết kiệm mọi khoản chi tiêu là cách bà Mỹ có tiền làm từ thiện. |
Chuyện bà Út Nỉ “ở không đi lo cho thiên hạ” bàn tán khắp quanh vùng. Tiếng tốt cũng nhiều mà tiếng đàm tiếu cũng chẳng ít. Nhưng dường như nơi này bà Mỹ được lòng xóm giềng nhiều hơn bởi lòng tốt và sự thẳng thắn của mình.
Rẽ vào con đường cát trắng bỏng chân người, căn nhà lụp xụp của chị Hồ Thị Hiệp nằm gọn thỏm dưới tán dừa liêu xiêu. Tha phương cầu thực về với bàn tay trắng, lại mang thêm khối u trong màng nhĩ tai về nhà. “Chị nghe anh em trong nhà nói, ngày chị nằm viện, cô Út Nỉ ngược xuôi vận động từ bà con trong thôn được 1,3 triệu đồng mang lên tận bệnh viện giúp chị có thêm chi phí” – chị Hiệp kể. Chị còn kể thêm, ngày về nhà tịnh dưỡng, bà Út Nỉ có miếng thịt, con cá ngon lại chia phần cho chị và rảnh rỗi ghé qua ngồi trò chuyện động viên. “Chẳng riêng gì với chị đâu, cứ hễ ai gặp hoạn là cô Út Nỉ lại tức tốc đi vận động bà con giúp đỡ liền”, chị Hiệp nói với theo chúng tôi lúc chia tay.
Hỏi về căn cớ để bà nguyện hết phần đời còn lại làm từ thiện, bà Út Nỉ - Phạm Thị Mỹ kể về một biến cố như lý giải: “Trận lụt năm Thìn (1964) đã cuốn trôi tất cả gia sản của cha mẹ tôi. Lúc ấy, trâu bò, lúa gạo ra hết biển Đông, thứ còn lại duy nhất là mạng sống. Rơi vào nghèo khổ nên thấu hiểu người nghèo, rồi cũng hiểu vật chất chỉ là phù du chẳng mang theo mình mãi. Giờ con cái có việc làm ổn định, cũng yên bề gia thất thì chẳng còn lý do gì mình làm ra lại cất giữ cho bản thân cả. Ngoài kia còn nhiều người cần tiền hơn mình sao mình không mang đến cho họ”. Bà Út Nỉ nhìn xa xăm. Rồi bà lấy giọng ngâm chúng tôi nghe bốn câu thơ bà tự làm cho bản thân:
“Tôi là hạt cát giữa sa mạc mênh mông,
Tôi là giọt nước giữa lòng đại dương,
Tôi là đóa hoa rừng giữa núi cao xa thẳm.
Hạt cát không óng ánh ai thấy đâu mà nhặt,
Giọt nước không long lanh ai biết đâu mà ngắm,
Hoa giữa rừng không hương thắm, ai nhặt để ghép cành”.
Rồi người đàn bà mê thơ, ham làm việc thiện mỉm cười: “Bởi thế nên cứ làm từ thiện đi, đến khi nào mình về với tổ tiên hẵng hay”.
ĐOÀN ĐẠO