Người dân đã hài lòng với nông thôn mới? - Bài 1: Đắn đo môi trường sống

LÊ QUÂN 01/02/2021 08:03

Tròn 10 năm Quảng Nam bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM) trên phạm vi toàn tỉnh. Diện mạo nông thôn thay đổi nhiều, sinh kế người dân cũng ổn định hơn. Tuy nhiên, liệu đã đủ để người dân hài lòng với kết quả xây dựng NTM hiện nay?

Người dân thôn Thái Nam (xã Tam Thăng) hiện vẫn chưa có nước sạch để sử dụng, trong khi nguồn nước tại đây bị nhiễm phèn. Ảnh: X.H
Người dân thôn Thái Nam (xã Tam Thăng) hiện vẫn chưa có nước sạch để sử dụng, trong khi nguồn nước tại đây bị nhiễm phèn. Ảnh: X.H

Nhiều hồi chuông cảnh báo về tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn, đặc biệt với chuyện xử lý rác thải sinh hoạt. Cùng với đó, nguồn nước sử dụng tại các khu vực nông thôn gần cụm, khu công nghiệp cũng đang khiến nhiều người dân ở các nơi lo ngại.

Đây là các lý do khiến người dân tại một số địa phương đánh giá việc xây dựng NTM vẫn chưa sát với thực tế nhu cầu của họ. Trong khi đó, theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, môi trường và an toàn thực phẩm là một trong những tiêu chí quan trọng trong Bộ tiêu chí quốc gia của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, có ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng sống của người dân.

Băn khoăn về nguồn nước và rác thải

Ông Hồ Trung Ấn (người dân thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) cho biết, nhiều năm liền, Tam Thăng có nhiều bãi rác tự phát hình thành ở một số khu vực đất trống. Chưa kể, nước sinh hoạt của người dân tại địa phương này cũng là vấn đề khiến họ trăn trở. Còn theo ông Trần Xuân Bằng (thôn Thái Nam, xã Tam Thăng), dù thôn nằm trong diện giải tỏa trắng nhưng trong 2 năm gần đây vẫn chưa có quy hoạch và dự kiến thời gian quy hoạch, điều này gây khó cho người dân. Đồng thời, nguồn nước người dân sử dụng tại đây bị nhiễm phèn, ông Bằng cho rằng cần làm rõ nguyên nhân.

Người dân thôn Thái Nam (xã Tam Thăng) vẫn chưa có nước sạch để sử dụng. Ảnh: X.H
Người dân thôn Thái Nam (xã Tam Thăng) vẫn chưa có nước sạch để sử dụng. Ảnh: X.H

Khó hoàn thành tiêu chí về môi trường

Tại cuộc làm việc giữa Bộ TN&MT cùng lãnh đạo 3 địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP.Đà Nẵng về kết quả thực hiện chương trình xây dựng NTM và các hoạt động bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM năm 2020, các địa phương đều nhìn nhận tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM rất khó hoàn thành. Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân – thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020 cho rằng, đầu tư cho môi trường còn khá khiêm tốn trong đầu tư chung, ảnh hưởng đến từng địa phương trong kết quả xây dựng NTM. “Các địa phương mới ở mức độ tương đối, chưa giải quyết những vấn đề căn cốt của môi trường nông thôn hiện nay” – ông Võ Tuấn Nhân nói.

Năm 2019, TP.Tam Kỳ tổ chức lấy ý kiến hài lòng của người dân về xây dựng NTM thì bất ngờ khi ở tiêu chí môi trường, tỷ lệ người dân chưa hài lòng gần 20%, trong đó riêng xã Tam Thăng có gần 46% người dân chưa hài lòng. Ông Hồ Trung Ấn cho rằng, thời điểm bỏ phiếu, người dân không hài lòng vì vấn đề xử lý rác thải và tình hình an ninh phức tạp. Hiện tại, TP.Tam Kỳ với các tổ thu gom rác thải cũng như việc hình thành các tổ cộng đồng ở các thôn, khối phố đang góp phần giải bài toán về xử lý rác thải, trong đó đặc biệt là chất thải rắn.

Con số mới nhất từ Bộ TN&MT đưa ra, mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh hơn 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu mét khối nước thải sinh hoạt, 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi và hơn 14 nghìn tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón các loại… Tuy nhiên, theo thống kê chỉ khoảng 50% khối lượng rác thải trên được thu gom, xử lý, phần còn lại chủ yếu là chất thải rắn khó xử lý, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho môi trường và sức khỏe người dân. Lượng chất thải sinh hoạt nông thôn trong cả nước khoảng 32.000 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom còn thấp, trung bình đạt khoảng 40 - 50% so với lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các vùng nông thôn ven đô hoặc các thị trấn, thị tứ cao hơn tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các vùng sâu, vùng xa. Hiện có khoảng 71% chất thải rắn sinh hoạt vẫn chủ yếu được xử lý theo hình thức chôn lấp, chỉ 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến sản xuất phân compost và 13% được xử lý bằng phương pháp đốt…

Không gian sống bị ảnh hưởng

Theo Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh, tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm nhiều năm nay được Quảng Nam chú trọng. Hiện có hơn 81,9% số xã có công trình nước sinh hoạt tập trung, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh toàn tỉnh đạt hơn 95%, tỷ lệ nước sạch đạt chuẩn quốc gia đạt hơn 58%. Hiện đề án quản lý chất thải rắn tại các vùng nông thôn được triển khai, nên việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn được các cấp chính quyền quan tâm, đạt trên 85%. Theo báo cáo từ các địa phương, đến nay có 144 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, chiếm 72%.

Đại diện Sở TN&MT nhìn nhận, về môi trường cảnh quan nông thôn ở một số địa phương, nhất là các xã chưa đạt chuẩn NTM còn thấp, môi trường chưa thực sự sạch. Công tác phân loại rác tại nguồn chưa được quan tâm thực hiện. Vẫn còn các cơ sở sản xuất đã đi vào hoạt động nhưng chưa có hồ sơ về môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt xác nhận. Bên cạnh đó, những bất cập trong vấn đề quy hoạch các địa điểm xử lý rác còn chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng mỗi xã có một lò đốt chất thải, hay những bãi chôn lấp chất thải không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật vẫn phát sinh. Với những lò đốt công suất nhỏ cấp xã, hệ thống xử lý khí thải không có hoặc có nhưng không đạt yêu cầu. Riêng tại TP.Tam Kỳ, ngay trong cuộc tham vấn cộng đồng do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ tổ chức, đa số ý kiến người dân cho rằng hiện một số công trình hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ, thiếu rãnh thoát nước, hệ thống thoát nước chưa ổn định gây nên ngập úng nhiều năm liền tại các xã ven đô. Chưa kể, tồn đọng rác thải sinh hoạt, hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ nhiều gây ảnh hưởng môi trường xung quanh.

Dù được đánh giá khá thành công với các địa phương “về đích” NTM trong thời gian qua, nhưng nhiều người dân Duy Xuyên vẫn chưa cảm thấy “thỏa đáng” với thành tích xây dựng NTM ở địa phương mình. Các đợt lũ lụt trong năm 2020 khiến nhiều xã của huyện Duy Xuyên rơi vào cảnh môi trường bị ô nhiễm, tồn đọng rác thải cũng như hệ thống giao thông nông thôn bị hư hại nặng. Tại cuộc tham vấn cộng đồng do Mặt trận tỉnh tổ chức tại huyện Duy Xuyên, nhiều ý kiến cho rằng, quy hoạch chung xây dựng xã, huyện NTM phải đảm bảo tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, cùng với đó lộ trình đô thị hóa của các xã như Duy Hải, Duy Nghĩa phải đảm bảo tiêu chí môi trường nông thôn. Tuy nhiên, tình hình thiên tai năm 2020 đã tác động trực tiếp đến các cụm dân cư trên địa bàn huyện. Tại 2 xã Duy Thành và Duy Vinh - 2 địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai cho thấy công tác quy hoạch cụm dân cư ở một số xã còn bất cập. Cụ thể, đường cống thoát nước chưa có, dòng chảy một số nơi bị phá vỡ không theo quy luật tự nhiên dẫn đến rác thải và các vũng nước tù đọng ven đường. Chưa kể, Duy Xuyên là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở chăn nuôi chiếm số lượng lớn của tỉnh, việc quản lý và xử lý chất thải chăn nuôi vẫn cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn.

Đây cũng chính là nhiều vấn đề liên quan đến không gian sống thực tế của người dân nông thôn. Hẳn nhiên, diện mạo các làng quê của Quảng Nam đã bừng sáng từ chính quá trình xây dựng NTM tại mỗi địa phương. Tuy nhiên, đã đến lúc chất lượng sống của người dân cần được quan tâm nhiều hơn, khởi đầu là hơi thở sạch.

.....................

Bài 2: Bài toán sinh kế và đời sống

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người dân đã hài lòng với nông thôn mới? - Bài 1: Đắn đo môi trường sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO