(QNO) – Nhu cầu tắm biển trong mùa hè của người dân là khá cao. Vì nhiều lý do, người dân đã đến các bãi tắm tự phát, không có lực lượng cứu hộ hoặc tắm ngoài vùng an toàn nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước.
Tại xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), mặc dù các bãi tắm đã được quy hoạch rõ ràng các khu vực cho phép tắm nhưng nhiều người dân vẫn tắm ngoài vùng an toàn. Do lượng người đổ về bãi biển này vào buổi chiều khá đông nên nhiều du khách đã chọn các khu vực tắm vắng vẻ hơn mặc cho tổ cứu hộ liên tục nhắc nhở. Ngoài ra, nhiều nhóm khách còn đi ra các bãi tắm khác gần các khu dân cư sinh sống để tắm nên công tác quản lý du khách tắm biển gặp khá nhiều khó khăn.
Chủ tịch UBND xã Tam Thanh Nguyễn Thanh Bình, cho biết: “Tam Thanh có 2 bãi tắm là bãi Tam Thanh và Tĩnh Thủy nhưng lại có đến 8km bờ biển nên chúng tôi rất vất vả trong việc quản lý du khách từ các nơi xuống tham quan và tắm biển. Điều lo lắng nhất là việc nhiều du khách cứ thấy người dân địa phương tắm là xuống tắm cùng mà không rõ dòng nước ở đó, khu vực đó nông hay sâu, có an toàn hay không”.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, để hạn chế tai nạn đuối nước, xã Tam Thanh đã yêu cầu các đội cứu hộ phải phân công người đi dọc theo bờ biển để nhắc nhở khi phát hiện các trường hợp tắm ở các bãi tắm tự phát. Đồng thời, yêu cầu các thôn phải theo dõi, chú ý khi có du khách xuống biển và đề nghị người dân địa phương phải nhắc nhở du khách.
Ghi nhận tại các khu vực ven biển huyện Núi Thành, người dân địa phương vẫn thường xuyên đi tắm biển ở các bãi tắm gần với nơi họ sinh sống dù các bãi này không được chính quyền địa phương cho phép. Tại xã Tam Quang, khu vực bãi tắm Bà Tình (thôn Trung Toàn) là địa điểm tắm biển được người dân lựa chọn vì vị trí gần, thuận tiện giao thông. Tuy nhiên, do lượng người đến tắm đông nên người dân tự phát sinh, hình thành thêm các khu vực tắm biển tự phát gần đó nằm ở vị trí khuất, ít người qua lại.
Còn tại bãi tắm Biển Rạng, không chỉ tắm biển ở khu vực được cho phép, người dân còn đi xa hơn vào các bãi phía đông nam (thuộc địa phận xã Tam Nghĩa). Họ tự xuống tắm theo từng tốp nhỏ, bất chấp việc đội cứu hộ không đủ để hỗ trợ nếu xảy ra sự cố.
“Lâu nay chúng tôi vẫn tắm bình thường, chưa có chuyện gì xảy ra hết. Mình chọn bãi xuống tắm cũng dựa theo kinh nghiệm của người địa phương khi họ nói vùng biển này nông, không có dòng nước xoáy” – chị L.T.H (thị trấn Núi Thành) giải thích.
Chính quyền các địa phương đang đẩy mạnh các biện pháp hạn chế tai nạn đuối nước. Theo đó, ngoài ban hành các văn bản chỉ đạo quản lý các bãi tắm thì việc cắm biển cảnh báo, cử người túc trực, nhắc nhở người dân không xuống các bãi tắm tự phát cũng được triển khai. Cùng với đó, tại các bãi tắm do địa phương quản lý, chính quyền đều có các đội cứu hộ, quy định giờ được tắm biển, rào lưới phao khoanh vùng an toàn…
“Năm nào cũng vậy, cùng với việc chỉ đạo UBND các xã kiểm tra, không cho người dân tự ý xuống các bãi tắm nguy hiểm thì UBND huyện cũng chỉ đạo Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện, Phòng GD-ĐT, Đoàn Thanh niên ráo riết tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh về việc phòng chống đuối nước, hướng dẫn các biện pháp tự bảo vệ mình khi đi tắm biển cũng như ở các hồ bơi.
Chúng tôi đề nghị người dân không nên tắm tại các bãi tắm tự phát. Vì các bãi tắm này chưa được coi là an toàn, chưa có lực lượng cứu hộ và quản lý nên khi có sự cố xảy ra thì hậu quả là rất lớn” – ông Ngô Đức An, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nói.