Nhờ các chương trình, dự án, đề án của Nhà nước, nhiều hộ dân ở làng Lộc Yên, xã Tiên Cảnh (Tiên Phước) đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với du lịch sinh thái, mang lại thu nhập cao.
Nhà vườn làm du lịch
Theo thống kê, làng Lộc Yên có 76 hộ tham gia phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với phát triển du lịch sinh thái được huyện hỗ trợ theo Đề án 03 với kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng. Điển hình như khu vườn của ông Đặng Sanh, Hồ Đức Bộ, Thái Văn Đông, Nguyễn Đình Sưu, Trần Anh Hào, Đồng Viết Mão, Nguyễn Đình Hoan…
Ấn tượng nhất là mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với du lịch sinh thái của hộ ông Nguyễn Đình Sưu (73 tuổi). Khoảng 10 năm trở lại đây, huyện có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế vườn nên gia đình ông Sưu có điều kiện mở rộng diện tích, bố trí trồng các loại cây ăn quả khoa học theo từng khu vực cụ thể.
Với khu vườn hơn nửa héc ta, ông Sưu trồng gần 40 cây lòn bon, 15 cây sầu riêng, 20 cây măng cụt, 25 choái tiêu, 30 cây cam quýt, thanh trà… Hiện nay, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp du lịch sinh thái của gia đình phát triển tốt, mỗi năm thu về gần 100 triệu đồng.
“Trước đây, tới mùa thu hoạch trái cây vợ chồng tôi phải chở xuống chợ huyện Tiên Phước bán cho thương lái với giá cả bấp bênh. Khoảng 5 năm lại đây, khách ghé vào vườn tham quan và chọn mua trái cây về làm quà, được tính giá nhà vườn” - ông Sưu chia sẻ.
Ngoài làm vườn, vợ chồng ông Sưu còn chỉnh trang lại sân ngõ, nhà cửa để đón khách ghé chụp hình, dừng nghỉ. Theo đó, gia đình đầu tư lát đá con ngõ dài hơn 50m dẫn vào nhà, hai bên ngõ được bố trí trồng các loại hoa, cây kiểng, chè tàu và đào ao thả cá tạo không gian xanh.
“Không chỉ gia đình tôi, nhiều nhà vườn nơi đây cũng làm du lịch, tự bán sản phẩm nhà nông cho khách tham quan với giá cả hợp lý. Riêng đối với những đoàn khách có nhu cầu đặt ăn uống, nghỉ lại qua đêm, vui chơi sinh hoạt trong làng, người dân cũng tạo điều kiện thuận lợi với giá cả bình dân” - ông Sưu cho biết thêm.
Định hướng phát triển du lịch
Huyện Tiên Phước vừa ban hành Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch Làng văn hóa du lịch (VHDL) làng cổ Lộc Yên - Thạnh Bình giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả và bền vững, góp phần thúc đẩy du lịch Tiên Phước phát triển thành ngành kinh tế quan trọng.
Theo đề án, bộ sản phẩm du lịch thương hiệu “Lộc Yên, ngôi làng nằm giữa cõi tiên’’ sẽ gồm nhiều sản phẩm, hoạt động hấp dẫn. Trong đó tổ hợp cảnh quan, dịch vụ ở làng cổ gồm cổng làng, quán nghỉ đầu làng và cảnh quan đồng lúa; làng Tiên (làng cổ Lộc Yên), hái quả “vườn Tiên’’, “chợ Tiên”; làng “mít Tiên” là khu vực để du khách khám phá về văn hóa, cảnh quan; khu du lịch Suối Tiên (còn gọi Thập Ngũ Tiên Sa) gồm công viên “Người khổng lồ”, “Ao tiên”; khu du lịch Rừng Tiên (lãnh địa người khổng lồ) là nơi du khách khám phá trải nghiệm về khu rừng, ngôi nhà, dấu chân của người khổng lồ... Tổng nguồn vốn thực hiện đề án dự kiến khoảng 312 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước đầu tư hơn 88 tỷ đồng, vốn xã hội hóa 224 tỷ đồng.
Ông Trầm Quế Hương - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, Đề án Làng VHDL làng cổ Lộc Yên - Thạnh Bình, giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn 2030 nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị không gian văn hóa làng cổ Lộc Yên - Thạnh Bình. Với những sản phẩm du lịch mới có tính khác biệt, hấp dẫn, hy vọng làng sẽ là điểm đến DLVH có sức hút của huyện Tiên Phước cũng như của tỉnh trong tương lai gần.
“Việc xây dựng bộ sản phẩm du lịch Lộc Yên - Thạnh Bình là định hướng phát triển kinh tế - văn hóa du lịch của huyện Tiên Phước và cụ thể hóa định hướng phát triển du lịch của tỉnh. Đây là cơ sở khoa học và pháp lý quan trọng cho các định hướng đầu tư, quản lý phát triển du lịch tại làng cổ đảm bảo đúng hướng, chuyên nghiệp, hiệu quả và bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, làng cổ Lộc Yên - Thạnh Bình sẽ trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái làng quê đặc trưng của tỉnh” - ông Hương nói.