Gặp cụ già Đồng Xuân Bình (71 tuổi, người Chăm) đang gác tháp Pô Sah Inư ở TP.Phan Thiết (Bình Thuận), tôi nhận ra ý tưởng tuyệt vời khi chính quyền địa phương không để những đền đài, tháp cổ chìm vào giấc ngủ yên, mà giao lại cho những người Chăm trông coi, hàng ngày bái vọng, cầu vị thần tối cao Shiva ban điều may mắn cho mọi người.
Thỉnh thoảng tôi gặp những người Chăm hành hương quay trở lại những nơi có lưu dấu tích Chăm như khu di tích Mỹ Sơn (Duy Xuyên), tháp Chiên Đàn (Phú Ninh), phế tích Đồng Dương (Thăng Bình) ở Quảng Nam; tháp Bánh Ít, Dương Long ở Bình Định; phế tích Thành cổ Châu Sa ở tỉnh Quảng Ngãi...
Tôi thường hỏi họ về những điều bí ẩn như vàng Hời, những phép thuật mà dân gian đồn thổi. Còn khi đến thăm tháp Chăm nổi tiếng Pô Sah Inư (đồi Bà Nài, phường Phú Hải, Phan Thiết, Bình Thuận), tôi chợt nghĩ về ông cụ người Chăm đang làm nhiệm vụ trông coi ngọn tháp này. Cụ là người Chăm hạnh phúc nhất (!). Bởi vì tháp Pô Sah Inư sau khoảng 1.300 năm nhưng không ngủ yên, mà vẫn đang hòa vào nhịp sống của con người hiện đại.
Cụ Đồng Xuân Bính được Ban Quản lý tháp Pô Sah Inư giao nhiệm vụ lo hương khói, giúp người Chăm thực hiện các nghi lễ. Nơi đây thờ thần Shiva - một trong những vị thần Ấn Độ giáo được sùng bái, tôn kính nhất trong văn hóa Chăm và vào thế kỷ 15.
Trong quần thể tháp còn có một số đền thờ để thờ công chúa Poshanư - con vua Para Chanh, một nhân vật từng có nhiều công lao trong việc giúp đỡ người dân truyền nghề trồng lúa nước, dệt vải thổ cẩm, trồng trọt, chăn nuôi.
“Tôi không đi đâu hết, đời tôi chỉ biết từ nhà, tới tháp Pô Sah Inư, làm lễ cúng cho bà con người Chăm…” - cụ Bính nói và khuôn mặt sáng lên niềm hạnh phúc. Cụ bảo rằng, cuộc đời của mình như vậy là rất tốt, được gác đền Pô Sah Inư, được mang lời nguyện cầu của người Chăm gửi gắm đến thần Shiva. Khi tôi hỏi cụ về “con mắt thần Shiva”, cụ nói rằng, thần Shiva nhìn thấy mọi nẻo trên thế gian này.
Mắt thần Shiva là một câu chuyện được kể lại suốt mấy trăm năm qua. Đó là năm 1666, tiểu vương Vijaya đã mua viên kim cương quý, nặng 119 carat và gắn vào trán bức tượng thần Shiva tại đền thờ ở bang Rajasthan.
Đến năm 1667, con mắt đã bị đánh cắp bởi một thương nhân người Pháp. Ông này bán cho vua Louis 14 với giá 174kg vàng. Thương nhân Pháp sau đó chết thảm, còn vua Louis 14 bị chém đầu.
Lịch sử từng ghi lại, các tăng lữ đền thờ Tarameshwara từng phát đi lời nguyền, “ai sở hữu mắt thần Shiva thì sẽ gặp chuyện chí tử”, nên cụm từ “con mắt thần Shiva” cũng là nhắc đến sức mạnh huyền diệu của thần linh.
Cụ Bính nói chậm, âm giọng vang to, phát ra từ lồng ngực một cách chắc chắn, khiến tôi có ấn tượng ngay từ giây phút đầu. Nhìn bề ngoài thì cụ mộc mạc với bộ quần áo trắng, chiếc khăn đội đầu và mắt luôn hướng về ô cửa sổ - nơi thường vang lên tiếng nguyện cầu vị thần Shiva - thần hủy diệt, sáng tạo và sự khởi đầu.
Cụ Bính cho biết: “Bà con người Chăm ở địa phương và các tỉnh thường tới đây hành lễ, gửi lời nguyện cầu để có sức khỏe, làm ăn thuận lợi, có nhiều người xin sinh con, có nhiều cha mẹ nguyện cho con học hành đỗ đạt, thi đậu vào các trường mà họ kỳ vọng”.
Cuối buổi chiều, vẫn có những đoàn khách đến tham quan, có người vào tháp để viếng. So với nhiều khu đền tháp Chăm, Pô Sah Inư thực sự đang có sự sống sau gần 1.300 năm. Du khách đến tham quan có thể bước vào bên trong từng gian tháp, thắp nén hương và quỳ bái. Trong những gian tháp cổ, khói lam vẫn phảng phất bay ra từ các ô cửa đầy muội khói màu đen.
Do lòng tháp hẹp, nên mỗi lần vào hành lễ chỉ ngồi được khoảng 3 - 4 người. Giữa chiếc chiếu và mâm cúng là chiếc yonni bằng đá, nhiều chiếc quạt giấy, những chiếc khăn choàng vai, những ngọn đèn được tô điểm hình bông hoa màu trắng.
Tháp Pô Sah Inư vừa mới diễn ra lễ hội Ka tê vào ngày 25/10. Cụ Bính vui mừng nói về ngày lễ tươi vui với những chiếc trống trống Paranưng, chiêng, kèn Xaranai, Grong (lục lạc), đàn Kanhi, trống Gi năng bập bùng điệu hồn Chămpa.