(QNO) - Thương lái thu mua ốc bươu vàng số lượng lớn đã tạo cơ hội cho người dân Thăng Bình có thêm nguồn thu nhập từ việc bắt ốc.
Hơn 10 ngày qua tại điểm thu mua ốc bươu vàng của chị Nguyễn Thị Lương (thôn Bình Hiệp, xã Bình Phục, Thăng Bình) có rất đông người đến bán ốc và chị phải thuê thêm 3 lao động để phụ việc. Ốc sau khi thu mua sẽ cho vào bao loại 50kg chờ thương lái đến vận chuyển.
Theo chị Lương, ốc bươu vàng được các thương lái tỉnh Bình Định thu mua để làm thức ăn cho cá hoặc làm bột cho gia súc, gia cầm. “Bình thường mỗi ngày tôi thu mua được gần 10 tấn ốc, có nhiều ngày lên đến 15 tấn. Có bao nhiêu là tôi thu mua hết” - chị Lương cho biết.
Theo tìm hiểu, giá ốc thay đổi theo ngày, trung bình 4.000 - 5.000 đồng/kg. Đẩy chiếc xe đạp chở gần 20kg ốc đến bán, bà Nguyễn Thị Cúc (74 tuổi, thôn Bình Hiệp) nhận được 90 nghìn đồng cho công sức một ngày nhặt ốc trên các đám ruộng.
Bà Cúc chia sẻ: “Năm nay ốc nhiều. Dù tuổi già, chân tay đau nhức nhưng thấy ốc được giá nên tôi tranh thủ ra đồng bắt kiếm thêm ít đồng mua mắm muối. Người lanh lẹ có thể kiếm được 200 - 300 nghìn đồng/ngày. Có nhiều người còn đi soi, bắt ốc cả đêm, thu nhập được lắm”.
Hiện nay tại nhiều cánh đồng, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân cặm cụi bắt ốc bất kể ngày giờ. Một phụ nữ lớn tuổi khác là bà Vương Thị Chanh (thôn Bình Hiệp) cho biết, mỗi ngày bà có thể kiếm thêm thu nhập 150 - 200 nghìn đồng từ việc bắt ốc. Đây là số tiền kha khá để bà trang trải cuộc sống.
Theo nhiều người dân, tháng 8 vụ lúa hè thu kết thúc, ruộng đồng ngập nước, cỏ mọc um tùm là môi trường thích hợp cho ốc bươu vàng sinh trưởng. Tháng 12 ruộng được cày bừa sạch cỏ, chuẩn bị sản xuất vụ lúa đông xuân, lúc này mặt ruộng trống trơn, ốc lộ ra dễ bắt.
Ông Hồ Ngọc Quảng - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình cho rằng, nông dân đi thu gom ốc vệ sinh đồng ruộng là tín hiệu tích cực. Bởi ốc bươu vàng là đối tượng ngoại lai xâm nhập vào đồng ruộng địa phương tương đối khá lâu. Hằng năm, nhất là vụ đông xuân, ở vùng trũng thấp ốc bươu vàng gây hại hơn 300ha.
Ông Quảng phân tích, đầu vụ gieo sạ, nông dân đều phải dùng thuốc để phun trừ ốc bươu vàng. Tuy vậy năm nay, người dân tập trung bắt ốc bươu vàng là một điều có lợi, vừa đỡ chi phí vừa giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường.
Clip thu mua ốc bươu vàng:
Tuy nhiên ông Quảng cũng cho rằng, việc thu gom ốc phải có nơi tiêu thụ. Trong quá trình vận chuyển cũng như lưu trữ tại các điểm buôn bán phải được bảo vệ không cho ốc tràn ra bên ngoài. Khi ốc đã trở thành sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường thì không còn nằm trong tầm kiểm soát của ngành nông nghiệp.
“Việc mua bán phải có sự kiểm soát tốt, không gây bất ổn. Bởi ốc bươu vàng là đối tượng đa thực, môi trường sinh sống tương đối khá nên khi thu gom phải được bảo quản tốt, nếu không sẽ trở thành hiểm họa cho môi trường” - ông Quảng nhìn nhận.
Ốc bươu vàng có tên khoa học Pomacea canaliculata, du nhập vào Việt Nam thập niên 80 của thế kỷ trước, trở thành một trong những sinh vật gây hại nghiêm trọng nhất cho nền nông nghiệp. Chúng có thể sống đến 6 tháng trong điều kiện khô hạn, đến khi gặp nước thì sinh sôi trở lại. Ốc bươu vàng đẻ 200 - 300 trứng trong khoảng 3 giờ.