Cây đa Tân Trào |
“Nếu dân tộc không có vinh dự sinh ra được một Hồ Chí Minh, thì lịch sử hiện đại Việt Nam sẽ ra sao, có đạt nổi chăng những thành tựu mà ngày nay chúng ta hạnh hưởng?” (Vĩ đại Một Con Người - Giáo sư Trần Văn Giàu) |
Lán Bác ở thật đơn sơ, cột bằng cây rừng, vách đan phên nứa, mái lợp lá gồi. Lán có hai gian chừng 15 -16 mét vuông. Gian trong – nơi Bác thường nằm nghỉ, trải chiếc chiếu một cùng cái chăn chiên. Gian ngoài, bàn ghế ghép tre nứa, là nơi Bác làm việc và tiếp khách... Chuyện kể lại có hôm, sốt cao quá Bác bị mê sảng, đột nhiên từ đâu xuất hiện một già lang người Tày, bốc thuốc Nam chữa cho Bác, Bác khỏe rồi ông cụ đi mất. Lúc tỉnh, Bác lại bàn công việc, về chuẩn bị tổng khởi nghĩa.
Cao trào kháng Nhật, cứu nước bấy giờ đã cuồn cuộn từ Bắc chí Nam. Bác đã giục Trung ương chuẩn bị cho cuộc họp toàn quốc của Đảng và Quốc dân đại hội từ tháng 7.1945. Bác dặn đi dặn lại đồng chí Võ Nguyên Giáp rằng “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Rồi thời cơ chín, giờ khởi nghĩa điểm: Mỹ ném bom nguyên tử, Nhật đầu hàng. Bác và Đảng triệu tập Quốc dân đại hội tại Tân Trào (ngày 16 và 17.8), ban hành Lệnh Tổng khởi nghĩa ngày 16.8, quân Giải phóng tiến công ở Thái Nguyên, Tuyên Quang. Ngày 19.8 khởi nghĩa thành công ở Hà Nội. Ngày 23.8 khởi nghĩa thành công ở Huế. Ngày 25.8 khởi nghĩa thành công ở Sài Gòn. Chưa đầy một tuần lễ, Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8 đã thành công thần tốc, trọn vẹn! Giáo sư Trần Văn Giàu so sánh: khoảng cách giành chính quyền ở Hà Nội và Sài Gòn cũng là khoảng cách giữa khởi nghĩa Lêningrát và Mátxcơva!
“Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, đã hết sức kịp thời giống như bắn rơi nhạn đương bay. Quân Đồng minh vào thì khi đó cả dân tộc Việt Nam đã làm lễ Quốc khánh 2.9, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, hàng chục triệu người Việt Nam đã thề đem trí tuệ, của cải, tính mạng của mình để bảo vệ giang sơn mới giành lại được sau gần 80 năm chiến đấu ”(Trần Văn Giàu – Vĩ đại Một Con Người, NXB Chính trị Quốc Gia, 2008)
Rõ ràng, ý chí và quyết tâm của Bác đã trở thành ý chí và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta, trở thành nguồn sức mạnh to lớn có ý nghĩa quyết định đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng 8 năm 1945, lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầu tiên tại châu Á. Tiếp đó, để bảo vệ độc lập thống nhất, Việt Nam phải đương đầu với 2 cường quốc phương Tây trong cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm, một cuộc chiến tranh bi hùng nhất của thế kỷ 20, người đứng đầu và linh hồn của cuộc chiến tranh giải phóng đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Điều thế giới lấy làm lạ, Việt Nam có đến 54 dân tộc anh em nhưng có chung một Tổ quốc, đoàn kết với nhau quanh một Đảng lãnh đạo, một lãnh tụ kính yêu là Hồ Chí Minh, vui buồn, sướng khổ, sống chết có nhau. Vì sao Việt Nam lại đạt được thành tựu tốt đẹp đó ? Trước hết là nhờ tư tưởng Đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh. Với tư tưởng “Bốn phương vô sản đều là anh em”, năm 1941, khi trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác cũng coi các dân tộc ít người sống trên dải đất Việt Nam đều là người một nhà, đều là anh em ruột thịt. Chính vì vậy, trong công tác cách mạng, Bác có lòng tin tuyệt đối vào quần chúng cách mạng của đồng bào thiểu số.
Thử thống kê danh sách 34 chiến sĩ đầu tiên của Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập ngày 22.12.1944, tôi thấy có 29 người là đồng bào dân tộc thiểu số (19 người dân tộc Tày, 8 người Nùng, 1 người Dao, 1 người Mông và 5 người Kinh). Rất nhiều người sau này trở thành các vị tướng nổi tiếng của quân đội nhân dân anh hùng của chúng ta như: Đàm Quang Trung, Lê Quảng Ba, Bằng Giang, Nam Long... Và lực lượng bảo vệ tin cậy nhất bên cạnh Bác, trước, trong và sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, cả những năm tháng chiến đấu ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp không chỉ là những người Kinh, mà phần lớn là những chiến sĩ xuất thân từ các dân tộc thiểu số của chiến khu Việt Bắc. Cũng như Lê-Nin trong Cách mạng tháng 10 Nga vĩ đại, Bác tin tưởng tuyệt đối vào những chiến sĩ cách mạng của bất cứ dân tộc nào, đa số hay thiểu số!
Đặc biệt, Bác không chỉ quan tâm tới việc bồi dưỡng, chăm sóc giáo dục nhi đồng, thanh niên, phụ nữ các dân tộc thiểu số mà còn rất quan tâm tới các cụ già, những “già làng”, những thủ lĩnh của các dân tộc. Bác tỏ thái độ bao dung, đoàn kết thực sự với cả những người trước đây từng làm quan trong chế độ cũ, thậm chí những người từng chống lại cách mạng. Ông Vương Chí Sình, “Vua Mèo” cũ, sau khi trở về với lực lượng cách mạng, đã được Bác tặng thanh gươm “Tận trung báo quốc”( Hết lòng trung thành với nước, quyết không chịu làm nô lệ). Cụ Vi Văn Định – người Nùng, thời Pháp thuộc từng làm tổng đốc các tỉnh Thái Bình và Hà Đông, đã được Bác mời tham gia kháng chiến, sau trở thành Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam. Ông Lý Nhủ Chu, người Mông, trước Cách mạng Tháng 8 làm thống lý ở Nghĩa Lộ, được giác ngộ cách mạng, trở thành vị chỉ huy du kích nổi tiếng, được phong tặng danh hiệu anh hùng du kích của Tây Bắc.
Trong Di chúc để lại cho nhân dân ta, Bác viết: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Chính vì Bác luôn luôn tin tưởng, yêu mến, làm mọi điều vì hạnh phúc cho nhân dân, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số, nên nhân dân và các dân tộc thiểu số luôn tin tưởng, kính yêu, đoàn kết xung quanh Bác, bảo vệ Bác.
Tháng 5 này, được về thăm Tân Trào – Cái nôi Cách mạng Việt Nam, hình ảnh của Bác trong thơ Tố Hữu bất chợt ùa về:
“Nhớ ông Cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải, đẹp tươi lạ thường!
Nhớ Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi rừng núi trông theo bóng Người”
XUÂN LAN