Xin mượn câu thơ Thâm Tâm trong “Tống biệt hành” để nói về một câu chuyện khác: sự rời bỏ việc làm của nhiều người từ khu vực công sang tư. Chẳng hạn vẫn nóng sốt là nhân lực ngành y tế, có tình trạng “tháo chạy của nhân viên y tế khỏi hệ thống công lập” như cách gọi của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu.
Liên quan chuyện nêu trên, cuối năm ngoái, Báo Quảng Nam đã đăng loạt bài “Chật vật nguồn nhân lực ngành y”. Loạt bài phản ảnh nhiều vấn đề, trong đó có nêu “những mảnh ghép trống trải trong bức tranh hệ thống y tế tại Quảng Nam” là “người giỏi vẫn đang rời bệnh viện công; lãnh đạo bệnh viện xoay xở để tăng thêm nguồn thu cho nhân viên; một số khoa không hoạt động vì thiếu nhân lực...”.
Chia vui ở góc độ tác phẩm báo chí, loạt bài vừa nêu đã đoạt được giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng của tỉnh và giải báo chí Quốc gia. Nhưng có lẽ ở góc nhìn quan tâm về y tế, đó lại là câu hỏi đặt ra nhức nhối, đầy trăn trở, chưa có lời giải đáp triệt để.
Bởi, trong khi chưa đạt được tỷ lệ 12 bác sĩ/vạn dân, ngành y tế Quảng Nam còn đối mặt nhiều khó khăn như cơ cấu chuyên môn bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ cho lĩnh vực điều trị chưa đảm bảo, thiếu bác sĩ và ê kíp chuyên sâu ở một số lĩnh vực, nhân lực y tế cơ sở cũng thiếu trầm trọng, lại thêm “chảy máu” nhân lực nữa…
Không riêng trường hợp Quảng Nam, nhiều tỉnh thành trong nước cũng đang đứng trước nan đề về nhân lực ngành y tế. Một thống kê gần đây cho thấy, ngay cả ở khu vực trọng yếu như TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ nhân viên y tế cơ sở trên số dân còn rất thấp - 2,3 người/vạn dân. Trong bối cảnh đó, việc biến động nhân lực y tế công lập bồi thêm sự xáo trộn đáng báo động.
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cho biết trên VnExpress, tính riêng quý I năm nay tại TP. Hồ Chí Minh, 400 nhân viên bệnh viện công và các trạm y tế nghỉ việc - bằng tổng số người nghỉ việc trung bình mỗi năm - trước đại dịch. Trước đó, năm 2021 ngành y tế thành phố có số người nghỉ việc tăng đột biến là 1.154.
Ở nhiều địa phương có tình trạng dịch chuyển “ồ ạt” cán bộ y tế từ đơn vị công lập sang tư nhân, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ, bác sĩ sau đại học, khiến cho nhiều cơ sở y tế công lập gặp khó khăn và chưa đáp ứng kịp thời trong việc cử cán bộ đi đào tạo ê kíp chuyên sâu theo quy định…
Khu vực y tế công lập đã gặp khó càng khó thêm nếu có sự “tháo chạy” bởi dẫn đến xáo trộn quá nhanh về nhân sự trong hệ thống công sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt là với những người dân chưa có điều kiện tiếp cận các phòng khám và bệnh viện tư.
Có gợi ý giải pháp từ các chuyên gia là cần phát triển y tế cơ sở để làm bệ đỡ giải quyết vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhiều lần nêu ý kiến trên diễn đàn Quốc hội.
Hay như PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp (Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cho rằng: “Nếu phát triển y tế chuyên sâu mà quên đi y tế cơ sở thì cả hệ thống không cất cánh lên được”. Nhưng chuyện đó khó giải quyết một sớm một chiều.
Trong khi các bệnh viện công tiếc rẻ không giữ được người tài, người có chuyên môn cao, thì cơ sở y tế tư nhân lại mừng khi đón được nhân lực chất lượng cao dịch chuyển qua.
Sự rời bỏ của nhiều bác sĩ từ hệ thống công lập qua tư nhân, nhìn ở góc độ chuyển hóa “tuần hoàn” thì vẫn tốt cho việc nâng cao năng lực y tế, nhưng hiện tại xa xót chính là phía đại đa số bệnh nhân nghèo sẽ khó được bác sĩ giỏi chăm sóc sức khỏe. Nếu chưa có chính sách đãi ngộ và giải pháp hợp lý thì khó xoay xở với bài toán nhân lực cho hệ thống y tế công lập, đành chép miệng ừ nhỉ với người đi.