Nói đến những người lính hình sự ở Công an Quảng Nam, người trong ngành không ai không biết Thượng tá Ngô Quốc Ánh - Đội trưởng Đội trọng án, Phòng PC45. Hầu hết vụ trọng án trên địa bàn Quảng Nam đều có sự tham gia của ông. Từ rất lâu, ông đã là “khắc tinh” của tội phạm hình sự.
Thượng tá Ngô Quốc Ánh lên kế hoạch phá án. Ảnh: PHƯƠNG NAM |
Tận tụy trong công việc
Sau rất nhiều lần hẹn, cuối cùng tôi cũng có cuộc gặp với Thượng tá Ngô Quốc Ánh. Ông bắt đầu câu chuyện của mình bằng lời tâm sự rất chân thành: “Nghề cảnh sát hình sự vất vả, mỗi vụ án là một thử thách mà chúng tôi ai cũng phải vượt qua”. Trong từng vụ án, Thượng tá Ngô Quốc Ánh đã không ngại gian khổ, khó khăn, cùng đồng đội cẩn trọng xác minh, điều tra, đánh giá chứng cứ để nhanh chóng phát hiện tội phạm, không bỏ lọt kẻ phạm tội và không làm oan người ngay. Nhiệt tình, khẩn trương, ông còn xây dựng cho mình tác phong kiên quyết, khôn khéo, khi tiếp nhận và xử lý tin tố giác tội phạm của người dân. Từ những sợi tóc đến tàn thuốc vứt bỏ tại hiện trường hay một cái tên lưu lại trong danh bạ điện thoại cũng trở thành manh mối để ông và đồng đội phá án.
Điển hình như vụ án giết người xảy ra vào ngày 4.4.2012 tại Tam Xuân 1, huyện Núi Thành. Nạn nhân là bà Nguyễn Thị Th. (SN1973), hành nghề bói toán và chữa bệnh đông y. Tại hiện trường, hung thủ không để lại dấu vết gì. Cũng không có bất kỳ ai nhận dạng được hung thủ. Vậy mà, chỉ từ một cái tên “Hoa” lưu trong danh bạ của nạn nhân với số thuê bao “không liên lạc được”, Thượng tá Ngô Quốc Ánh và đồng đội đã truy tìm ra “người đàn bà bịt mặt bí ẩn”.
Nhạy bén và linh hoạt
Thượng tá Ngô Quốc Ánh tâm sự, trong công tác điều tra, khám phá án, một trong những yếu tố quan trọng nhất là sự nhạy bén. Từ người trinh sát khi đi xác minh đến điều tra viên đánh giá tài liệu chứng cứ, cho đến người lãnh đạo chỉ huy đều phải nhạy bén, nhận định đúng tình hình và ra quyết định có đưa đối tượng vào diện theo dõi hay không. Mỗi vụ án, mỗi đối tượng đều có những đặc điểm khác nhau nên đòi hỏi cán bộ trinh sát, điều tra viên phải biết vận dụng biện pháp nghiệp vụ phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất.
Một vụ án đã từng gây chấn động dư luận và kết quả phá án gắn liền với sự tài tình, khéo léo của Thượng tá Ngô Quốc Ánh là vụ án xảy ra ngày 15.3.2012 tại Phú Ninh. Nạn nhân H.T.D... (SN 1997) khi bị sát hại đã có thai tháng thứ 5. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Thượng tá Ngô Quốc Ánh và đồng đội đã đủ cơ sở xác định, kẻ giết nạn nhân chính là L.Đ.D. (SN 1991, Khánh Thọ, Tam Thái, Phú Ninh). Thế nhưng sau khi án mạng xảy ra, D. không hề có mặt ở địa phương. Không chần chừ, ông và đồng đội đã vào TP.Hồ Chí Minh để bắt giữ đối tượng. Biết không thể qua mặt điều tra viên lão luyện, D. đã thú nhận tội. Nhưng thật bất ngờ, kết quả giám định cho thấy cha đẻ của thai nhi nạn nhân đang mang lại không phải là D. Vậy là, một nhiệm vụ đặt ra cho ông và đồng đội là phải xác định cha đẻ thực sự của thai nhi mà nạn nhân đang mang? Trong khi đó, nạn nhân đã tử vong, không còn manh mối. Thế nhưng, bằng tinh thần trách nhiệm và sự sáng suốt, Thượng tá Ngô Quốc Ánh đã sàng lọc hàng chục đối tượng để tìm ra “tác giả” của bào thai trong bụng nạn nhân là M.Q.T. (SN 1958), người tình của mẹ B. Cho đến khi M.Q.T nhận tội, người dân trong thôn và kể cả bà T.T.T. (SN 1958) - mẹ nạn nhân cũng bàng hoàng, sửng sốt.
Sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ
Điều tra trọng án là công việc rất vất vả và đối mặt với nhiều hiểm nguy. Thượng tá Ngô Quốc Ánh chia sẻ: “Có những vụ án chúng tôi làm rõ rất nhanh. Nhưng cũng có những vụ, phải lao động cật lực suốt nhiều tháng trời. Hình ảnh những người vô tội bị sát hại hay sự lo lắng, hoang mang của người dân thôi thúc chúng tôi bằng mọi cách đưa kẻ phạm tội ra ánh sáng”.
Đầu năm 2013, trên địa bàn huyện Nam Giang đã có hàng loạt cô gái bị đối tượng xấu lừa bán sang Trung Quốc dưới thủ đoạn đưa người đi tìm việc làm. Từ sự trở về của nạn nhân Ka Phu Don (SN 1986, Cà Dy, Nam Giang), Thượng tá Ngô Quốc Ánh và đồng đội đã phát hiện ra đường dây buôn người do vợ chồng Nông Thị Bé (SN 1984, Hữu Lũng, Lạng Sơn) cầm đầu. Tiếp nhận thông tin từ nạn nhân, ông và đồng đội đã vạch một kế hoạch hoàn hảo bắt gọn vợ chồng đối tượng Bé tại bến xe Đà Nẵng vào ngày 3.8.2013. Được sự chỉ đạo của cấp trên, ông quyết tâm mở rộng điều tra vụ án để giải cứu các nạn nhân khác cũng như đưa những kẻ buôn người giấu mặt ra đền tội. Không bao lâu sau đó, ngày 14.9.2013, các đối tượng buôn người sừng sỏ như Lương Thị Mằn (SN 1989), Lương Thị Lan (SN 1992), Cụt Văn Yên (SN 1982, cùng ngụ xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) bị bắt giữ ngay tại TP.Vinh, Nghệ An. Cùng ngày, Vi Văn Hữu (SN 1993, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, Quảng Nam) bị bắt tại Nam Giang. Tiếp đến, 19 giờ 30 phút ngày 30.9.2013, Xên Văn Dần (SN 1987, thôn Pà Xua, xã Tà Bhing) cũng đã bị bắt khẩn cấp về hành vi mua bán người.
Làm cảnh sát hình sự đã vất vả nhưng làm cảnh sát hình sự ở một tỉnh có nửa địa bàn là miền núi như Quảng Nam càng khó khăn, vất vả hơn nhiều. Có những vụ án xảy ra ở vùng sát biên giới Việt - Lào hay các vùng cao mà ông phải mất cả một ngày băng rừng mới đến nơi. Bên cạnh rừng núi hiểm trở là nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế nên công tác điều tra, khám phá án gặp không ít khó khăn. Nếu không có tình yêu nghề, không có sự nhiệt huyết thì khó hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thượng tá Ngô Quốc Ánh tâm sự, mỗi khi đi “đánh án”, ông và đồng đội luôn tập trung cao độ, không phân tán tư tưởng vào những việc khác để đánh giá đúng sự việc và có nhận định đúng về động cơ, mục đích phạm tội, từ đó đề ra các giả thuyết điều tra cho phù hợp.
Nói về Thượng tá Ngô Quốc Ánh, Đại tá Nguyễn Thế Nghiệp - Trưởng phòng PC45 cho biết: “Hầu hết những vụ án khó, phức tạp xảy ra ở các địa phương sát biên giới hay ở tỉnh bạn, đồng chí Ánh đều tham gia với vai trò chủ lực. Có ngày đồng chí tham gia khám nghiệm tử thi đến 3 vụ, có vụ xác chết đã bị phân hủy lâu ngày rất hôi thối, độc hại. Bất cứ nhiệm vụ nào giao, đồng chí cũng thực hiện với tinh thần tận tụy và nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của người đội trưởng…”.
PHƯƠNG NAM