Người đóng chiến thuyền cho hai triều đại

PGS-TS. NGÔ VĂN MINH 26/03/2016 09:28

Có một người đóng vai trò quan trọng trong việc chế tạo các chiến thuyền cho cả nghĩa quân Tây Sơn lẫn quân chúa Nguyễn vào giai đoạn cuối, cũng như có công xây dựng thủy quân của nhà Nguyễn vào những năm đầu của vương triều này, đó là ông Trần Văn Thái, người tỉnh Quảng Nam.

Một mô hình tàu chiến của thủy quân Tây Sơn,                                                                              trưng bày tại Bảo tàng Tây Sơn (Bình Định).
Một mô hình tàu chiến của thủy quân Tây Sơn, trưng bày tại Bảo tàng Tây Sơn (Bình Định).

Những chứng nhân phương Tây có mặt ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, khi viết về quân đội của Tây Sơn và chúa Nguyễn đều ghi lại đội chiến thuyền hùng hậu của cả hai thế lực. Jean-Baptiste Chaigneau (sĩ quan người Pháp tham gia giúp đỡ Nguyễn Ánh) đã phải thán phục trước sự to lớn như một pháo đài di động của những chiến thuyền Tây Sơn, mỗi chiếc có  600 - 700 thủy thủ, trang bị 50 hay  60 đại bác nặng 24 cân Anh (livres). Điều đặc biệt là kỹ thuật chia đáy thuyền ra thành nhiều khoang khác nhau nên thuyền dù có va phải đá ngầm cũng không chìm. Số lượng thuyền chiến và thuyền vận tải của Tây Sơn có đến hơn một nghìn chiếc. Chaigneau cho biết chỉ riêng ở Quy Nhơn, thủy đội Tây Sơn đã có 54 tàu, 93 chiếc thuyền, 300 pháo hạm, 100 tàu buồm trang bị khá hùng hậu.

Còn với quân của chúa Nguyễn vào giai đoạn cuối của cuộc chiến với Tây Sơn, theo John Barrow dẫn thông tin của thuyền trưởng Barissy cho biết, Nguyễn Ánh đã xây dựng được một lực lượng thủy quân 26.800 người, trong đó có 8.000 thợ thủ công trong các xưởng sản xuất vũ khí của hải quân, 8.000 thủy thủ đã đăng ký và được đưa lên trên những tàu ở cảng, 1.200 người phục vụ trên các tàu đóng theo kiểu châu Âu, 1.600 người phục vụ trên các thuyền mành, 8.000 người phục vụ trên 100 thuyền chiến chèo tay. Ông Trần Văn Thái là người đóng vai trò quan trọng trong việc chế tạo các chiến thuyền này cho cả nghĩa quân Tây Sơn lẫn quân chúa Nguyễn cũng như có công xây dựng thủy quân của nhà Nguyễn vào những năm đầu của vương triều này.

Tranh phác họa chiến thuyền của thủy quân triều Nguyễn.
Tranh phác họa chiến thuyền của thủy quân triều Nguyễn.

Các sách Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện của Quốc Sử quán triều Nguyễn đều cho biết, ban đầu Trần Văn Thái giữ chức Cai bạ kiêm Công bộ của nhà Tây Sơn. Khi Nguyễn Ánh từ Gia Định đánh ra Thị Nại (Quy Nhơn) vào năm 1793, Trần Văn Thái cùng một số tướng khác của Tây Sơn đem hơn 300 quân ra hàng, được Nguyễn Ánh trọng dụng, lúc đầu bổ làm tri đồ gia cai bạ, sau sung làm Công bộ. Đến năm 1796 lực lượng thủy quân của Nguyễn Ánh đã hình thành đến 5 doanh, mỗi doanh có 3 chi trung, tiền, hậu. Chánh quản doanh thống lĩnh tướng sĩ bản doanh, phó doanh chuyên quản trung chi. Là người có tài đóng thuyền cho Tây Sơn nên Trần Văn Thái được Nguyễn Ánh giao cùng với Võ Di Nguy quản doanh Trung thủy kiêm coi công việc sửa đóng thuyền của cả 5 doanh thủy quân. Sau khi quân Nguyễn Ánh đánh chiếm được Quy Nhơn (1799), ông nhận trách nhiệm cùng với Phạm Văn Nhân, Võ Di Nguy thống lãnh các hạng thuyền ghe, sau đó lại được giao trông coi các đội Mộc đĩnh, Thuyền ban và Triều hạ. Đến khi lên ngôi (1802), Gia Long giao ông quản thêm ban tào vận, rồi kiêm quản cả công việc Trường Đà. Quân Trường Đà không chỉ có các đội công sai gồm Trường Đà, Thuận Thủy, Mã Hải, Kỵ Hải, Trường Thọ hằng năm vận chuyển thóc thuế ở các địa phương về Kinh, mà đáng chú ý là đến năm 1805 còn bao quản cả hai đội Hoàng Sa và Bắc Hải được lập ra để đi xác lập, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo từ miền Trung cho đến tận phía tây nam của đất nước (bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa). Năm 1803 vua Gia Long tuần thú Bắc thành, Trần Văn Thái được tin tưởng giao cùng với Phạm Văn Nhân và Nguyễn Văn Khiêm ở lại giữ kinh thành Huế. Cũng trong năm này, ông trông coi đóng các thuyền hải đảo [thuyền đi biển], thuyền thủ quyển [thuyền đầu cong], thuyền sam bản [thuyền ván sam]. Năm 1806 ông lại được kiêm lĩnh cả doanh Phấn dực các thủy doanh. Ba năm sau (1809) được cải thụ Công bộ Thượng thư kiêm thống quản các doanh thủy quân. Căn cứ vào việc đặt chức Thượng thư lần đầu tiên cho 6 bộ dưới triều Gia Long vào năm 1809 thì ông Trần Văn Thái là vị Thượng thư Bộ Công đầu tiên dưới triều Nguyễn, nhưng chỉ được 1 năm thì ông qua đời, được triều đình cho quân lính đưa tang về làng, lại cấp cho 3 người mộ phu. Theo sắc phong ngày 13.3 năm Gia Long thứ 9 (1810) thì ông được ban tước đầy đủ khi mất là Sùng phiến Tư lộc đại phu Trụ đức tham chính Quý đức hầu. Hiện còn mộ ông tại thôn Lộc Ngọc (nay thuộc xã Tam Tiến, huyện Núi Thành). Quốc Sử quán triều Nguyễn ghi nhận: “Thái là người có tài khéo, phàm chỉ bảo cách thức đóng các thuyền đều do ở tay Thái cả”.

PGS-TS. NGÔ VĂN MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người đóng chiến thuyền cho hai triều đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO