Người già, ở đâu cũng nói chuyện già

TRUNG VIỆT 18/06/2019 10:06

Bữa đó, tôi ngồi với ông Bảy Nhơn. Lý do gặp ổng cũng vì dính mưa. Mùa gió chướng thổi căm căm trong mịt mù mưa, như màn chào đón tôi khi vừa đặt chân tới Châu Đốc - An Giang. Xe khách thả xuống tầm 4 giờ sáng. Thành phố của vùng đất trù phú top đầu miền Tây, y như Tam Kỳ giờ đó mùa mưa. Vắng ngắt. Không dám thức bạn đồng nghiệp ở đây dù y nói rằng mày tới a lô tao đón, tôi lếch tìm quán cà phê  gần bến xe. Ướt sũng...

Thờ cúng tổ tiên, đâu chỉ chuyện phải quay về...
Thờ cúng tổ tiên, đâu chỉ chuyện phải quay về...

1. “Mưa quá hả chú em ?”. Ông già, vị khách duy nhất trong quán chào tôi thân thiện. Tôi dạ, và nói thiệt từ Quảng Nam vào công tác, lớ ngớ đường sá mà trời kiểu ni, chẳng biết tính sao. Ông xô ghế đứng lên, chụp tay lên vai tôi: “Chú ở Quảng Nam hả?”. Linh tính báo tôi biết ông ni chắc có dây nhợ chi ngoài mình rồi. “Tao dân Quế  Sơn đây”. Thế là khói thuốc lá um tùm theo mạch run run và sảng khoái. Rằng, ông ở Đông Phú, vô Sài Gòn trước 1975, lúc đó còn thanh niên. Làm thợ sửa xe máy bên Khánh Hội, đủ sống qua ngày. Rồi ông có vợ, bà vợ là người Long Xuyên.

Cặm cụi làm ăn, sinh được hai đứa con, con gái lên mười thì bị uốn ván chết. Thằng con trai, năm 1989 mới đẻ. Nó về quê ngoại chơi, dính luôn vô “tròng” một em dưới đó. “Con không thích ở Sài  Gòn - nó nói với tao vậy đó” - ông già kể - “tao nói người ta tìm tới mà sao mày định bỏ, không thích thì đi đâu, không lẽ về quê. Nó bật lại, quê gì, về làm gì, có quen đâu mà về. Nó về quê vợ, đi buôn thuốc lá bên Miên, rồi về đây hùn hạp làm đông lạnh xuất khẩu cá. Thằng này biết tính tao và bả, nó đẻ thằng con, tao kêu lên chơi, nó nói bận quá, mỗi bận lên xuống xe cộ cực, hay ba má về dưới ở đi. Tao nghĩ mình già rồi, ở đâu có con cháu thì đó là nhà, thôi bán cái nhà ở quận 4, xuống đây đã 10 năm”.

“Chú sống ra răng?”. “Thì già rồi, sáng cà phê ăn sáng, chiều làm mấy chai, khỏe mà, nhưng có điều buồn mày ơi, hồi còn ở Sài Gòn, bà con ở mình tại đó tao quen nhiều, rồi bà con vô ra, tao về quê cũng dễ, mồ mả ông bà còn ngoài đó, giờ tuốt xuống dưới này, tự dưng thấy xa lắc”. Mưa mịt mù, tạt chéo tạt ngang, hắt hơi lạnh từ sông lên, khiến điếu thuốc trên môi ông già như bần bật theo cơn xúc động. “Già rồi, nhớ quê thôi, nhưng chắc chết chôn xứ này”. Đường về quê xa lắc lê thê. Xa theo vạn lý đã đành, xa trong ngút ngàn mưa nắng xiên qua ký ức. “Thì một vài năm, chú nói thằng con đưa về …”. “Nó làm biếng, mình già rồi, xe cộ đi đứng đâu có dễ”.

Câu nói này là câu trả lời gián tiếp cho không ít thanh niên chạy xe ôm ở Sài Gòn dân miền Trung mà tôi đã gặp. Hầu hết nói ông già vô đây lâu, hình như quê em ở huyện đó, xã đó, lâu không về, chỉ ông bà siêng thôi. Khái niệm quê kiểng ở người ta, hình như chỉ liên quan đến những ai đã từng ra đi từ đó, còn đến thế hệ kế tiếp, quê chỉ biết qua lời kể, tờ khai sinh, lý lịch, chẳng dính dáng chi. Tôi vẫn nghiêng về một khẳng định rằng, vốn liếng văn hóa đời người, phần lớn có hết, in đậm hết, dẫu ít hay nhiều đều ở… máy chủ là thời trẻ con. Vì thế không thể trách những đứa trẻ lớn lên ở xứ khác, quê nhà là cái gì đó trừu tượng, mơ hồ, có cũng như không.

“Bao giờ mày về?”. Ông Bảy Nhơn hỏi với giọng nghe nghèn nghẹn. Tôi thấy thương quá tâm tình xa xứ, có cái gì đó như cố níu một khoảng trời bất ngờ lạng qua rồi sẽ vụt bay không trở lại. Ngoài kia gió lạnh tơi bời. Mùa sa mưa ở miền Tây, tôi đọc trên báo, thấy con dân miền Tây thương lắm nhớ lắm, bởi mắm và cá vốn là đặc sản, vào trận từ mùa này đây. Còn ông già, một mình đôi mắt đã đục, sương khói quê nhà hay nén nhang mấy năm trước lễ tế xuân ông về quê đã thắp, giờ như còn tàn đỏ bay trong nỗi da diết chìm trong mưa mù trời mù đất...

2. Miền Tây xa đã đành, Sài Gòn mới đáng nói. Thế hệ sinh ra và lớn lên sau 1975, nếu có gốc ở quê, ví dụ như ở mình, chuyện quê kiểng, mồ mả, giỗ chạp ông bà, nếu có cũng chỉ là xuân thu nhị kỳ, tạt về rồi tạt đi. Một bữa, tôi dự trận rượu ở Tân Phú, chỗ ngã tư bốn xã gần đường Bình Long, một bên là Tân Phú bên kia là Bình Tân. Mấy ông dân Điện Bàn và Đại Lộc sau năm 1990 mới vô làm ăn, bàn luận chuyện con cái lớn lên có nên ở với cha mẹ lo hương khói không, rồi có phải thường xuyên về quê thăm bà con để khỏi mất gốc không? Ông Hai Tấn quê Đại Cường nói: “Theo tôi là cần; sống phải có tổ tiên, mình già phải làm gương cho con, tôi nhứt quyết con cái tôi không được lơ là”. Mấy ông gật rụp rụp.

Nhưng có một ông cự liền: “Thời này là thời nào mà mấy ông cổ lỗ! Tôi hỏi ông nghe, thằng con tôi nó là bác sĩ, chừ ngoài quê chú hắn thờ ông bà nội, mai mốt tôi chết, chú hắn cũng chết, không lẽ ông bắt hắn về quê thờ cúng hả? Mắc mớ chi không thờ cúng trong ni! Cúng mô không cúng, thờ mô không thờ, miễn là lòng thành. Tôi nói thiệt mấy ông, mình nói là nói cho vui, chứ thế hệ tụi hắn chừ khác. Ông mà bắt nó cúng quảy như ngoài mình được, chiều mai tôi mua đồ nhậu ông để trên bụng tôi nấu”. “Vậy, không cần hả chú?”. Tôi giở “nghề” dò. Ông này là tên Thắng, nói quê ở chợ Phú Thuận - Đại Thắng. “Tao nói mi biết, tau vô đây năm 1992, con tau chừ làm ở Thụy Sĩ, lâu lâu mới về. Tau không cần hắn thờ, bởi tâm linh, hiếu thảo, hương khói cho người thân khi chết là chuyện tự nhiên, đứa được giáo dục, có hiểu biết, tự hắn sẽ làm, mình không cần nhắc, chỉ cần mình cung kính làm gương với ông bà tổ tiên để cho hắn biết là sống có nguồn có gốc”.

Thế là cãi ầm lên. Tôi ngồi nghe, cười lộn ruột. Cái lý của ông Thắng là “chúng ta đều già, quê không nhớ thì nhớ chi, nhưng tôi hỏi các ông, các ông đang ở đâu, tại răng không ở ngoài quê mà giữ bàn thờ mà lại vô đây kiếm ăn, chừ lại bày đặt bắt con phải này nọ!”. Ông Hai Tấn nói: “Tôi về quê, nghe mấy ông mấy bà nói chu choa cái thằng nớ hắn hay kinh tội kinh, làm ăn rứa cực rứa mà không đi mô xa, giỗ quảy mồ mả đám chạp có hắn lo chứ mấy đứa tê cứ lơ lơ”. “Tôi hỏi ông hỉ” - ông Thắng trừng ông Hai Tấn – “hay là hay răng? Học hành không tới, mới ù ù cạc cạc đó là có vợ, đẻ cái rẹt, hết phép, đi mô được mà không ở nhà thắp hương! Thanh niên là chi? Là trẻ, phải đi ra, “đi buôn không lỗ thì lời, đi ra cho thấy mặt trời mặt trăng”. Nghĩa là đi mới mở mắt ra, mình được chi, thiếu chi, cần chi, có rứa đời mới khác. Hay ho chi ba cái chuyện mồ mả nhang khói quẩn quanh.

Tôi luôn thành kính tổ tiên, nhưng bắt con cái sống kiểu nớ tôi không ưng. Tại răng phải bắt tụi hắn sống theo ý mình, trong khi mình có sống giúp hắn không? Không thò đầu ra khỏi làng, thì lấy đâu ra thế hệ văn minh. Tại răng ngoài mình phải mò vô đây kiếm ăn, mà nói thẳng là theo con, con mình răng cứ ưng Sài Gòn mà không chịu về, bởi vì văn minh chứ chi!”. Mấy ông còn lại đuối lý, nhưng cái kiểu cãi cù nhầy cù lần dân Quảng Nam vẫn không bỏ. “Tôi thì rứa đó” - ông Hai Tấn cố vớt.

3. Tôi ngồi nhìn họ, nghĩ đến những điều mà những nhà nghiên cứu văn hóa có nói đến là những khoảng hở, đứt gãy trong tư duy văn hóa truyền thống ở quê, xuất phát từ sự thay đổi thành phần, thế hệ cư dân. Lớp trẻ dần dà ra đi, để lại người già và những ai không thể. Họ tìm về thành phố lớn, chấp nhận sống trong đủ thứ bùng nhùng, nhưng đó là quy luật.  Chính vì thế mới có xu hướng… nhang khói truyền thống được đốt lên lại, nhằm khơi gợi nếp sống quay về ở chính mỗi người. Nhưng xu hướng này xem ra chưa phải thành lối ứng xử mang tính tự thân, tỏa sáng tinh thần văn hóa đích thực, mà chủ yếu như phong trào. Sự cung kính trong mỗi nhà với kiểu nói như mấy ông già, rằng phải cúng quảy, lo lắng mồ mả, tạm nói như thế, tùy thuộc vô nếp nhà, xã hội có phong trào này xiển dương kia, chẳng đụng tới được đâu, khi cơn lốc đô thị hóa làng quê đang ngùn ngụt.

Tôi hỏi một ông quê ở Bình Nam - Thăng Bình là ông Nguyễn Chờ, hiện ngụ ở Bình Hưng Hòa - quận Tân Phú, chạy grab car tình cờ tôi làm khách, rằng anh có tính về không, thì ông nói rằng: “Ông già tau kêu về, nhưng tau thì không, bởi quê đâu cũng quê, nhớ về ông bà tổ tiên quê nhà, thiếu chi cách để thể hiện”… Hình như quê kiểng trong tâm thức lưu dân, bây giờ chỉ còn người già cô đơn, hành hạ chính mình. Người già ở đâu cũng nói chuyện già. Không biết đến thế hệ tôi, khi đã già, có vướng chuyện đó không?

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người già, ở đâu cũng nói chuyện già
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO