Người già ở phố

CHÂU NỮ 14/07/2018 10:44

Người già luôn lặng lẽ và nhẫn nại. Người già ở phố càng lặng lẽ, nhẫn nại hơn. Đôi khi còn có vẻ cam chịu. Tâm tính người già dường như trái ngược hẳn với sự ồn ào của phố xá tấp nập nhộn nhịp người xe.

Người già vui với con cháu, ruộng vườn. Ảnh: C.N
Người già vui với con cháu, ruộng vườn. Ảnh: C.N

1. Dù thuyết phục cỡ nào, cha mẹ tôi cũng nhất định không chịu “ra phố” ở với vợ chồng tôi. Năn nỉ lắm, cha mẹ mới bằng lòng thăm chơi vài ba bữa. À, mà có khi chỉ một bữa đã nhất quyết đòi về. Về, vì nhớ từ thứ nhỏ xíu như miếng trầu. Nhớ mảnh vườn. Nhớ giếng nước. Nhớ cái hàng rào hay đứng hàn huyên cùng mấy ông bà bạn già láng giềng. Nhớ đứa cháu sống cùng với ông bà từ nhỏ. Nhớ đủ thứ. Một nỗi nhớ thường trực mà quay quắt.

Chồng tôi hiểu tánh nết người già. Sáng anh dậy sớm, để cùng cha mẹ tôi tập thể dục. Cả ba tản bộ ra tiểu công viên trong khu nhà chuyên gia của Công ty Ô tô Trường Hải ở gần nhà, vừa tập vừa trò chuyện. Chiều anh cũng tranh thủ về sớm, rủ ông bà làm vườn. “Vườn” là mảnh đất bé tẹo, vừa đủ để mấy chậu hoa, vài luống rau nho nhỏ. Nhưng như vậy cũng không đủ giữ chân cha mẹ tôi nhiều ngày hơn. Ở phố cái chi cũng “cùn chân”, bí bách. Là cha mẹ tôi bảo vậy. Khiến tôi nhớ đến câu ngạn ngữ phương Tây, đại ý, không đâu bằng nhà của mình.

Ấy là cha mẹ tôi còn may mắn, còn có quê để mà nhớ, mà về. Có người vạn bất đắc dĩ phải ra phố sống chung với con cháu. Ròng rã nỗi nhớ quê, mà đành giấu trong lòng. Có chăng là ánh mắt nhìn xa xăm như luôn ngóng đợi điều gì. Tôi nhớ ngày còn sống chung với chúng tôi, mẹ chồng tôi thường bắt ghế ngoài cổng ngồi nhai trầu. Sau mẹ cũng bỏ ăn trầu vì không có bạn. “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”. Ăn trầu một mình chẳng có gì thú vị. Ở phố, tìm chỗ nhổ nước trầu cũng khó nữa là. Mẹ chồng tôi sống ở phố mà luôn ngậm ngùi nỗi nhớ quê kiểng. Chúng tôi dù yêu thương mẹ bao nhiêu, cũng khó có thể lấp đầy khoảng nhớ mênh mông của mẹ. Liều thuốc tinh thần mà chúng tôi bù đắp cho mẹ, có chăng là những bữa cơm gia đình đầm ấm, là sự lễ phép, lòng hiếu đễ. Mỗi khi về quê, mẹ chồng tôi chừng như trở thành người khác hẳn. Hoạt bát, nhanh nhẹn. Mẹ thoăn thắt xách nước tưới rau, nhổ cỏ. May mà thành phố Tam Kỳ nơi tôi ở còn có không gian đủ thoáng cho người già, lại còn mang hơi hướm quê mùa chớ không phải “phố rặt”. Ở những thành phố lớn, hẳn người già sẽ cảm thấy ngột ngạt gấp nhiều lần khi nhà cửa san sát mà nhà nào cũng cửa đóng im ỉm cả ngày. Tù túng và ngột ngạt.

Người già ở phố còn biết làm gì hơn cả ngày vô ra một mình, luẩn quẩn một mình. Con cháu, đứa đi làm, đứa đi học. Chiều về nếu không tất bật cơm nước thì cũng trò chuyện với… điện thoại. Thành ra người già bơ vơ, cô đơn và lạc lõng ngay cả khi sống chung với con cháu ruột rà là vậy. Rứa cho nên hôm về quê chơi, người bạn vong niên của tôi dạo vườn mà ao ước: cả đời cật lực để làm được căn biệt thự ở phố, nghỉ hưu lại mong có ngôi nhà 3 gian ở quê, có mảnh vườn để chăm sóc cho khuây khỏa.

2. Tuổi già. Dù muốn hay không thì cũng đến. Chỉ có điều mỗi người đón nhận “cơn gió heo may” của đời mình với tâm thế khác nhau. Thỉnh thoảng đi ngang quảng trường Tam Kỳ, tôi thấy người già cùng nhau tập dưỡng sinh, xong cùng nhau đi cà phê trò chuyện, tâm sự. Hình ảnh ấy khiến tôi thấy cảm thấy thư thái nhẹ nhàng. Chỉ cần người già cảm thấy vui vẻ thoải mái, là con cháu vui. Có lần đưa con đi hồ bơi vào sáng sớm, tôi thấy có vài người tuổi đã cao mà vẫn… học bơi. Chỉ chừng đó thôi đã tiếp thêm động lực cho những người trẻ lười tập luyện như tôi. Có người đưa cháu đến hồ học bơi, còn phần mình tập Dịch cân kinh bên bờ hồ trong khi chờ cháu.

Người già ở quê thường có nhiều người bầu bạn. Cũng có khi sống ở nơi hiu quạnh, người già chỉ cần bầu bạn với vườn tược, heo gà là đã thấy vui. Họ lấy cây cối, con vật làm tri âm tri kỷ. Còn ở phố nhà nào cũng kín cổng cao tường. Người già ở nhà thường có cảm giác bị giam lỏng. Có những lần đến nhà bạn bè chơi, tôi phải gọi cửa nhiều lần, cha mẹ của bạn mới lần tìm chìa khóa mở cổng sau khi nhận ra người quen. Mà không cẩn thận như thế, thì không an tâm, sợ bị trộm cắp lừa gạt đủ đường.

Ở quê còn có con heo con gà để chăm. Ở phố có gì ngoài bốn bức tường với các thiết bị công nghệ hiện đại. Nên người già ở phố thường có cảm giác hụt hẫng, cảm thấy mình vô ích, thừa thãi vì không giúp được gì cho cháu con, cho xã hội, có khi bệnh tật làm khổ con cháu, nên họ sống thiếu niềm tin. Mà con cháu, chỉ cần ông bà cha mẹ già vui, là đã thấy “có ích” cho con cháu rồi.

Người già ở đâu cũng vậy. Họ vui với những bữa ăn đông đủ thành viên gia đình. Sống trong gia đình nhiều thế hệ, thấy cháu con vui khỏe, sum vầy, quây quần, là mãn nguyện. Người già ở phố, cần một cái nắm tay qua đường. Cần có người hỏi han, trò chuyện, là đã cảm thấy đủ…

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người già ở phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO