Vùng biển xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ xưa có ba phường Thượng, Trung, Hạ nằm dọc bờ biển ở phía đông sông Trường Giang. Ở phường Hạ - còn gọi là xã Hòa Thanh Hạ có lưu một bộ tư liệu chữ Nho với nội dung liên quan đến việc bảo vệ biển thời Nguyễn.
Ông Dũng trước bàn thờ có lưu bộ tư liệu về ông Lê Văn Ước. ảnh: P.B |
Xã Hòa Thanh Hạ của “thuộc” Hà Bạc xưa
Vào đầu thời vua Gia Long, trên địa bàn các huyện Duy Xuyên, Lễ Dương và Hà Đông, huyện nào cũng có một “thuộc” có tên chung là Hà Bạc (hà: vùng sông nước, bạc: bến ghe, bến thuyền) tương đương đơn vị tổng. Các thuộc đó bao gồm các xã quy tụ phần lớn dân cư làm nghề đánh cá, làm mắm, làm muối, cào ngao, bắt hến, trét dầu rái, đan lưới đánh cá, đan/đóng ghe thuyền và một số nghề khác có liên quan đến hoạt động của dân cư ngư nghiệp.
Như ở nhiều vùng ven biển khác trong cả nước, triều Nguyễn đã lấy trai tráng ở các thuộc Hà Bạc - Quảng Nam vào làm lính ở các Vệ thủy quân để bảo vệ các vùng biển ở Thừa Thiên và Quảng Nam, trong đó có trai tráng ở xã Hòa Thanh Hạ nói trên.
Địa bạ triều Nguyễn cho biết, vào thời Gia Long, xã Hòa Thanh Hạ xưa (nằm trong “thuộc Hà Bạc”, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình, sau tách thành phủ Tam Kỳ của tỉnh Quảng Nam) có vị trí và địa mạo như sau: “Đông giáp biển, Tây giáp sông, Nam giáp xã Tân Lộc Ngọc Giáp thuộc Liêm hộ…, Bắc giáp xã Hòa Thanh, phường Thượng, Trung… Toàn diện tích là cát trắng gồm 121 sào, 1 thước”. Đến thời Minh Mạng, xã này thuộc tổng Đức Hòa, huyện Hà Đông. Đối chiếu với hiện nay, vùng cát ấy thuộc về thôn Hạ Thanh, xã Tam Thanh của TP.Tam Kỳ.
Bộ tư liệu của tộc Lê xã Hòa Thanh Hạ
Theo hướng dẫn của ông Lê Đức Dũng, một cán bộ kháng chiến hưu trí, chúng tôi tiếp cận được bản gốc tư liệu của gia tộc ông gồm một sổ duyệt tuyển lập thời vua Minh Mạng, ba giấy cấp bằng có liên quan đến Vệ Tả Thủy tỉnh Quảng Nam lập thời Thiệu Trị và một trát sức của tri huyện huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam lập thời vua Tự Đức. Có thể tóm tắt các nội dung chính của bộ tư liệu đó như sau:
Vào ngày 29 tháng Bảy âm lịch năm Minh Mạng thứ 20 (1840), quan Hộ lý Tuần phủ Quan phòng phụ trách hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi (kiêm lĩnh chức) Bố chính sứ Quảng Nam - họ Vương đã xác nhận vào cuốn sổ duyệt tuyển kê tên 38 người của phường Hạ xã Hòa Thanh. Trong đó có 8 người được miễn các nghĩa vụ đóng góp ở địa phương (miễn sai): gồm ông Lê Văn Ước 37 tuổi - lúc ấy đang là Ngoại ủy Đội trưởng của Đội số Một thuộc Vệ Tả Thủy của tỉnh Quảng Nam cùng với 7 người đang là binh lính thuộc Đội số Ba của Vệ số Hai trong phiên chế của một đơn vị thủy quân khác có tên là Thủy sư Hữu doanh đóng tại Thừa Thiên. Qua cuốn sổ này, có thể biết được tỷ lệ người được sung làm lính biển của địa phương nói trên là khá nhiều; và có người được giao làm nhiệm vụ chỉ huy là ông Lê Văn Ước.
Tên ông Ước còn gặp ở các văn bản ký ngày 10.3.1838 thời vua Minh Mạng và các ngày 12.6.1840 và ngày 18.2.1841 thời vua Thiệu Trị. Đó là ba văn bản do các viên Tuần phủ Nam Ngãi đương thời cử ông Lê Văn Ước lần lượt giữ chức Ngoại ủy Đội trưởng rồi thăng Đội trưởng rồi đến chức cao hơn là Tạm ủy Suất đội Vệ Tả Thủy phụ trách việc tuần phòng bờ biển của tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ.
Văn bản thứ năm của bộ tư liệu ký ngày (không rõ) tháng 12 âm lịch năm Tự Đức thứ 11 (1858) là văn bản đặc biệt: Nó có nội dung liên quan đến việc lập các đoàn Dân dõng phòng vệ miền biển đã từng được sách Đại Nam thực lục, phần chép việc tháng 6 năm 1861, ghi như sau: “Vua dụ các địa phương từ Quảng Nam trở ra Bắc, chiêu mộ dân dõng để phòng sai phái”.
Dân phòng miền biển xưa
Xin trích một số nội dung mà chúng tôi dịch sát nguyên văn và chú thích thêm từ tư liệu thứ năm nói trên để có thể hiểu thêm về việc tổ chức cho dân thường tham gia phòng vệ miền biển - cụ thể ở vùng ven biển Tam Kỳ vào thời ấy đã được thực hiện như thế nào?
“Tri huyện (họ) Hà của huyện Hà Đông (phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cấp chứng nhận về việc sau:
Nay, theo trát ở trên truyền xuống: Có chỉ dụ của triều đình về khoản sau: Lập tức tổ chức số tráng đinh trong các xã thôn trong hạt mình quản lý, tùy theo các mối liên hệ mà sắp xếp, gồm từ trên bốn mươi đến năm mươi hoặc sáu mươi người thành một tiểu đoàn. Trong số đó, chọn một người khỏe mạnh, can đảm, thạo việc… được mọi người nghe theo, đề cử làm Đoàn trưởng.
- Bố trí trong mỗi (tiểu) Đoàn, gồm bốn mươi người, một viên Luyện trưởng (để phụ trách việc huấn luyện).
- Liên kết nhiều (tiểu) Đoàn thành một Đại đoàn gồm trên dưới năm (hoặc) sáu trăm người; cử một Đoàn tổng (để chỉ huy)…
- Việc sắm khí giới thì tùy vào những gì trong dân đang có sẵn: như rìu, mác hoặc rựa (những thứ ấy lắp thêm cán) đổi thành giáo dài đều được! Thêm nữa, mỗi Đại đoàn cần may (chế) một tiểu phương kỳ (cờ vuông nhỏ) bằng vải bố đỏ.
- Trên cờ tả (viết) các chữ “Hà Đông Tiên Giang Đoàn Dân Dõng” (Đoàn dân dõng của vùng biển huyện Hà Đông) để gặp lúc đến trong dân ứng cứu thì giương lên trước để (mọi người) được biết rõ!
- Đặt các toán dò la thám thính (xích hậu) để canh phòng vùng bờ biển (hải phòng). Các toán này phải chia phiên canh gác. Ban ngày thì luyện tập kỹ thuật, võ nghệ (kỹ nghệ) cho đến chỗ thành thục; ban đêm thì tuần phòng cửa biển, bờ biển (tấn địa) cùng bảo vệ làng xóm.
(Nay) bố trí (dân đinh) bốn phường Hòa Thanh Trung, Hòa Thanh Thượng, Hòa Thanh Hạ và Vịnh Giang thành một Đoàn, chọn lấy ông Lê Văn Ước làm Đoàn trưởng. (Ông này) cần nhanh chóng theo sự bổ dụng, cùng với viên Luyện trưởng lập tức gọi Dân phu trong Đoàn gồm bốn chín người có tên ghi sau (trát này) sắm sửa đầy đủ khí giới: rìu, rựa, mác… đều được! Tất cả đều phải nghe theo viên Đoàn Tổng (chỉ huy Đại đoàn), ngày ngày siêng năng tham gia luyện tập để khiến võ nghệ đạt đến chỗ thành thục. Tuy gọi là (giao nhiệm vụ) làm tự vệ hương thôn, nhưng đến lúc cần có thể đem võ nghệ ra sử dụng (để phòng khi) thình lình nghe có lệnh ở trên triệu tập, thì lập tức chạy đến Nha (phụ trách phòng vệ biển) để chịu sát hạch, không được xem thường! Nếu bê trễ, thiếu sót sẽ bị xử trị như là đối với binh lính chính quy (nguyên văn: hữu quân chính tại)….”
Qua nội dung văn bản trên có thể biết: Lúc được giao nhiệm vụ làm Đoàn trưởng, ông Lê Văn Ước đã về hưu. Việc bố trí một viên quan hưu trí từng chỉ huy thủy binh tiếp tục chỉ huy một đoàn dân phòng ở một địa phương nhỏ là một ví dụ cho thấy triều vua Tự Đức đã rất cẩn trọng và rất quyết tâm trong việc huy động toàn dân bảo vệ miền biển trước hiểm họa xâm lược của giặc Pháp.
PHÚ BÌNH