Người giữ “lửa” nghề trồng dâu nuôi tằm

Hoàng Yên 27/04/2013 08:23

Ông Thái Văn Dũng ở thôn Phú Tây (xã Điện Quang, Điện Bàn) là người duy nhất của xã còn gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống tại khu vực Gò Nổi từng một thời rất thịnh, nay đã bị mai một.

THEO “Địa chí xã Điện Quang”, trước Cách mạng Tháng Tám, đặc biệt là giai đoạn 1940 - 1944, nghề trồng dâu ở Điện Quang rất thịnh, bởi ngoài việc phục vụ cho nghề ươm tơ dệt lụa ở địa phương thì tơ lụa của Điện Quang được xuất đi cả Nam Vang (Campuchia) và Ấn Độ, kén còn được cung cấp cho Đông Yên và vài xã khác của huyện Duy Xuyên. Giai đoạn 1987 - 1991 toàn xã có tới 400ha dâu, tức gần 2/3 đất nông nghiệp. Thế nhưng, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, nghề truyền thống này đã bắt đầu đi xuống và “chết” hẳn một năm sau đó. Đến nay người duy nhất của xã là ông Thái Văn Dũng hay còn gọi là ông Dũng Tuần vẫn giữ được nghề truyền thống này.
Tuy nhiên, việc giữ “lửa” cho nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm của ông Dũng đang gặp nhiều khó khăn. Ông Dũng đã kiến nghị và xin xã cấp đất để có điều kiện giữ nghề. Ông chia sẻ: “Việc trồng dâu nuôi tằm này đã gắn liền với tôi từ lâu, nó như ăn sâu vào máu thịt mình vậy. Nhiều người bỏ nghề để chuyển sang nghề khác có tiền nhiều hơn, nhưng đối với tôi việc giữ lại nghề truyền thống của cha ông là quan trọng hơn cả. Làm nghề này cực lắm, “nuôi tằm ăn cơm đứng”, phải thức đêm thức hôm nên người ta dần bỏ hết. Lúc trước còn có nhiều người làm khi thiếu dâu có thể qua mượn nhưng giờ chỉ có một mình, mỗi khi thiếu tôi phải xuống mót quanh bờ rào nhà người ta ở tận dưới Điện Trung.  Nhiều lúc cũng thấy khổ, nhưng được cái yêu nghề nên mới giữ được cho tới bây giờ”.

Ông Dũng bên vạt dâu xanh tốt của mình. Ảnh: H.Y
Ông Dũng bên vạt dâu xanh tốt của mình. Ảnh: H.Y
Ông Trần Công Quảng - Chủ tịch UBND xã Điện Quang cho biết, việc giữ lại nghề truyền thống của ông Dũng Tuần được xã ủng hộ và động viên rất nhiều. Hiện xã đã cấp cho ông Dũng 3 sào đất màu để trồng dâu nuôi tằm. Sắp tới nếu đầu ra ổn định, địa phương sẽ cho mở rộng lại diện tích và khuyến khích người dân quay lại với nghề truyền thống này.

Trồng dâu nuôi tằm cũng là nghề chính của vợ chồng ông Dũng. Con cái ông học hành đều nhờ vào những đồng tiền từ dâu tằm mà ra. Ông là người có cái tay nuôi tằm, nuôi mí nào là trúng mí đó. Mỗi một lần nuôi ông thường nuôi từ 1 - 1,5 hộp, mỗi hộp cho khoảng 35 - 40kg. Giá mỗi ký kén dao động từ 85 - 100 nghìn đồng. Ông thường lấy trứng và bán kén ở xã Duy Châu (huyện Duy Xuyên). Đối với ông nuôi tằm sướng cái là ít phải đầu tư (chỉ tốn công sức), có đầu ra, giá cả ổn định. Theo ông chỉ cần nuôi 3 mí tằm (mỗi mí 21 ngày) là bằng người ta làm một mùa vụ (3 tháng), nhưng nghề này rất cực, phải chăm từng tí một: dâu tằm ăn không được để ướt, tằm phải tránh gió… nên nếu gặp dâu ướt ông phải quạt cho khô từng lá, hay nếu có gió ông phải để tằm trong phòng ngủ và thế là cùng ăn, cùng ngủ với nó suốt 21 ngày mới cho ra thành phẩm. Ông Dũng hóm hỉnh: “Cũng nhờ là người duy nhất còn giữ nghề trồng dâu nuôi tằm nên giờ tôi trở nên nổi tiếng lắm. Chỉ cần tới đất Điện Quang mà hỏi ông Dũng Tuần là người ta chỉ tới tận nhà. Tôi hy vọng việc làm của mình sẽ góp phần vào sự phát triển của của làng nghề trong tương lai”.

Hoàng Yên

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người giữ “lửa” nghề trồng dâu nuôi tằm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO