Ông Nguyễn Mạnh Thấn (67 tuổi, thôn Đông Hà, xã Cẩm Kim, TP.Hội An) là truyền nhân đời thứ 5 của dòng họ Nguyễn ở làng mộc truyền thống Kim Bồng còn giữ nghề đóng ghe bầu. Đối với ông, nghề này không chỉ mưu sinh, mà còn để giữ lấy “lửa” nghề tinh hoa của tổ tiên.
Xưởng đóng ghe bầu của gia đình ông Thấn có diện tích chưa đầy 100m2, nhưng nơi đây đã sản xuất ra hàng trăm chiếc ghe với nhiều kích cỡ. Ông Thấn kể, từ nhỏ đã được ông nội truyền nghề, đến khi trưởng thành, cùng với làm nông và đi biển, nghề đóng ghe bầu đã trở thành “cần câu” sinh kế chính của gia đình. Tính đến nay, ông là thế hệ thứ 5 của gia đình làm nghề đóng ghe bầu.
Năm du lịch quốc gia 2022, ông Thấn phấn khởi khi được chính quyền TP.Hội An tin tưởng đặt đóng 5 mô hình ghe bầu với kích cỡ 3m để phục sự kiện du lịch và trưng bày tại điểm dừng chân ở xã Cẩm Kim.
Ông Thấn cho biết, quy trình đóng ghe trải qua nhiều bước như chuẩn bị vật liệu định thước tấc, bãi đóng (gần mép nước để việc hạ thủy và vận chuyển được dễ dàng) xẻ gỗ theo kích thước định sẵn, long cốt - lô lái - lô mũi, dàn ráp long cốt với lô, ráp be đã uốn sẵn với lô và giang đà, vỏ ghe phần dưới đóng then, vỏ ghe phần trên vời (làm sạch phần gỗ dư của các bộ phận), xảm (trét kín các khoảng hở giữa các be bằng sợi tre trộn với dầu rái, chai phà), hạ thủy - dựng cột buồm - ráp bánh lái.
Sau khi hoàn thành chiếc ghe bầu, chủ ghe thường tổ chức những lễ cúng, trong đó có các lễ chính không thể thiếu như: phạt mộc, giáp ghim, hạ thủy, khai quang điểm nhãn, đưa dăm tống mộc.
Trước lúc đưa ghe xuống nước, chủ ghe làm lễ hạ thủy, lễ này gắn với quan niệm về những vị thần, những lực lượng siêu nhiên ngự trị ở môi trường sông nước với ước muốn phù trợ cho chiếc ghe được an toàn trong quá trình hành nghề.
Mỗi năm cơ sở của ông Thấn làm được 6 chiếc ghe bầu với nhiều kích cỡ. Chiếc lớn nhất có chiều dài 40m, nhỏ nhất 30m. Giá bán mỗi chiếc ghe dao động từ 30 - 150 triệu đồng. Thời gian hoàn thành một chiếc ghe bầu ít nhất khoảng 2 tháng.
Hiện cơ sở của ông Thấn có 4 thợ cùng làm nghề, mỗi nhân công được ông trả 400 nghìn đồng/ngày. Nhờ có uy tín nên khách hàng gần xa như ở Hải Phòng, Quảng Ngãi cùng tìm đến đặt hàng ông Thấn. Ngoài đóng ghe bầu tại cơ sở, hằng năm ông Thấn cùng thợ đi khắp các tỉnh từ Bắc đến Nam để đóng ghe bầu theo yêu cầu của khách hàng.
Ông Thấn có 5 người con, trong đó 2 người theo cha học nghề đóng ghe bầu. Từ khi thành lập cơ sở đóng ghe bầu đến nay, ông Thấn đã truyền đạt, dạy nghề cho khoảng 50 thợ trên địa bàn TP.Hội An, Duy Xuyên, Quế Sơn…
“Cũng nhờ nghề này mà tôi đã có điều kiện nuôi dạy con cái ăn học thành tài. Dù biết làm nghề đóng ghe bầu rất vất vả, thu nhập không cao, nhưng tôi vẫn mong muốn sau này các con sẽ nối tiếp nghề truyền thống của cha ông” - ông Thấn nói.