Người giữ tiếng thơm...

SONG ANH 17/04/2022 08:58

(VHQN) - Làm nghề. Sống chết với nghề. Qua bao nhiêu đổi dời, họ vẫn vẹn nguyên say mê với những thớ gỗ, những vụn đất sét, những nan tre vót chỉn chu... Nghệ nhân làng nghề trên khắp vùng miền xứ Quảng này, vẫn đang cố từng ngày giữ lại tiếng thơm của nghề làng mình...

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp. Ảnh: X.H
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp. Ảnh: X.H

Sống với nghề

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp (Điện Phương, Điện Bàn) nói, chưa bao giờ ông có ý làm nghề nào khác, ngoài việc làm mộc mỹ nghệ. Hơn 50 năm trên chặng đường này, những danh vị đã nhận đếm hơn hai bàn tay, nhưng điều để ông tự hào nhất, lại là câu chuyện sống được, sống tốt với nghề.

Hẳn làm nghề là phương thức để người đàn ông này diễn ngôn ý tứ của mình, tự sự chính mình và bày tỏ mình. Với một ngôi nhà, nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp cùng cộng sự có thể kể nên câu chuyện từ những vì kèo, trính, cột... Hay từ đường nét hoa văn nhỏ nhất, ông miệt mài để tạo thành sản phẩm mộc mỹ nghệ mang câu chuyện đời thường.

Ở đoạn phía bắc cầu Câu Lâu này - một vùng đất mang số phận đặc biệt để có những con người đặc biệt. Người ta dễ hình dung ra mùi đất sét nâu sồng bằng khói bếp nung từ lò gốm của Lê Đức Hạ, hay mùi tre trúc đang nổ lách tách trên những bếp than hồng của bà mẹ làng Triêm Tây, hay cả mùi vị tươm lên nơi đầu lưỡi ngay khi thấy những gánh mỳ Phú Chiêm ở phía này sông…

Và có cả hương của gỗ, từ chính những người như nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp, Trần Văn Thu, Lê Tiến Vỹ... ở chính cái đất trăm nghề trăm nghiệp này. Những vuông gỗ thẳng thớm nên hình nên dạng, nên cả tác phẩm nghệ thuật.

Với nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp - một người làm nghề được số đông người dân địa phương trọng vọng, thì câu chuyện nghệ nhân sống được với nghề mới là điều tiên quyết để làng nghề còn mất trong vòng xoáy thời gian.

Ông nói mình được nuôi dưỡng và chưng cất trong cái mê hoặc của hoa văn mộc truyền thống ngay từ những ngày tuổi nhỏ, nên nghiệp này đủ tròn trịa những bao dung để mới có một Nguyễn Văn Tiếp chưa bao giờ cơi lên ý tưởng xa nghề.

Căn xưởng đầu tiên, cũng là ngôi nhà của mình, là nơi an ổn để cất cánh cho những mê say thành hình, cũng là nơi an toàn hơn hết để những đăm chiêu nghề nghiệp trút bỏ muộn phiền. Và có lẽ những người con hiểu được tâm tính của cha, nên mới trở về ngôi nhà xưởng ven sông Thu, vun vén để nên một cơ ngơi nghề nghiệp, mà hương sắc của nó tỏa lan đi khắp mọi quê chốn.

Cơ chế nào hỗ trợ nghệ nhân?

Bây giờ, nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp vừa là Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam, vừa là Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam. Ông nói, con số nghệ nhân của Quảng Nam không chỉ dừng lại ở những thống kê từ phía cơ quan chức năng. Bởi có rất nhiều nghệ nhân tuổi đã thất thập và dù có rất nhiều cống hiến nhưng việc được phong tặng danh hiệu với họ là rất khó khăn vì vướng quy chế.

Từ câu chuyện nghệ nhân phải có sản phẩm dự thi cho đến phải có thành tích trong việc khôi phục, duy trì và phát triển ngành nghề bằng cách tổ chức truyền nghề, dạy nghề cho tối thiểu 50 người,... khiến thủ tục để danh vị nghệ nhân các cấp tới được với người làm nghề khá trắc trở. 

Người làm nghề, nghệ nhân... vẫn đang tìm cách để bám víu với nghề. Ảnh: L.T.K
Người làm nghề, nghệ nhân... vẫn đang tìm cách để bám víu với nghề. Ảnh: L.T.K

Hỗ trợ hằng tháng cho nghệ nhân có danh hiệu cũng là câu chuyện dài của Quảng Nam. Cho đến nay, ngoài làm hồ sơ phong tặng danh hiệu và tiền thưởng kèm theo thì hầu như nghệ nhân không có khoản trợ cấp nào khác.

“Việc hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân lâu nay vẫn mang tính chất thời vụ. Nghĩa là khi có kỳ cuộc nào đó, hay khi thực hiện các đề tài khoa học có liên quan đến lĩnh vực các nghệ nhân đang nắm giữ thì họ được mời tham gia và có kinh phí. Đôi khi có nhiều anh em cũng tâm tư lắm...” - ông Tiếp nói.

Người làm nghề tâm huyết, các nghệ nhân lớn tuổi vẫn đang chờ đợi nhiều cú hích mới, trong đó, chương trình Quảng Nam đang vận hành “Mỗi xã một sản phẩm” được kỳ vọng có thể là một trong những “chỗ dựa” để tìm lại sinh khí cho làng nghề.

Cùng với điều này, Quảng Nam đã “chi mạnh tay” trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020, khi bố trí đầu tư hơn 85 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển 16 làng nghề có tiềm năng ở Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Phú Ninh, Đông Giang, Nam Giang, Nông Sơn. Tuy nhiên, cơ chế hỗ trợ cho nghệ nhân vẫn phải phụ thuộc sự phát triển của làng nghề ở địa phương. 

Đãi ngộ nghệ nhân như thế nào để họ có cơ hội thực hành vốn liếng di sản mình sở hữu cũng như tạo điều kiện để họ trao truyền di sản là điều cần tính toán. Bên cạnh sự khích lệ, động viên, tôn vinh nghệ nhân, việc truyền cảm hứng cho họ thêm trân quý để theo đuổi, gìn giữ di sản nghề nghiệp... là điều rất nên quan tâm.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người giữ tiếng thơm...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO