Lần đầu tiên thượng đài, lại thi đấu với “Đệ nhất anh hùng miền Đông”, Nguyễn Nhị - với thân hình ốm yếu của một người tù sau nhiều trận đòn roi - chỉ trong ít phút đã quật ngã đối thủ...
Võ sư Huỳnh Tiền năm 1953. |
“Học võ là để cứu người, chớ không phải để đánh người!”
Chuyện kể rằng, thời trước Cách mạng Tháng Tám, có địa chủ trên tận Tí, Sé, Dùi Chiêng (nay thuộc huyện Nông Sơn) cho người xuống rước dân võ làng Quảng Đại lên giúp giữ trật tự để thu hoạch mùa vụ. Ông Nguyễn Nhị cùng một số anh em giỏi võ kéo nhau “đem chuông đi đánh xứ người”. Hàng ngày, mọi người được trọng vọng, cơm bưng nước rót. Một hôm, nghe chủ nhà báo đã tới ngày thu hoạch, ông Nhị họp anh em lại và phân công nhau tối đến bí mật ra các nhà dân, chuyện trò to nhỏ, khuyên bà con địa phương nên tránh đối đầu với anh em võ sinh vì nếu rủi ai bị thương tật thì chẳng hay ho chi!
Cơm sáng xong, chủ nhà đề nghị anh em khiêng bộ ván ra đặt ở góc sân, bên bờ tre và hàng cau tơ vừa làm chỗ ăn cơm, vừa có nơi nghỉ mát. Buổi trưa, mọi người đang ăn cơm thì nghe tiếng la hét của vài chục trai tráng trong làng. Ai nấy đều hằm hằm, tay dao, tay thước vây lấy anh em võ sinh, quyết ăn thua đủ. Ông Nhị bình tĩnh dặn nhỏ anh em: “Có gì thì anh em cứ rúc xuống phản tránh đòn. Nếu tình huống xấu nhất thì cứ bốn người khiêng một tấm phản làm mộc đỡ, chờ tôi và anh Chưởng tính”. Nói xong, ông và ông Chưởng cùng hét lên một tiếng, nhanh như cắt mỗi người cầm lấy một đoạn gốc tre đực (được giấu kín ở bờ tre). Cả hai “loạn roi” rào rào giữa trưa hè nắng gắt. Đám trai làng kia hoảng hốt, bỏ cả dao, thước chạy mất mật.
Chủ nhà đứng trong nhà nhìn ra thấy mới chỉ có hai người ra tay, còn lại đều yên vị trên phản nên có ý khiếp. Ông ta bèn chạy tới, miệng hỏi: “Bọn mô làm loạn rứa?”, rồi giả lả: “Cũng may tụi hắn biết khôn bỏ chạy, chớ không mất vài ba mạng là ít. Mấy anh thấy đó, nếu không có mấy anh dễ chi bọn tôi thu hoạch mùa ni được an toàn. Giàu có chẳng sung sướng chi mô. Thôi, mời mấy anh tiếp tục ăn cơm kẻo nguội, mất ngon. Chắc từ ni tới già, tụi hắn không dám mò tới nữa đâu!”. Mọi người trở lại ăn cơm và đều ngầm hiểu chuyện dàn xếp với dân nghèo tối qua đã lọt tai chủ nhà. Chắc ông ta cho rằng đám võ sinh không có thực tài nên mới làm vậy. “Chiêu trò” vừa rồi là để kiểm tra thực hư.
Người xóm Bàu, làng Quảng Đại, là học trò cưng của võ sư lừng danh Hồ Cưu, ông Nguyễn Nhị (Nguyễn Đăng Nhị) có tiếng trong làng võ đất Quảng và miền Trung. Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, ông từng được Ban lãnh đạo khởi nghĩa tổng Quảng Hòa giao nhiệm vụ truy bắt bọn phản động thân Nhật. Liệt sĩ Nguyễn Nhị hy sinh năm 1968 khi đang giữ cương vị Bí thư chi bộ kiêm Chủ tịch UBND cách mạng xã Lộc Phước (Đại Cường ngày nay). |
Trên đường trở về làng Quảng Đại, vài anh em trẻ thắc mắc hỏi tại sao không đánh, bắt một, hai tên tra hỏi, vạch mặt tay địa chủ chơi đểu kia, ông Nguyễn Nhị ôn tồn bảo: “Các chú còn trẻ nên thường hí hố. Một sự nhịn là chín sự lành. Học võ là để cứu người, chớ không phải để đánh người. Mình giỏi ắt có người giỏi hơn!”.
Hạ đo ván “Đệ nhất anh hùng miền Đông”
Huỳnh Tiền là một đại võ sư và là cột trụ sừng sững của làng đấm bốc miền Nam. Trong quá trình thượng đài, Huỳnh Tiền từng hạ nhiều tay đấm sừng sỏ như Võ Châu Long, Hồ Thanh Xuân (Bình Định), Trần Văn Ngọ (tức Kim Sang - Quảng Ngãi), Phan Thành Sự (Bến Tre), Lý Soul, Văn Thọ (Campuchia), Văn Hoán (vô địch Bắc Kỳ), Trịnh Thiếu Anh (Khánh Hòa), Trần Cơ (Hải Phòng), Lê Hữu Vĩnh (Rạch Giá), Thái Học Kỳ (Cần Thơ), Lữ Hồng Cơ (Cà Mau), Nguyễn Son (vô địch miền Tây)… Trong số các võ sĩ đương thời, chỉ có mỗi “Võ Vương” Minh Cảnh (vô địch Đông Dương) là thắng được Huỳnh Tiền một trận, còn lại cũng phải chịu 2 trận thua và một trận hòa trong tất cả 4 lần so găng. Huỳnh Tiền giỏi cả đấu quyền Anh và quyền tự do. Chính điều đó làm tài năng của ông càng thăng tiến vượt bậc. Tuy vóc người thấp bé nhưng bù lại Huỳnh Tiền được thiên phú cho bước di chuyển linh hoạt uyển chuyển như… múa ba lê, dựa trên một nền tảng thể lực cùng sự dẻo dai đáng kinh ngạc, đặc biệt là lối thi đấu khôn ngoan, điềm tĩnh, luôn hạ knock-out đối phương ở những thời khắc ít ai ngờ tới. Lối thi đấu “ranh mãnh” đã đưa Huỳnh Tiền đoạt chức vô địch Việt Nam (quyền Anh và quyền tự do) năm 1948, 1949, 1953, 1965, được báo chí Sài Gòn tôn vinh biệt danh “Con cáo già”, “Đệ nhất anh hùng miền Đông”, là “Cây trụ đồng sừng sững của làng đấm miền Nam” (chữ dùng của ký giả Thiệu Võ trên tuần san Thao Trường). Sự nghiệp võ đài lừng lẫy của “Con cáo già” Huỳnh Tiền tưởng chừng như một bản giao hưởng toàn những nốt thăng. Thế nhưng, đã có một “dấu lặng” khó quên đối với ông. Đó là lần thua điểm tay đấm Nguyễn Nhị trong một độ quyền tự do tại võ đài Hội An (Quảng Nam).
Chuyện là, những năm 50 của thế kỷ trước, võ sư Huỳnh Tiền từ miền Nam ra Hội An rung dây 7 đêm liền thách đấu nhưng không có đối thủ. Lúc này, ông Nguyễn Nhị đang bị Mỹ - Diệm bắt giam ở nhà lao Hội An cùng những người kháng chiến và yêu nước khác. Ông Trương Công Tùy (nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Đại Lộc, đã từ trần) có lần kể lại với thân nhân ông Nguyễn Nhị, rằng: “Thời ấy, tôi cùng bị ở tù với anh Nhị. Không biết nghe ai mách bảo mà đích thân Trưởng ty Cảnh sát quốc gia Quảng Nam vào nhà lao mời anh ra thượng đài và “treo giải”: nếu thắng được võ sư Huỳnh Tiền thì được về quê làm ăn, không ai làm khó dễ. Tôi biết, không phải vì tin lời hứa của đối phương mà chính vì sĩ diện và danh dự của làng võ đất Quảng, ở thế chẳng đặng đừng, anh Nhị miễn cưỡng nhận lời”.
Trận so tài vô tiền khoáng hậu được tổ chức với sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo khán giả, trong đó có cả những người tù yêu nước được quản tù cho dự khán. Nhìn thân hình ốm yếu của người tù sau những trận đòn roi, nhiều người lo sợ ông Nguyễn Nhị mất mạng trong trận quyết chiến với “Đệ nhất anh hùng miền Đông”. Huỳnh Tiền hùng dũng bước ra võ đài sau khi được ban tổ chức cuộc đấu giới thiệu thành tích rất kêu. Còn ông Nhị khiêm tốn chỉ xưng danh tính và thành thật cho biết chưa một lần thượng đài, vì thường ngày theo thầy học võ chỉ mong bảo vệ sức khỏe mà lo việc nông tang chứ không nghĩ đến ngày hôm nay. Khán giả vỗ tay rầm trời. Khi được lệnh của trọng tài, hai người bái tổ, chào nhau, rồi thủ thế, lựa miếng. Kỳ lạ thay, chưa đầy một hiệp đấu, người bị hạ đo ván lại chính là võ sư họ Huỳnh. Xe cứu thương hụ còi inh ỏi đưa ông Tiền vào nhà thương Hội An cấp cứu trong sự sững sờ của đám thủ hạ. Sau trận này, Huỳnh Tiền tuyên bố không bao giờ ra miền Trung thi đấu nữa!
_________
Bài viết có sử dụng tư liệu của nhà văn Vu Gia và các tư liệu khác.
VÂN THU